Sông Thu Bồn đoạn chảy qua Đại Lộc được gọi là sông Vu Gia. Sông Vu Gia uốn lượn qua những thôn làng làm nên vẻ đẹp đồng quê yên ả mà đầy sức sống. Bên kia sông là cả vùng đất màu mỡ hằng năm đều được bồi đắp. Ngược lại, bên này sau những trận lụt đất ngày càng lở nhiều hơn. Ngày trước, khi bờ chưa được kè thì chuyện xuống sông là một thử thách với nhiều người vì bờ rất cao mà lại cheo leo. Thế mà chiều nào cũng có những em nhỏ xuống sông tắm, bắt ốc… và ngắm hoàng hôn. Trên làn nước trong xanh một màu, thỉnh thoảng có vài quả thông ở nơi nào đó theo dòng nước trôi về. Các em nhỏ nhặt lấy rồi ném nhau trong nước. Tiếng cười ngây thơ trong trẻo của chúng khiến người lớn phải ngừng công việc, ngẩng đầu lên mà cười. Phía bên kia sông bát ngát một màu xanh. Màu xanh của dưa, của đậu, của bắp, của ớt, của mè, của dâu.
Vu Gia ngày nay đã mang một dáng vẻ mới. Một bên sông đã được kè, không còn cảnh trẻ con thả mình trong dòng nước trong vắt hay thẩn thơ đi dọc bờ sông nhìn trời nhìn đất. Thế nhưng sông vẫn mang đến cho chúng niềm vui khác. Sông đã hẹp lại và không còn sâu như trước. Thế là mọi người ở đây làm cây cầu tre bắc qua dòng nước. Trẻ con giờ đây tha hồ lùa trâu bò qua bên kia sông nhờ cây cầu đẹp mà dân dã. Với thế hệ trước, qua được bên kia sông là cả niềm khao khát. Bên kia là một thế giới mới, biết bao nhiêu là trò để trẻ con chơi đùa nghịch ngợm. Vui nhất là đi bẻ bắp rồi nhen lửa trước ruộng người ta mà nướng ăn. Chủ ruộng cũng chẳng la mắng bao giờ bởi: “Tụi nó không bao giờ phá nên ăn mấy trái cũng chẳng sao. Trẻ con mà!”.
Bên cạnh nghề lúa, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, đan lát… nghề làm bánh tráng ở Đại Lộc cũng đã có từ lâu đời, nổi tiếng khắp Quảng Nam. Những chiếc bánh tráng cuốn to tròn, trắng mịn màng được làm từ lúa mới tạo nên một hương vị thơm ngon, có độ dai và giòn rất vừa miệng. Đây là món ăn dân dã nhưng không thể thiếu trên bàn ăn, mâm cỗ của người dân xứ Quảng những dịp lễ tết… Từ những khoảnh đất trống trước mỗi nhà hay dọc con đường đất dưới rặng tre quanh làng, bánh tráng được phơi la liệt, phía trong những người thợ thoăn thoắt làm bánh.
Ngoài bánh tráng cuốn, Đại Lộc còn được biết đến với bánh tráng ngọt, bánh tráng mè, bánh tráng dừa… Đặc sản của vùng đất yên bình này tuy giản dị, nhưng có nhẩn nha nhấm nháp từng miếng bánh mới thấy mùi thơm, vị ngọt từ hạt gạo quê nhà sao mà đậm đà, sao mà khó quên…
Trần Thị Tươi