Sân khấu kịch Sài Gòn tuần qua vừa có một làn gió lạ. Là vì lần đầu tiên sân khấu kịch Lệ Ngọc của Hà Nội vào phương Nam và cũng vì khá lâu rồi công chúng yêu kịch mới có dịp gặp gỡ những nghệ sĩ xuất thân từ cái nôi Nhà hát Kịch Việt Nam.
Bắt đầu hoạt động từ năm 2013 với tên gọi “nhóm kịch xã hội hóa” của Nhà hát Kịch Việt Nam, đến năm 2016 Câu lạc bộ sân khấu Lệ Ngọc chính thức được thành lập và là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội.
Quà ra mắt
Khác với các sân khấu TP.HCM thường sáng đèn cuối tuần; liên tục trong suốt một tuần từ 15-10 đến 21-10-2018, Lệ Ngọc tự tin đóng đô tại sân khấu kịch Thế giới trẻ của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh và Nhà hát Trần Hữu Trang với hai tác phẩm: Kim tử và Ngũ biến.
Kim tử là một trong ba vở kịch xuyên suốt sự nghiệp của Tào Ngu – nhà viết kịch nổi tiếng Trung Quốc. Khán giả TP.HCM từng được xem hai tác phẩm khác của Tào Ngu là Lôi vũ và Nhật xuất, còn Kim tử là vở kịch thứ ba, cũng là vở kịch cuối cùng của ông được dựng ở Việt Nam. Giống như Lôi vũ và Nhật xuất, Kim tử kể về xã hội Trung Quốc đầu thế kỷ XX với bối cảnh xã hội phức tạp vào giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến hà khắc đè nặng lên cuộc sống người dân, cũng là thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, đói khổ. Vở kịch tập trung miêu tả mối quan hệ khốc liệt mẹ chồng – nàng dâu khi mà mẹ chồng chỉ muốn giết chết con dâu, được đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng.
Còn Ngũ biến là tiết mục trình diễn năm giá hầu đồng theo tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu Tam phủ của người Việt vừa được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Được NSND Anh Tú biên tập và đạo diễn theo hình thức sân khấu hóa, Ngũ biến đã tham dự các liên hoan sân khấu quốc tế tại Monaco, Singapore, Philippines và Hàn Quốc. Đây là lần thứ hai, khán giả TP.HCM được xem trình diễn hầu đồng sân khấu hóa sau lần vở Tứ phủ của đạo diễn Việt Tú vào diễn tại TP.HCM cách đây hai năm.
- Xem thêm: Biển không thể ngọt
Tâm tư người làm kịch xã hội hóa
NSND Lệ Ngọc chia sẻ: “Các sân khấu ở Hà Nội xưa nay toàn được bao cấp, bản thân tôi công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam đến khi nghỉ hưu nên càng hiểu điều này. Lần này quyết tâm vào diễn ở sân khấu không bao cấp xem kết quả như thế nào. Cách đây 20 năm tôi đã nhiều lần đề nghị xã hội hóa, vì chứng kiến có quá nhiều vở diễn được đầu tư dàn dựng thật hoành tráng và tốn kém nhưng diễn chỉ vài suất xong rồi lại cất vào kho. Trong khi sân khấu kịch miền Nam rất dũng cảm, người hoạt động sân khấu không quan tâm nhiều đến các danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, chỉ cần sàn diễn sáng đèn đều đặn hằng tuần”. Cũng theo nhận xét của NSND Lệ Ngọc, khán giả TP.HCM yêu kịch hơn khán giả Hà Nội, minh chứng là sân khấu kịch thủ đô nhiều năm qua đang ngày càng vắng dần khán giả. Bà nói: “Khi hỏi giá vé xem kịch ở Sài Gòn ra sao, tôi rất bất ngờ khi biết chỉ khoảng 200.000-250.000 đồng/vé, trong khi lâu nay chúng tôi diễn ở Hà Nội và các nơi khác với giá vé lên đến 600.000 đồng”.
Để sân khấu mang tên mình duy trì được hoạt động, NSND Lệ Ngọc cho biết không bán vé lẻ mà thông qua sự ủng hộ của các doanh nghiệp bằng cách mời doanh nghiệp mua vé với số lượng lớn và đã có lúc các mạnh thường quân còn hào phóng chi tiền túi để sân khấu Lệ Ngọc sáng đèn thường xuyên. Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, người theo sát sân khấu kịch nói lâu năm cho biết: “Chuyến đi lần này của các nghệ sĩ kịch nói thủ đô là tìm đến nơi có người xem dễ thương nhất nước”. Dù vậy, Liên hoan sân khấu xã hội hóa chỉ tổ chức được một lần vào năm 2006, cho thấy sân khấu tại VN đang khó khăn đến mức nào. Bất chấp hiện trạng đó NSND Lệ Ngọc cho biết bà hoàn toàn đồng ý nói không với các loại vé mời: “Giống như đồng nghiệp Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi dứt khoát không phát vé mời ngay cả khi không có khách. Đem hai vở diễn Nam tiến lần này, chúng tôi muốn thay đổi một thực tế đáng buồn nhiều năm qua, khi sân khấu phải đi tìm lại người xem đã mất. Và chúng tôi sẽ hết sức kiên trì…”.