Hệ thống ngân hàng thời gian qua mất dần vai trò là trung gian tài chính, thất bại trong việc đẩy tín dụng vào nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 7% trong năm 2012, dòng tiền từ ngân hàng chủ yếu đổ vào thị trường trái phiếu Chính phủ.
Chính vì vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2013 được dự báo sẽ rất khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Giá điện tăng kể từ cuối năm 2012 sẽ tác động đến đầu vào của mọi ngành sản xuất, khiến chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm tăng, kéo mặt bằng giá chung đi lên. Tác động của giá điện sẽ thể hiện ngay trong tháng 1 và có thể kéo sang tháng 2, tháng 3 – là dịp trong và sau Tết Nguyên đán, nên việc cộng hưởng tăng giá càng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Khi đề cập nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2013, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ưu tiên tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát khoảng 6%, đồng thời duy trì tăng trưởng ở mức cao hơn năm 2012.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, những giải pháp đồng bộ của Chính phủ nhằm giải cứu thị trường bất động sản, lập công ty mua bán nợ xấu, giảm thuế trợ giúp doanh nghiệp, tung các gói kích thích kinh tế… sẽ lần lượt được tiến hành, nghĩa là cung tiền sẽ được nới lỏng, chỉ số giá tiêu dùng chắc chắn sẽ tăng. Câu chuyện tiếp theo là tỷ giá. Tỷ giá hối đoái giữa VND và USD ổn định trong suốt năm 2012 là điều tốt, giúp tâm lý người dân ổn định, hoạt động xuất nhập khẩu thông suốt, tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ. Đó là dự báo về một sự tăng giá trong tương lai từ phía người dân cũng như doanh nghiệp, điều dễ xảy ra khi một mặt hàng nào đó giữ giá ổn định trong một thời gian quá dài. Hơn nữa, chúng ta là một nước hướng đến xuất khẩu, nên việc tỷ giá ổn định trong thời gian dài đồng nghĩa với tiền đồng không giảm giá so với USD nói riêng, các đồng tiền khác nói chung, không tốt cho sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam. Tỷ giá VND/USD không đổi trong khi lãi suất tiền đồng cao hơn nhiều so với lãi suất USD tạo ra độ chênh lệch lớn về lãi suất, có thể gây nên tình trạng kinh doanh ngoại tệ hoặc chuyển vốn không nhằm mục tiêu đầu tư, phát triển sản xuất.
Các dự báo kinh tế của cả trong nước lẫn thế giới năm 2013 đều không mấy lạc quan. Vì vậy, chính sách tiền tệ vẫn nên kiên định với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như cần có sự thống nhất của chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa nhằm kích cầu phù hợp với điều kiện của đất nước, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cũng cần có sự phối hợp thống nhất, căn cơ hơn nữa khi thực hiện điều chỉnh tăng giá các mặt hàng để tránh sự cộng hưởng đẩy lạm phát gia tăng, khó cho việc thực hiện giải pháp kích cầu.
Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng vừa phải tập trung thực hiện xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, vừa cung ứng vốn tín dụng hợp lý nhằm điều chỉnh cơ cấu tín dụng đối với nền kinh tế theo hướng giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Dư nợ tín dụng cần tập trung cho khu vực kinh tế, song song với động thái tích cực tháo gỡ cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, cần tiếp tục tiến hành các bước để lành mạnh hóa tài chính của các ngân hàng, tăng tiềm lực về vốn và minh bạch hóa tài chính; tái cơ cấu tổ chức, hoạt động và quản trị hệ thống ngân hàng, nhất là quản trị rủi ro, để tái cấu trúc thành công…
Minh Hằng