Trong bức tranh toàn cảnh của thế kỷ XXI, bên cạnh các vấn đề đương đại nóng hổi về bình đẳng giới và người thiểu số, như nữ quyền, LGBT… thì vấn đề sinh thái là một vấn đề bức bách nổi lên hàng đầu.
Trước thực trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính đang ngày một trở nên trầm trọng, loài người đang rất cần một tiếng chuông cảnh tỉnh để nhìn lại chính mình, lắng nghe Trái Đất, và thay đổi để hướng tới tương lai tốt đẹp hơn. Do đó, sinh thái đã trở thành một chủ điểm văn học, bởi văn học nghệ thuật có chức năng phản ánh và phản tỉnh sâu sắc.
Cùng với sự xuất hiện của dòng văn học sinh thái vào thập niên 1970 của thế kỷ trước, là sự ra đời tương ứng một khuynh hướng phê bình mới – phê bình sinh thái. Ở Việt Nam những năm trở lại đây đã bắt đầu tiếp nhận và hình thành trào lưu phê bình sinh thái.
Từ thế giới…
Trên thế giới, các phong trào bảo vệ môi trường đã xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Có thể kể đến phong trào phản đối công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Anh những năm 1870, lên án sự phát triển của thành thị gây ô nhiễm không khí và nguồn nước, cổ động bảo tồn cảnh quan nông thôn; ở Mỹ là phong trào quay về tự nhiên, tối giản cuộc sống, chống lại chủ nghĩa tiêu thụ với các tác giả John Ruskin, William Morris, George Bernard Shaw và Edward Carpenter, khích lệ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên qua các tác phẩm của John Muir và Henry David Thoreau. Chính giai đoạn này đã manh nha đặt nền móng cho phong trào xanh và các hoạt động môi trường sau này.
Cho đến thập niên 1970 của thế kỷ XX, nhân loại đã phải sâu sắc nhìn lại thực trạng môi trường sinh thái đang ngày một xấu đi và chính thức đưa ra những hành động đầu tiên. Bắt đầu từ năm 1970, ngày 22 tháng 4 thường niên được chọn làm ngày Trái Đất, nhằm kêu gọi nâng cao nhận thức về giá trị của môi trường tự nhiên Trái Đất.
Năm 1972, Liên hiệp quốc đưa ra Tuyên ngôn về các vấn đề môi trường. Đồng thời, ngày 5 tháng 6 năm 1972, ngày khai mạc Hội nghị Môi trường Thế giới đầu tiên tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển, đã chính thức được lấy làm Ngày Môi trường thế giới hàng năm, công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc. Năm 1982, khóa họp 37 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông báo “Chiến lược toàn cầu về bảo vệ thiên nhiên.” Năm 1989, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua nghị quyết “về trách nhiệm lịch sử của các quốc gia về bảo vệ thiên nhiên trái đất cho các thế hệ hiện nay và mai sau.” Chủ nghĩa sinh thái lúc này có sự vận động mạnh mẽ và tác động đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống.
Văn học lúc này cũng có bước chuyển mình tương ứng. Các tác phẩm truyền thống viết về tự nhiên, hay lấy sinh thái làm trung tâm bắt đầu được nhìn nhận lại qua lăng kính phê bình sinh thái (ecocriticism), điển hình như các tác phẩm Nature (Thiên nhiên) của Ralph Waldo Emerson xuất bản năm 1836, Walden của Henry David Thoreau xuất bản năm 1854, hay các bài thơ của William Wordsworth. Người ta đã đặt câu hỏi, liệu có phải chức năng quan trọng nhất của văn học ngày nay là nhằm hướng ý thức con người tới việc nhận thức được toàn bộ vai trò của nó trong một thế giới tự nhiên đang bị đe dọa. Văn học về cơ bản, gắn liền với những giá trị và thái độ của con người. Bởi vậy, văn học sinh thái thẳng thắn đề cập đến những nguy cơ sinh thái, không chỉ đơn thuần là hiểm họa sinh thái tự nhiên, mà còn là hiểm họa sinh thái tinh thần, sinh thái nhân văn của con người.
Phê bình sinh thái lấy sinh thái làm trung tâm, đối lập với xu hướng lấy con người làm trung tâm, và như nhà phê bình sinh thái tiên phong ở Mỹ, Cheryll Glotfelty, định nghĩa là một khuynh hướng “nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường.” Giống như thực hành phê bình đã xuất hiện từ thời Hy Lạp cổ điển, nhưng phải đến những năm đầu thế kỷ XIX phê bình văn học mới trở thành một chuyên ngành học thuật, thì tương tự đến cuối thế kỷ XX, nghiên cứu về văn học và môi trường mới chính thức được công nhận như là một chuyên ngành mới nổi lên.
Khái niệm phê bình sinh thái lần đầu xuất hiện vào một cuộc gặp gỡ của Hiệp hội Văn học miền Tây nước Mỹ (Western Literature Association, gọi tắt là WLA), khái niệm này lấy cơ sở từ thuật ngữ “sinh thái học văn học” (literary ecology) của tác giả Joseph W. Meeker vào năm 1974, văn học liên quan tới sinh thái học (ecology) của tác giả Karl Kroeber cũng vào năm 1974, và bản thân khái niệm phê bình sinh thái cũng đã được William Rueckert sử dụng trong tiểu luận của mình vào năm 1978.
Đến năm 1992, trong một hội thảo đặc biệt của WLA tổ chức tại Reno, Nevada, Hiệp hội Nghiên cứu Văn học và Môi trường (Association for the Study of Literature and Environment, gọi tắt là ASLE) đã được thành lập nhằm thúc đẩy và truyền cảm hứng cho các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về môi trường. Kể từ đó tới nay, ASLE đã đều đặn tổ chức các hội thảo thường niên, xuất bản các tập san và tạp chí chuyên ngành, xây dựng cơ sở lý thuyết và chắp cánh cho một trào lưu học thuật đương đại nổi bật.
…đến Việt Nam
Phê bình sinh thái bước đầu được tiếp nhận ở Việt Nam từ những năm 2010 trở lại đây, hòa vào dòng chảy chung của giới học thuật phê bình thế giới. Song, giữa văn học sinh thái và phê bình sinh thái ở Việt Nam cũng còn tồn tại một biên độ chênh lệch nhất định.
Bản thân Việt Nam là một quốc gia hứng chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng đến từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường, những hiện tượng tự nhiên như hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ, nước biển dâng có diễn biến phức tạp. Văn hóa Việt Nam, với những ảnh hưởng đến từ Phật giáo và Đạo giáo, rất gần gũi, tương hợp và gắn bó với tự nhiên. Điều này được phản chiếu qua văn học trung đại, với nội dung khắc họa vẻ đẹp cổ điển và xây dựng hình tượng thiên nhiên. Thế nhưng, không dễ để khu biệt văn học sinh thái ở Việt Nam, vốn phần lớn là các tác phẩm viết về tự nhiên, tập trung tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên và miêu tả con người gắn bó với thế giới tự nhiên.
Từ năm 1986 tới nay, xuất hiện dấu ấn văn chương sinh thái ở một số tác phẩm tiêu biểu như Chó Bi, đời lưu lạc (Ma Văn Kháng), Trăm năm còn lại (Trần Duy Phiên), Thập giá giữa rừng sâu (Nguyễn Khắc Phê), Sông (Nguyễn Ngọc Tư), Gần như là sống (Đỗ Phấn), Dòng sông chết (Thiên Sơn), Thiên đường ảo vọng (Nguyễn Trí), Săn cá thần (Đặng Thiều Quang), Biển và chim bói cá (Bùi Ngọc Tấn), Chúa đất (Đỗ Bích Thúy), Con chim joong bay từ A đến Z (Đỗ Tiến Thụy), Linh điểu, Đắm bầy virus (Nguyễn Văn Học),… Các tác phẩm đề cập đến những vấn đề mang tính chất thời sự, thậm chí mang tính sống còn nhân loại, liên quan đến nguy cơ đối với sinh thái.
Rất nhiều các tác giả, nhà nghiên cứu Việt Nam đã giới thiệu và vận dụng thực hành phê bình sinh thái như Trần Đình Sử, Lê Lưu Oanh, Đỗ Văn Hiểu, Trần Ngọc Hiếu, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Trần Thị Ánh Nguyệt, Đặng Thái Hà, Nguyễn Thùy Trang… Có thể kể đến hai chuyên luận tiêu biểu về phê bình sinh thái là Con người và tự nhiên trong văn xuôi Việt Nam sau 1975 từ góc nhìn phê bình sinh thái (Nxb Giáo dục Việt Nam, 2016) của Trần Thị Ánh Nguyệt và Lê Lưu Oanh, Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương (Nxb Khoa học Xã hội, 2017) của Nguyễn Thị Tịnh Thy.
Các bài báo, tiểu luận nghiên cứu của các nhà phê bình sinh thái có tên tuổi thế giới như Cheryll Glotfelty, Karen Thornber, Peter Barry, Kate Rigby và Chitra Sankaran cũng đã được tuyển dịch nhằm giới thiệu cho người đọc cái nhìn tổng quan lược thuật về phê bình sinh thái. Phần lớn trong số đó đã được dịch và in trong cuốn Phê bình sinh thái là gì (Nxb Hội Nhà văn, 2017). Phê bình sinh thái gắn với một mảng đề tài văn học thực tiễn – văn xuôi viết về Nam bộ cũng đã được phân tích, đánh giá trong tác phẩm Phê bình sinh thái với văn xuôi Nam bộ (Bùi Thanh Truyền chủ biên, Nxb Văn hóa – Văn nghệ, 2018).
Bên cạnh đó, hàng loạt các hội thảo khoa học về phê bình sinh thái của Việt Nam và khu vực đã được tổ chức trong giai đoạn 2017 – 2019. Viện Văn học tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu” của Viện Văn học tổ chức vào tháng 12 năm 2017. Hội thảo khoa học quốc tế “Sinh thái học trong văn học Đông Nam Á: Lịch sử, Huyền thoại và Xã hội” được tổ chức tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tháng 1 năm 2018. Hội thảo khoa học “Phê bình sinh thái: Lí thuyết và ứng dụng” được Khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào tháng 1 năm 2018.
Trong khuôn khổ khu vực, Hội thảo Hiệp hội Phê bình văn học Sinh thái Đông Nam Á 2019 (ASLE-ASEAN) lần thứ ba với phương hướng “đưa ASEAN gắn kết lại với nhau thông qua nghiên cứu văn học, phê bình sinh thái và môi trường nhân văn” tổ chức tại Quezon, Philippin vào tháng 6 năm 2019.
Trước bối cảnh thế giới toàn cầu đang phải đối mặt với hàng loạt vấn nạn như biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên… thì văn học càng thể hiện rõ tư tưởng sinh thái, cảnh tỉnh con người về những nguy cơ tha hóa sinh thái tự nhiên và nhân văn. Các tác phẩm văn học sinh thái ngoài thông điệp văn chương đồng thời mang theo một thông điệp môi trường tới người đọc. Phê bình sinh thái cũng chứng tỏ mình là một hướng nghiên cứu hợp thời, khi gắn liền với những vấn đề đương đại như sinh thái giai cấp, sinh thái đô thị, sinh thái hậu thuộc địa, sinh thái nữ quyền.
Các tác giả, nhà nghiên cứu Việt Nam ngày một thể hiện tri nhận sâu sắc và kịp thời về những vấn đề thời sự cấp bách chung của nhân loại.