Chỉ tính riêng nhóm người châu Phi hải ngoại ở Vương quốc Anh, đã có trên 1.000 phụ nữ bị ủi ngực. Từ lúc còn ở tuổi vị thành niên, họ đã bị chính mẹ ruột nung nóng chày gỗ hoặc hòn đá, ép phẳng vòng ngực vì lý do “an toàn”. “Mẹ tôi bảo: con gái có ngực sớm sẽ thu ong hút bướm rồi sa ngã”, một nạn nhân kể lại. “Và bây giờ, tôi không thể cho con tôi bú vì hậu quả của hủ tục này”.
Tập quán tán nhẫn
Ủi ngực (breast ironing) là tập tục kìm chế sự phát triển vòng một của các thiếu nữ ở châu Phi. Nó bắt đầu từ Cameroon, quốc gia Trung Phi theo văn hóa phụ hệ. Truyền thống Cameroon quan niệm, bé gái vừa bước vào tuổi dậy thì và nhú bầu ngực là đã trở thành đàn bà thuần thục, sẵn sàng quan hệ tình dục và lấy chồng. Đàn ông Cameroon được phép tảo hôn, cưới nhiều vợ.
Trước nguy cơ con gái sớm bị lạm dụng, các bà mẹ Cameroon nảy ra một sáng kiến bảo vệ cực đoan: ủi phẳng ngực. Họ sử dụng chày gỗ hơ qua lửa, ép lên ngực cô bé mới lớn, tàn bạo dí hoặc lăn mạnh. Cứ mỗi tảng sáng hoặc chiều muộn, các mẹ lại bắt cô con gái nhỏ của mình phải ủi ngực một lúc lâu. Sau nhiều lần bị tác động, các mô mỡ mới hình thành bị ép tan. Ngực của các thiếu nữ phẳng xuống hệt như ủi quần áo.
Ngoài chày gỗ, các bà mẹ Cameroon còn sử dụng gáo dừa, hòn đá mài, thìa sắt, búa sắt… Tất cả các “công cụ” này đều phải hơ qua lửa, đủ nóng đến độ làm tan mô mỡ dưới da. Vòng một của con gái mới lớn càng phát triển nhanh, người mẹ càng bất an và mạnh tay. Mật độ các lần ủi ngực cũng dày, có thể nhiều hơn một lần/ngày và liên tục suốt nhiều tuần, thậm chí là nhiều tháng.
Vào năm 2008, Cameroon báo cáo: “Tỷ lệ ủi ngực gia tăng do các bé gái dậy thì sớm. So với 50 năm trước đó, cuộc sống của người dân Cameroon đã được cải thiện rất nhiều. Sự đầy đủ về chất dinh dưỡng cho phép nhiều bé gái bước vào thời kỳ dậy thì sớm, từ khi mới 8-9 tuổi. Ước tính có đến 50% bé gái Cameroon bị ủi ngực trước khi lên 10 tuổi”. Ngày nay, Cameroon có khoảng 4 triệu phụ nữ là nạn nhân của tục ủi ngực.
Từ Cameroon, ủi ngực lan ra các nước châu Phi xung quanh và xa hơn, ví dụ như Nigeria, Togo, Guinea, Kenya, Zimbabwe, Trung Phi, Benin, Guinea, các quốc gia thuộc Bờ Biển Ngà… Khi di cư sang châu lục khác, các nhóm người châu Phi hải ngoại mang theo và tiếp tục thực hành ủi ngực. Tại Vương quốc Anh, ước tính có trên 1.000 thiếu nữ gốc Phi khắp London, Birmingham, Manchester, Luton, Nottingham, Leicester, Sheffield và Leeds bị ủi ngực trong gia đình. Cảnh sát Anh có bắt giữ 2 trường hợp ép ủi ngực ở London và Birmingham, nhưng không xét xử.
Hậu quả nặng nề
Về mặt tâm lý, ủi ngực hình thành nỗi sợ hãi sâu sắc. Đầu tiên, phụ nữ sợ chính vòng một của mình. “Tôi bắt đầu phát triển ngực từ năm 10 tuổi”, Cathy Abah Fouda – một nạn nhân của ủi ngực hiện đang làm việc cho Renata (tổ chức phi chính phủ, vận động chống ủi ngực ở Anh), bộc bạch. “Mẹ tôi bảo: con gái có ngực sớm sẽ thu ong hút bướm rồi sa ngã. Bà ủi ngực cho tôi, nói rằng phải làm thế thì mới tránh được có thai. Chỉ một năm sau, ngực của tôi lại nhú lên. Tôi vô cùng xấu hổ và tự ủi ngực”.
Tiếp theo, ủi ngực khiến phụ nữ sợ đàn ông và yêu đương. Những lời răn từ mẹ và các cơn đau thấu trời đất mỗi lần bị ủi ngực đẩy họ vào mặc nhận: đàn ông là xấu xa và cần tránh né.
“Ủi ngực gây tổn hại cả về thể chất lẫn tâm lý”, bác sĩ Flavien Ndonko ở Cameroon phân tích. “Nó khiến vòng một của thiếu nữ bị nhiễm trùng và áp xe, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển tự nhiên, liên quan đến ung thư vú và đặc biệt phá hỏng tuyến sữa”. Theo các báo cáo y tế, ủi ngực làm tổn thương mô vĩnh viễn, khiến bầu vú bị dị dạng, phát triển không cân đối. Ngoài ra, nó còn hủy hoại các tuyến sữa vừa mới chớm hình thành, gây chậm có sữa sau khi sinh, ảnh hưởng đến vấn đề nuôi con và sức khỏe của trẻ nhỏ.
“Dù đã ủi ngực, tôi vẫn không tránh khỏi bị có thai từ năm 16 tuổi và phải bỏ học”, Cathy kể tiếp. Tuy nhiên, ngực của cô tổn thương quá nặng, phải phẫu thuật và không thể cho con bú.
Tiếp tục hoành hành
Từ năm 2000, Liên Hiệp Quốc đã xác định: Ủi ngực là hành vi phân biệt đối xử giới tính và một tội ác. Tại Cameroon, luật cấm ủi ngực được ban hành, kẻ vi phạm có thể bị phạt tù giam tối đa 3 năm. Có điều cũng kể từ đó cho đến nay, chưa có bất cứ vụ ủi ngực nào bị tố cáo.
Cameroon có tổng cộng 200 nhóm dân tộc thực hành hủ tục ủi ngực. Theo cuộc khảo sát vào năm 2006 của GIZ (tổ chức phi chính phủ thuộc nước Đức), trên 5.000 bé gái và phụ nữ ở Cameroon, tỷ lệ người bị ủi ngực là 1/4. Càng ở thành thị, ủi ngực càng nghiêm trọng. Tại các khu vực miền núi xa xôi, tỷ lệ này giảm mạnh, còn khoảng 1,6/10. Cũng theo GIZ, chỉ có 36% phụ nữ Cameroon phản đối ủi ngực, 41% vẫn ủng hộ và 26% không quan tâm.
Ước tính của tổ chức Liên Hiệp Quốc chỉ ra: có đến 58% “hung thủ” ủi ngực là mẹ của nạn nhân. Những người còn lại là bà, cô, dì, chị, em và chính nạn nhân. “Điều quan trọng nhất bây giờ là khiến phụ nữ gốc Phi hiểu việc họ đang làm có hại cho con gái”, Margaret Nyuydzewira – người sáng lập CAME (tổ chức vì sự phát triển của phụ nữ và bé gái) ở Anh, lên tiếng. “Mặc dù ý định bảo vệ các bé gái khỏi nguy cơ bị quấy rối tình dục là không sai, nhưng ủi ngực thì quá tàn bạo. Nó gây rất nhiều tổn thương lên sức khỏe, để lại hậu quả lâu dài”.
Bất chấp thực tế có trên 1.000 thiếu nữ bị ủi ngực, pháp luật Anh chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo báo cáo từ nghị sĩ Jake Berry (Anh), chỉ 15% cảnh sát của Vương quốc Anh từng nghe nhắc tới tục ủi ngực của người gốc Phi. Dù có gặp trường hợp này trong thực tế, họ cũng không thể can dự vì lý do “tôn giáo, truyền thống, văn hóa”. “Chúng tôi không thể gánh vác chuyện này một mình. Chúng tôi cần chính phủ quan tâm, phổ biến vấn đề sâu rộng, thậm chí lên và thông qua dự luật”, Margaret kêu gọi.
Quay lại Cameroon, Marie Laure Jatsa Cameroon, nhà nghiên cứu văn hóa đã đi khắp đất nước, tiến hành 6.000 cuộc phỏng vấn phụ nữ trong hơn 10 năm qua, cho biết: “Nhiều bà mẹ vẫn tin, ủi ngực là tốt và vì lợi ích của con gái. Họ phản đối người bên ngoài can dự vào truyền thống này”.
- Xem thêm: Một hủ tục đáng lên án