Có một cơ hội học tập miễn phí trong 55 ngày tại Nhật Bản về phong cách lãnh đạo ở xứ sở Mặt trời mọc dành cho những người trẻ trong khu vực ASEAN. Mỗi năm, học bổng IATSS Forum dành cơ hội cho bốn người Việt Nam dưới 35 tuổi, công tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội để tìm hiểu về những động lực giúp nước Nhật nhanh chóng trở thành cường quốc sau khi bị tàn phá bởi chiến tranh và học hỏi cách lãnh đạo doanh nghiệp từ những doanh nhân hàng đầu của Nhật Bản.
Học bổng IATSS Forum được xem là một trong những học bổng danh giá về lãnh đạo hiện nay, do Chủ tịch hãng Honda Soichiro Honda thành lập từ năm 1985. Sáng ngày 3-9 vừa qua, các bạn trẻ tại TP. Hồ Chí Minh đã có dịp ngồi trò chuyện cùng ông Hiroyuki Kaneko, Tổng giám đốc IATSS Forum Nhật Bản, tại Trường Đại học Hoa Sen. Sony có xuất phát điểm từ một nhà xưởng nhỏ, tồi tàn, về sau trở thành tập đoàn lớn trên thế giới, góp phần dẫn dắt sự phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Theo chia sẻ của ông Hiroyuki Kaneko, những công ty phát triển bền vững tại Nhật đều xác định hướng kinh doanh coi trọng người lao động và cống hiến cho xã hội. Những công ty bóc lột người lao động, coi nhẹ sự an toàn của cộng đồng xã hội thì dù đạt được sự phát triển nhất thời cũng khó tồn tại bền lâu.
Hiện có khoảng 50 người Việt Nam từng tham gia khóa học IATSS Forum từ năm 1996 đến nay. “Điều đầu tiên tôi nhớ về IATSS Forum là những nhân viên người Nhật ở đây rất giàu tình cảm. Họ dành phần lớn thời gian để quan tâm chăm sóc từng thành viên của IATSS. Họ dậy sớm và thức muộn để chuẩn bị mọi thứ cho chúng tôi một cách chu đáo. Có những tình nguyện viên trên 70 tuổi vẫn khỏe mạnh, lạc quan, ham thích học hỏi khiến chúng tôi thay đổi cách nhìn của mình về cuộc sống. Thậm chí các tình nguyện viên còn khóc vì vui mừng khi tôi hoàn thành các bài luận. Năm mươi lăm ngày ở Nhật cho tôi một gia đình thứ hai với anh em là những thành viên đến từ 10 quốc gia”, anh Phạm Duy Khương, một học viên của khóa học chia sẻ.
Anh Lê Đình Nghĩa, một học viên từng tham gia khóa học cách đây nhiều năm chia sẻ: “Với những người ham tìm tòi, nghiên cứu, không học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” thì IATSS Forum sẽ là một nơi mà chúng ta có thể học được rất nhiều thứ ngoài chuyện kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp. Khóa học cho tôi niềm tin rằng nếu mình tự tin và nỗ lực thì sẽ làm được”.
Trong gần hai tháng của khóa học IATSS Forum, học viên sẽ được sống trong một môi trường hội nhập quốc tế để có thể học hỏi kiến thức và phát triển kỹ năng lãnh đạo. Đây cũng là nơi chúng ta trải nghiệm những điều khác biệt về văn hóa vô cùng thú vị. Anh Vũ Anh Tuấn, một học viên từ những khóa đầu tiên chia sẻ mình vẫn nhớ mãi những buổi làm việc nhóm vô cùng khó khăn trong giai đoạn đầu. Anh cho biết: “Còn gì khó khăn hơn sáu thành viên khác nhau về văn hóa, ngôn ngữ phải cùng nhau giải quyết một đề tài. Chính vì vậy, trước khi giải quyết đề tài, các học viên phải học cách giao tiếp, tranh luận, thuyết phục để tìm ra một hướng đi chung. Bài học ấn tượng nhất đối với tôi là một cá nhân dù xuất sắc đến đâu cũng không thể tạo nên thành công. Cần phải tập hợp những người có năng lực đồng thời tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển điểm mạnh, hạn chế điểm yếu. Thấu hiểu văn hóa cũng là một yếu tố quan trọng trong kinh doanh”.
IATSS Forum đã mang lại nhiều giá trị cho các thành viên tham gia và đang dần tạo ra giá trị cho cộng đồng thông qua các dự án ý nghĩa mà các cựu sinh thực hiện sau khi trở về. Nhưng ấn tượng nhất đối với học viên có lẽ là hình ảnh vị tổng giám đốc IATSS Forum Nhật Bản đứng đón chào từng người tham gia khóa học. “Tôi nhớ lúc mình đặt chân đến Nhật Bản là vào khoảng 21 giờ 30 phút vào một đêm mưa và vị giám đốc vẫn đứng chờ ở cửa để chào đón chúng tôi. Chúng tôi đã có nhiều bài học về phong cách lãnh đạo, nhưng quan trọng nhất là những bài học về đối nhân xử thế”, anh Lê Đình Nghĩa nói.
- Tường Lam