Chúng tôi trở lại Gia Miêu Ngoại Trang vào một buổi chiều nắng nóng. Vẫn là những ngọn núi thấp thoai thoải, đồi cao xanh mướt mắt với khung cảnh làng quê trù mật. Có cảm giác nơi đây từ bao đời nay vẫn vậy: yên bình thăm thẳm với không gian văn hóa cổ kính linh thiêng; chứa đựng trong mình những dấu tích của người xưa.
Lắng lòng trong không gian thiêng của những di tích trầm mặc, nghe đâu đây như tiếng vọng về của lịch sử, cùng những chuyện xưa tích cũ gắn liền với câu chuyện của một dòng họ – một vương triều. Nơi đây đang tồn tại các di tích thuộc về vương triều Nguyễn, đó là đình Gia Miêu; nhà thờ họ Nguyễn, lăng Trường Nguyên, Nguyên miếu (miếu Triệu Tường)…
Từ rất lâu, Gia Miêu Ngoại Trang được xem là đất tổ của các chúa và vua triều Nguyễn. Người mở đầu cho nghiệp chúa là Nguyễn Hoàng (1558-1613); ông là con thứ hai của Nguyễn Kim (1468-1545), người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, nay là xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Kim là Triệu Tổ của nhà Nguyễn và Gia Miêu trở thành nơi phát tích của triều đại này.
Người ta nói, “Gia Miêu” có nghĩa là “lúa tốt”. Dân gian còn thường gọi nơi đây là vùng đất Quý hương. Và trong hành trình tìm về vùng đất quý hương xưa, chúng tôi lại được đắm mình trong không gian của vùng đất cổ: nơi phát tích của vương triều mà công trạng không thể phủ nhận trong việc mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Tất cả khu di tích lăng miếu này được xây dựng trên một cánh đồng bằng phẳng dưới chân núi Triệu Tường.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là đình Gia Miêu. Lịch sử đã chép ngôi đình được vua Gia Long cho xây dựng lại vào năm 1806, cùng thời với việc xây dựng khu Lăng miếu Triệu Tường. Dưới thời Nguyễn, đây là ngôi đình có nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu nhất của tỉnh Thanh Hóa.
Đình được dựng trên một khu đất rộng và thoáng để thờ Thành Hoàng; đồng thời cũng là bậc công thần của triều Lê: ngài Nguyễn Công Duẩn, ông là cố nội Triệu tổ Nguyễn Kim. Quanh khuôn viên đình vẫn còn nhiều cây cổ thụ làm cho công trình hòa nhập một cách hài hòa uyển chuyển với thiên nhiên. Khối hình kiến trúc của đình nhìn gần gây cảm giác hoành tráng bởi kích thước đồ sộ, nhìn xa cảm giác mê hoặc bởi bộ mái xòe rộng, kéo dài, lan xuống thấp và các đầu đao lại cong vút lên trông tựa như một con thuyền.
Vẻ bề thế, tôn nghiêm, hoành tráng của đình được nổi bật bởi trong sân không có thêm một công trình phụ nào. Sự chú ý tập trung vào ngay tòa Đại đình và Hậu cung trong một mặt bằng kiến trúc theo kiểu chữ đinh. Tòa Đại đình gồm 5 gian chính và 2 gian chái. Bộ mái lợp ngói muic hài. Bờ nóc của tiền đường được trang trí công phu, nổi cao chính giữa nóc là hình lưỡng long chầu nguyệt rất thanh thoát. Các bờ dải toả ra bốn góc cũng đều có hình rồng đắp nổi. Diện tích mặt mái lớn nhưng ngôi đình trông vẫn đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát. Phía trong ngôi đình, kết cấu vi kèo chủ yếu là theo kiểu “chồng rường, kẻ bẩy”.
Về nghệ thuật trang trí, đình Gia Miêu là một công trình kiến trúc nghệ thuật to lớn, bề thế với nhiều mảng chạm khắc, trang trí cầu kỳ. Những mảng chạm khắc này được thể hiện ở vì nóc, đầu các xà đai, kẻ bẩy, đường diềm… Ngoài ra, còn có các linh vật như: rồng, lân, rùa, hươu… cũng được trang trí hết sức công phu và tinh tế. Ngoài ra, còn có thú vật khác như hươu, chim sẻ, thạch sùng, cũng được điểm xuyết trong tổng thể một bức tranh đa dạng trên các bức cốn mê hay kẻ bẩy. Các con vật này được chạm khắc rất thực. Hình tượng lá cúc cách điệu, lá sen được chạm khắc phỏ biến trong toàn bộ trang trí nội thất ngôi đình, điều đó không gây một ấn tượng đơn điệu mà chỉ làm tăng thêm tính uyển chuyển, mềm mại, tính hiện thực của toàn bộ công trình.
Với quy mô kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc còn lại thì đình Gia Miêu được xem như là một công trình tiêu biểu của kiến trúc thời Nguyễn, xứng đáng là một công trình kiến trúc nghệ thuật đẹp, tiêu biểu trong dòng chảy của những ngôi đình đẹp nhất ở đồng bằng Bắc bộ và vùng Thanh Nghệ Tĩnh.
Rời đình Gia Miêu, chúng tôi ra viếng Nguyên Miếu (còn gọi là miếu Triệu Tường). Đây là nơi thờ Nguyễn Kim và chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Bước vào điện thờ, chúng tôi được bác thủ từ ở đây tiếp đón rất nồng hậu. Như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp, bác chỉ vào bức không ảnh rất lớn treo trước của chụp toàn cảnh khu lăng miếu Triệu Tường và cho biết: Trước năm 1945, về quy mô cấu trúc, toàn bộ chu vi thành Triệu Tường là 182 trượng, bao quanh thành có hào nước, có cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc; lũy ngoài xây dựng vào năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) có 4 cửa trổ theo bốn phương, ở cửa Nam có một vọng lâu, lũy trong được xây dựng năm 1834, có 3 cửa Đông, Tây, Nam. Cửa Nam là một cổng Tam quan và phía sau có hồ bán nguyệt.
Khu thành này được chia làm 3 khu vực. Khu vực chính là Nguyên Miếu (miếu thờ Nguyễn Kim và Nguyễn Hoàng); khu vực bên Đông là Trừng Quốc Công (miếu thờ cha Nguyễn Kim); khu vực bên Tây là trại lính và nhà ở của các gia nhân coi lăng (đây là khu vực phụ) có hai viên quan thuộc dòng tôn thất được cử ra coi lăng gọi là Chánh sứ và Phó sứ có thêm hai thuộc quan nữa giúp việc: một diện sứ và một miếu thừa.
- Xem thêm: Đìu hiu đình làng
Ngày trước, việc thờ tự bên trong được thiết với những khí tự rất đẹp. Trên Tạp chí Revue Indochinoise, số 3-4 (tháng 3-1922) có đăng bài viết của một người Pháp tên Bretain đề cập đến ngôi miếu này:
“Gian chính giữa để thờ Nguyễn Kim. Trong một cái khám rất đẹp có để hai tấm bài vị: Một tấm ghi mọi chiến tích của Nguyễn Kim, một tấm ghi duệ hiệu (?) của phu nhân ông. Trước các bài vị có kê hai cái sập chạm rồng. Bên trái và bên phải là hai rương quần áo thờ. Nhiều tài liệu ghi lại cho biết, ngày trước mỗi lần vua về Nguyên Miếu đều cúng tế theo đúng mọi nghi lễ quy định. Người ta trải lên bức sập trong cùng miếu một chiếc chiếu hoa.
Trên chiếu lại trải các thảm và gối, một bộ đũa ăn cơm, một bộ đồ uống rượu, một bộ đồ chè, và những cây đèn thiếc. Trên cái sập thứ hai cũng trải chiếu, trên có một cái kỷ thấp sơn son để bày các món ăn. Rồi tiếp đến là hai bàn thờ. Trên bàn thờ phía trong, những ngày có cúng kỵ, bày các mâm quả và các cây đèn bằng thiếc. Trên bàn thờ phía ngoài bày bộ ngũ sự bằng thiếc, những lo hoa, hai con hạc gỗ sơn son thếp vàng, hai khay bằng giấy để sau khi lễ xong thì đem đốt. Khoảng giữa hai bàn thờ là là những cái bàn để dâng bò, dê, lợn cúng tế. Khi nào vua đến cúng bái thì trải một chiếc chiếu trước bàn thờ ngoài”.
Do chiến tranh cùng với quan điểm hẹp hòi và bệnh ấu trỉ của một thời, thập niên 1950 của thế kỷ trước, khu miếu Triệu Tường đã bị phá hủy hoàn toàn. Hiện nay, hai tòa miếu này đã được phục dựng lại theo quy cách cũ. Trong khuôn viên của miếu đã được trồng các loại cây lâu năm, trong đó có nhiều cây của các vị lãnh đạo cấp cao trồng lưu niệm.
Cách Nguyên Miếu hơn 1 cây số là Lăng Triệu Tường. Tên lăng chính thức là Trường Nguyên. Lăng tọa lạc tại vùng núi Triệu Tường nên thường gọi là lăng Triệu Tường, nơi hợp táng ông bà Nguyễn Kim. Theo gia phả Nguyễn Phước tộc thì Nguyễn Kim tướng của nhà Lê, bị hàng tướng nhà Mạc là Dương Chấp Nhất dâng quả dưa có thuốc độc hại, ông mất vào ngày 28-6-1545, thọ 78 tuổi. Để tránh bị các thế lực đối nghịch quật phá trừ diệt, họ hàng Nguyễn đã giữ bí mật nơi táng ông và sau đó là bà chánh hậu Nguyễn Thị Mai. Hơn 300 năm sau, khi một hậu duệ của Nguyễn Kim là Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long (1802) thống nhất đất nước, nhà Nguyễn mới công khai lăng mộ của ông bà Nguyễn Kim ở vùng núi này (1805).
Ở chân núi Triệu Tường (trước có tên Thiên Tôn) nhà Nguyễn cho xây một sân gạch hình vuông và một nhà sắm lễ, thay quần áo để bái vọng mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim. Đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), nhà vua cho dựng ở đây một tấm bia khắc có nội dung như sau:
“Đất lớn chúa Thiêng sinh ra Triệu Tổ
Vun đắp cương thường nên nên rạng thánh võ
Nghĩa động quỷ thần, công truyền vũ trụ
Cõi trần rời bỏ lăng ở bái trang
Non nước bao bọc sấm mắt tùng xanh
Khi thiêng nhóm họp đời đời xưng vinh
Mệnh trời đã giúp con cháu tinh anh
Võ công dựng nước bèn tìm gốc nguồn
Tuy tôn dựng miếulăng gọi Trường Nguyên
Tân tuy Bắc tuần đến đây dựng lại
Trông ngắm non sôngnhớ đến gốc cõi
Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài.
(Nguyễn Phước tộc thế phả, NXB Thuận Hóa 1995, tr.97-98).
Để giữ bí mật huyệt mộ của ông bà Nguyễn Kim, bấy giờ lan truyền một huyền thọai: Ở vùng núi Triệu Tường vốn đã có một long khẩu (miệng rồng). Đến khi vừa đưa tử cung (quan tài vua) Triệu Tổ Nguyễn Kim vào thì bổng nhiên trời đổ xuống một trận mưa gió sấm sét dữ dội. Người đi đưa tang hoảng sợ chạy tán lọan. Đến khi gió bão đi qua, cơn mưa cũng tạnh mọi người trở lại thì chỉ còn thấy núi đá chi chít, cây cỏ um tùm, không thể nào nhận ra được nơi có long khẩu chứa quan tài của Triệu Tổ ở đâu nữa cả. Về sau có ai hỏi lăng mộ Triệu Tổ Nguyễn Kim an táng nơi đâu, những người có trách nhiệm trả lời: “Ngài được hổ táng, thiêng táng nên không thể biết”. Khi có tế lễ, họ tộc và các chức sắc nhà Nguyễn cũng chỉ hướng vào vùng núi Triệu Tường mà vọng bái thôi.
Được biết, để nhớ về nguồn cội, nhớ ơn Tiên tổ, năm 2007, đại diện dòng họ Nguyễn Phúc ở Huế đã quy tụ về đây để trùng tu, khôi phục lại nơi thờ vọng, bia và nhà bia ở chân núi Triệu Tường.
- Xem thêm: Thương nhớ đình làng