Sự sụp đổ của giá dầu toàn cầu đang gây áp lực đặc biệt nặng nề đối với Venezuela, với những hậu quả kinh tế tuy không dự đoán được nhưng nghiêm trọng. Giá dầu của Venezuela đã giảm từ 97 USD/thùng xuống dưới 40 USD/thùng trong năm vừa qua. Đối với một quốc gia nhập khẩu hơn 70% các mặt hàng tiêu dùng (bao gồm cả thực phẩm) và phụ thuộc vào xuất khẩu dầu đối với hơn 95% giao dịch ngoại hối của mình, những tác động lên phúc lợi của Venezuela là rất nghiêm trọng. Tổng sản phẩm quốc nội giảm 3% trong năm 2014 và lạm phát vượt quá 60%. Các báo cáo từ Venezuela cho thấy những dòng người xếp hàng dài hơn tại các chợ, tình trạng thiếu một lượng lớn các loại hàng hóa và nạn cướp bóc thỉnh thoảng phát sinh tại các siêu thị. Những vấn đề này thậm chí còn tồi tệ hơn ở những khu vực xa thủ đô Caracas.
Chuyến thăm toàn cầu gần đây của Tổng thống Venezuela Maduro tới Trung Quốc, Nga, Iran, Qatar, Saudi Arabia và Algeria có mục tiêu kép là thuyết phục các nhà sản xuất dầu thực hiện hành động phối hợp để tăng giá dầu và tìm kiếm khoản tiền bổ sung để lấp vào khoảng trống trong lĩnh vực tài chính của Venezuela. Trong khi Iran và Nga bày tỏ quan tâm trước đề xuất thúc đẩy giá dầu toàn cầu, người Saudi Arabia (tấm phiếu quyết định do năng lực sản xuất vượt trội của họ) đã từ chối hợp tác. Và mặc dù Tổng thống Maduro đã công bố những khoản đầu tư mới từ Trung Quốc, Qatar và Nga, nhận thức ở trong và ngoài nước là ông đã không thành công trong việc bảo đảm các nguồn tiền mới. Khoản hỗ trợ 20 tỉ USD từ Trung Quốc không hấp dẫn như hình dung dù trong hoàn cảnh tốt nhất đó là biểu hiện cho sự quan tâm từ phía Trung Quốc đối với việc giành quyền kiểm soát một số ngành công nghiệp nặng của Venezuela. Quy mô các cam kết của Qatar và Nga vẫn còn mơ hồ và Qatar cho đến nay vẫn do dự chưa xác nhận bất cứ con số cụ thể nào. Nhìn chung, ngay nếu điều này mang lại các khoản tiền mới, nó sẽ dưới hình thức đầu tư vào tài sản hữu hình có khả năng được thanh toán hết trong vòng vài năm thay vì tiền mặt trực tiếp mà Venezuela có thể sử dụng để lấp đầy sự thiếu hụt tài chính hiện tại của mình.
Thiếu các khoản vay mới từ các nguồn mới, Chính phủ Venezuela đang nhanh chóng cạn kiệt nguồn lực. Giá dầu hòa vốn để cân bằng ngân sách chính phủ của Venezuela được cho là 117,5 USD/thùng và ngay cả Tổng thống Maduro cũng đặt ra mức 100 USD/thùng. Một ngân hàng đầu tư phố Wall gần đây đã tính toán rằng thậm chí theo những giả định cực kỳ hào phóng về doanh thu và việc bán các tài sản nhà nước thanh toán trong một lần duy nhất như CITGO, Venezuela vẫn thiếu 7-8 tỉ USD trong giao dịch ngoại hối năm 2015. Việc thiếu độ tin cậy về khả năng trả nợ sẽ có hậu quả là loại Venezuela ra khỏi thị trường vốn quốc tế mà nước này có lẽ từng sử dụng để đảm bảo các khoản vay nhằm vượt qua cơn bão do giá dầu thấp gây ra. Venezuela đang xếp hạng thấp nhất trong số các nhà sản xuất dầu lớn trong việc giải quyết hậu quả của sự sụt giảm giá dầu hiện nay. Nước này có dự trữ ngoại hối thấp nhất trong số các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới, đã sử dụng thay vì tiết kiệm khoản thu nhập họ thu được từ dầu mỏ trong suốt thời kỳ bùng nổ trao đổi hàng hóa thập niên qua.
Lê Quân tổng hợp (DNSGCT)