Thời gian qua, thông tin về những khoản lợi nhuận sụt giảm mạnh so với trước, nhiều ngân hàng ồ ạt cắt giảm nhân sự,… càng làm cho cái nhìn của xã hội về các tổ chức tín dụng thêm phần bi quan. Tuy nhiên, với sự hoạt động tích cực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) từ đầu tháng 10 đến nay, có vẻ như nợ xấu – một vấn đề gây nhức nhối cho cả hệ thống ngân hàng – đã có lối ra. Không những thế, các khoản nợ sắp trở thành nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng đã và đang được tái cơ cấu theo hướng tích cực hơn. Theo Ngân hàng Nhà nước, tổng số nợ đã tái cơ cấu vào khoảng 300 ngàn tỉ đồng, chiếm 10% tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, có đến 60% trong số này nếu không được tái cơ cấu thì giờ đã trở thành nợ xấu, đồng nghĩa với việc các tổ chức tín dụng sẽ phải bỏ ra hàng chục ngàn tỉ đồng để trích lập dự phòng. Tức là nếu không có sự tái cơ cấu ấy, hẳn tình hình của các ngân hàng còn bi đát hơn rất nhiều.
Với việc bán nợ xấu cho VAMC, một khối nợ xấu lớn đã được các tổ chức tín dụng đưa ra ngoài bảng và chỉ còn phải trích lập dự phòng 20% khoản nợ ấy mỗi năm, trong vòng năm năm, thay vì phải trích ngay 100%, chưa kể còn được đem trái phiếu đặc biệt của VAMC đến Ngân hàng Nhà nước để chiết khấu. Dù vậy, về thực chất, việc bán nợ ấy không khác gì hành động gửi nợ nếu VAMC không xử lý được khoản nợ, nghĩa là thu hồi được nợ từ phía những khách hàng đang không thể trả nợ. Nếu không xử lý được, sau năm năm, số nợ ấy lại quay về với các tổ chức tín dụng. Để điều này không diễn ra, sau khi mua nợ xấu, VAMC phải bán được cho tổ chức khác. Theo tính toán, để xử lý thành công nợ xấu, VAMC phải bán được khoảng 60-70% số nợ. Muốn vậy, các ngành chức năng cần đẩy nhanh hơn nữa việc hình thành một thị trường mua bán nợ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân, trong cũng như ngoài nước tham gia. Nghĩa là phải có hành lang pháp lý ổn định cho các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Nếu không có dòng tiền từ bên ngoài, thì việc xử lý nợ xấu như thời gian qua chỉ là chuyển nợ từ ngân hàng sang VAMC mà thôi.
Hiện các nhà đầu tư có tiềm lực của nước ngoài đang tỏ ý muốn mua nợ xấu của các ngân hàng thông qua VAMC. Không những vậy, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn muốn mua nợ… tận gốc, tức là mua cổ phần chi phối để có thể điều hành một ngân hàng cụ thể. Tất nhiên, với các ngân hàng lớn, đang hoạt động tốt, điều này là không thể. Nhưng với các ngân hàng yếu kém thuộc diện phải tái cơ cấu, việc được các đối tác nước ngoài mua lại cổ phần chi phối là một giải pháp tốt. Theo quy định hiện nay, mức trần mà một nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần tại các ngân hàng Việt Nam là 30% và các nhà điều hành vẫn đang cân nhắc một mức cao hơn, có thể là 49% trong tương lai gần. Với những thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước thời gian vừa qua, người ta tin rằng sẽ có một sự cấp phép linh hoạt cho từng ngân hàng cụ thể, chứ không chỉ có một mức trần cho tất cả các tổ chức tín dụng như trước. Chẳng hạn, mức 49% có thể áp dụng đối với ngân hàng bình thường, còn với các ngân hàng yếu kém có thể lên đến 70 – 75%, để nhà đầu tư nước ngoài khi quyết định “vào cuộc” có toàn quyền quản lý. Khi ấy, ngân hàng yếu kém mới có thể nhanh chóng ổn định, góp phần làm lành mạnh hóa cả hệ thống ngân hàng.