Cuộc sống vật chất thực dụng tại các đô thị công nghiệp ngồn ngộn những cao ốc và chót vót ăn- ten ngày đêm triền miên với tiếng xe cộ ồn ào và động cơ nhà máy rì rầm khiến tôi đôi lúc hằng mơ đến chút dư vị thiên nhiên của đại ngàn hùng vĩ hay hoang dã đồng xanh của một thời thơ ấu.
Sáng nay, trong ngày cuối đông tiết trời hiu hiu trở lạnh, bất chợt nghe tiếng cúc cu của con chim gáy đồng vọng xa xa báo hiệu xuân về, lòng tôi cảm thấy dạt dào nhớ lại những âm hưởng quen thuộc tiếng chim rừng ngày xưa nơi quê nhà. Thanh âm hồn nhiên của giai điệu tiếng hót loài chim rừng với tôi trong năm như bản tình ca bất tận và nguồn suối ca dao ngọt ngào tươi mát đã nuôi dưỡng tuổi thơ tôi cho đến ngày khôn lớn hôm nay.
Giữa không gian bao la xanh thắm của làng quê ngày ấy, mỗi năm không đợi chi bầy én bay về, quê tôi cũng đầm ấm bắt đầu vào xuân với tiếng hót vang lảnh lót trên cành xoài hay ngọn dừa cao của con chim chìa vôi đẹp mã với hai màu đen trắng. Dù chim trống mới hót được với giọng không thay đổi âm sắc. Nhưng ấn tượng nhất của tôi với nó là giai điệu tiếng hót vi vút, líu lo của một loài chim có hót tài hoa quyến rủ nhưng bạc tình (loài chim này hay thay đổi bạn tình) đã từng làm tuổi thơ tôi đắm say khắc khoải.
Đã có lần, tôi cả gan trốn học suốt ngày đi tìm gác chìa vôi tận nơi một khu vườn xa về nuôi, bị ba tôi cho ăn đòn một trận nên thân. Cái thú gác chim rừng còn khiến tâm hồn tôi thăng hoa vô tận không tài nào tả. Lòng hồi hộp, phập phòng ngay từ giây phút vừa bắt đầu leo lên cây treo xong chiếc lục (lồng nhử chim) bên trong có chú chim mồi tại khu vườn sầm uất nhiều chim, tôi tìm sẵn một góc khuất râm mát yên tĩnh trong vườn vắng ngồi đợi, im lặng lắng nghe.
Tiếng con chim mồi trong lục bắt đầu véo von mời gọi vang dội cả một khu rừng tĩnh lặng. Đố kỵ với tiếng hót của con chim lạ không biết từ đâu tới, từng đàn chim chìa vôi các nơi khác bắt đầu lặng lẽ bay đến. Chúng vần vũ bay lượn một hồi trên không phận nơi có tiếng chim mồi chẳng khác đoàn máy bay săn giặc, rồi từng con đôi khi cả cặp trống mái, lần mò tìm đậu trên một cành cây gần đối tác. Đầu nó lắc qua lắc lại, mắt ngó dáo dác xung quanh để lắng nghe, theo dõi.
Sau đó, nó lại giòn giã hót vang như để đáp lại tiếng hót khiêu khích, thách đố của chim mồi cũng đang vừa cao giọng hót liên hồi vừa nhảy lăng xăng trong lồng, trước khi xông vào lục sống mái với đồng loại lạ mặt bất ngờ xâm nhập lãnh địa của mình. Thời gian như bảo hòa, tim như muốn ngưng đập để tôi lắng nghe, theo dõi từng bước nhảy khẽ của chú chim rừng.
Không mấy chốc, mùa xuân rực rỡ của sắc mai vàng và tiếng hót véo von chim chìa vôi, cu gáy và chim sáo vắng dần nhường lại cho không gian ấm áp của mùa hạ với phượng thắm sen hồng. Hạ nắng oi nồng được báo hiệu bằng tiếng chim trao trảo ra rả nghe rất vui tai ngoài vườn. Thân lớn gần bằng chìa vôi, trao trảo có loại mặt trắng và mặt vàng. Mình nó màu vàng lục cũng thường bay đi cặp kè từng đôi với nhau. Đây loài chim háo ngọt thích ăn trái cây.
Chỉ ngồi trong nhà nghe tiếng trao trảo ồn ào ngoài vườn là người ta biết gần nơi đó có trái cây chín như chuối, xoài, mận…; nó cũng hay lợi dụng lúc vắng chủ nhà, trộm ăn chuối chín, xoài chín của ta phơi khô trên nóc nhà hoặc ngoài sân. Tương phản với âm hưởng vui vầy của tiếng trao trảo là giọng quốc kêu não ruột luôn mang đến cho thính giả không mời những nỗi ngậm ngùi vô duyên cớ. Thế nên tương truyền chim quốc (còn gọi là chim đỗ quyên) là hiện thân của vua Thục mất nước nên ngày đêm mãi ra rả giọng kêu buồn!
Tính cách con sáo trái hẳn với con quốc lẫn chìa vôi. Lông sáo màu đen sậm và nâu, thân na ná mà nặng nề hơn chìa vôi nhưng rắn rỏi hơn chim quốc và lanh lợi. Sáo lẻo mép, hót được nhiều giọng với âm độ cao thấp khác nhau một cách rất tài tình. Do đó, người đời hay so sánh những kẻ bén miệng nhại lời với con chim sáo thật chí lý.
Mùa thu – nguồn cảm hứng vô tận và đề tài bất tuyệt, muôn đời của thi ca cũng cho ta không ít âm thanh ấn tượng của tiếng chim rừng. Khi cơn gió heo may báo hiệu thời tiết sang thu ở miền Nam cũng là mùa nước nổi lênh đênh có điều kiện để sen, súng nở rực rỡ khắp đồng cùng với sự phát triển của các loài trái ấu, củ co, rau dừa. Nhiều nơi, trên những đồng hoa điên điển mênh mang nở vàng không khác rừng mai vàng mùa xuân.
Minh họa cho không gian đặc biệt của vùng đất mới này là tiếng chim bìm bịp và con cúm núm. Bìm bịp thân khá lớn trông ục ịch, lông màu chàm sậm, tiếng kêu nghe đầy nội lực nhưng mang âm hưởng trầm buồn. Ai tâm sự đang vui bất giác nghe qua tiếng kêu loại chim này cũng cảm thấy não ruột, u hoài. Do vậy, dân gian coi tiếng kêu của chim bìm bịp không những là thông điệp đời thường báo tin nước lớn mà còn là nỗi ngậm ngùi về sự làm ăn thua thiệt: Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi/ Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê! Sánh đôi với bìm bịp chỉ có con cúm núm (còn gọi là gà nước).
Lông màu đen-vàng lớn hơn quốc nhưng bé hơn cò, con cúm núm cũng sở hữu một tiếng kêu sầu lê thê vạn kỷ. Âm sắc giọng cúm núm cao hơn tiếng bìm bịp, thấp hơn tiếng chim quốc nhưng dư thanh giọng cúm núm nghe triền miên, sâu lắng vô cùng. Nhớ quê nhà trong những ngày chạy giặc về vùng sâu heo hút, ngày cũng như đêm, mỗi lần bất chợt nghe tiếng cúm núm như tiếng mõ chùa xa, tôi không khỏi vọng hướng quê nhà, đau đáu mộng hoài hương và không ngăn được nước mắt dâng trào! Với tôi, tiếng kêu của con cúm núm và chim bìm bịp nơi đồng sâu sao giống như tiếng đàn gáo, tiếng kèn lá và điệu vọng cổ – những âm thanh, giai điệu truyền cảm không gì sánh nỗi nhưng nghe cũng bi thương, não ruột khôn cùng!