Đồng USD tiếp tục tăng giá so với euro bởi giới đầu tư quốc tế đã nhìn ra được lợi ích từ việc mua USD sau khi chủ tịch Ngân hàng Châu Âu (ECB) Mario Draghi cho biết có khả năng ECB phải chấm dứt chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay trên đồng euro. Ngoài ra, ông Draghi cũng thông báo về việc mở rộng chương trình thu mua công trái phiếu, khiến giá chứng khoán châu Âu nhanh chóng tăng giá, đẩy giá euro xuống thấp hơn.
Bên cạnh đó, một yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến giới đầu tư chính là cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào giữa tuần qua. Đúng như dự báo, FED quyết định giữ mức lãi suất tiền gửi căn bản không đổi, đồng thời kỳ vọng nền kinh tế đứng đầu thế giới sẽ tiếp tục thu được ích lợi từ việc giá xăng dầu ở mức thấp như hiện nay. Trong tuần qua, đồng USD tiếp tục tăng giá so với các loại tiền tệ khác tại châu Âu, bao gồm 0,45% so với franc Thụy Sĩ và 0,6% so với bảng Anh.
Đáng chú ý hơn, USD tiếp tục đà tăng so với tiền tệ tại nhóm nước đang phát triển khi các nền kinh tế này vẫn chưa thoát khỏi bóng ma trì trệ. Chẳng hạn, đồng rand của Nam Phi rớt hẳn 2,4% so với USD do những lo sợ việc hạ giá chỉ số tín dụng quốc gia sẽ khiến giới ngân hàng trong nước lao đao, ảnh hưởng rất xấu đến kinh tế và nền tiêu dùng quốc gia. Tại Brazil, đồng real giảm 1,8% so với USD ngay trong phiên giao dịch đầu tuần sau khi cuộc biểu tình trong nước thu hút đến hơn 3 triệu người dân phản đối nữ Tổng thống Dilma Rousseff về tình hình tham nhũng và thất nghiệp leo thang tại đây. Tồi tệ hơn, đồng pound của Ai Cập giảm 14% giá trị so với USD so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng đồng rúp của Nga tỏ ra tích cực hơn trong phiên giao dịch chiều thứ Hai đầu tuần rồi sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố kế hoạch rút quân ra khỏi Syria.
Lâm Kiên theo Reuters (DNSGCT)