Từ kinh nghiệm “thực chiến” trong cả lĩnh vực công nghệ và F&B, anh Võ Đình Vinh sáng lập FnBTech Solution Consultant Co., Ltd – Công ty chuyên tư vấn giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp F&B, nhằm tối ưu chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Anh nói rằng đây là con đường hẹp nhưng rất tiềm năng. Sự tăng trưởng nhanh chóng của số lượng các nhà hàng, quán cà phê trong những năm gần đây đã tạo ra một thị trường F&B vô cùng sôi động, nhưng đi kèm với nó là yêu cầu quản lý mang tính hệ thống, cũng như tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhân lực, “Khi đó, công nghệ sẽ là giải pháp cho doanh nghiệp để mọi hoạt động sẽ trở nên nhanh hơn, chuẩn hóa hơn, và đặc biệt phát triển bền vững hơn trong nhiều điều kiện khi môi trường kinh doanh thay đổi”, anh Vinh cho biết.
____
Trong điều kiện thị trường mở và nền tảng ứng dụng các ngành nghề phong phú như hiện nay, thì các nhà hàng, quán cà phê có thể tự tìm kiếm các phần mềm kinh doanh hơn là nhờ đến công ty tư vấn, phải không?
Đúng vậy, việc tìm kiếm và sử dụng các sản phẩm công nghệ mang tầm quốc tế hiện nay rất dễ dàng và thuận lợi. Vì hai lý do, thứ nhất là giá cả của phần mềm hay các thiết bị công nghệ ngày càng hợp lý hơn. Thứ hai, doanh nghiệp không còn phải tự mò mẫm, tìm hiểu về công nghệ như trước đây mà có nhiều đối tác sẵn sàng tư vấn cho doanh nghiệp về sản phẩm phần mềm của họ. Thậm chí, họ còn cho doanh nghiệp sử dụng miễn phí trong giai đoạn đầu, như một cách tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Đây là cơ hội, nhưng cũng là rủi ro cho doanh nghiệp.
____
Đâu là rủi ro, anh có thể nói rõ hơn?
Vì khi bị sự chi phối của các công ty phần mềm, không được tư vấn một cách khách quan, nhà đầu tư càng khó mà lựa chọn được một sản phẩm công nghệ với phù hợp quy mô, nhu cầu của doanh nghiệp. Hơn nữa, chọn sử dụng công nghệ còn phải được tính toán sao cho phù hợp mong muốn phát triển hệ thống. Chẳng hạn, một phần mềm bán hàng giá vài triệu đồng sẽ phù hợp với một quán ăn hay một quán cà phê. Nhưng nếu chủ đầu tư muốn mở rộng quy mô thành chuỗi trên 10 quán, thì phần mềm đang sử dụng có đảm bảo không, có tích hợp được các nhu cầu khác như phân tích dữ liệu, chăm sóc khách hàng…
Nếu không may lựa chọn giải pháp không phù hợp thì khi mở rộng quy mô, nhà đầu tư phải tốn nhiều thời gian và chi phí để thay đổi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp F&B quy mô nhỏ thì không cần đến tư vấn, nhưng những doanh nghiệp định hướng quy mô từ 10 nhà hàng trở lên thì rất cần sự hỗ trợ của người có kinh nghiệm.
____
Công nghệ nói chung và phần mềm nói riêng ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, vì sao anh chọn tư vấn trong lĩnh vực F&B?
Vì tôi có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trên thị trường, đa số các công ty tư vấn thường có thế mạnh về công nghệ, còn tôi lại có kinh nghiệm ở cả lĩnh vực phần mềm lẫn F&B. Tôi học và làm về phần mềm từ cách đây gần 20 năm. Sau đó, tôi trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Công ty New Pearl, đơn vị sở hữu những thương hiệu nhà hàng có tiếng ở Hồ Chí Minh là: Sườn cây nướng và bia, Mr. Park và Chang Kang Kung. Tôi từng kinh qua các công việc trong nhà hàng, từ việc bếp cho tới việc quản lý, nên biết rõ những phần mềm nào phù hợp nhất cho ngành này. Công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng phải phù hợp với thực tế mới có giá trị. Trong khi đó, ngành F&B lại có những chức năng, quy ước đặc thù, chẳng hạn như tên nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành… không giống với bất cứ ngành nào. Vì vậy, một người chưa từng làm việc trực tiếp trong ngành này thì khó mà tư vấn cho chủ đầu tư một cách thấu đáo được.
Công nghệ dù hiện đại đến mấy cũng phải phù hợp với thực tế mới có giá trị. Trong khi đó, ngành F&B lại có những chức năng, quy ước đặc thù, chẳng hạn như tên nguyên liệu đầu vào, quy trình vận hành… không giống với bất cứ ngành nào.
Về phía đơn vị cung cấp phần mềm, họ cũng cần những người tư vấn hiểu rõ ngành F&B để cho họ những kinh nghiệm thực tế, giúp cho sản phẩm của họ được “may đo” phù hợp với doanh nghiệp hơn. Qua 10 năm làm thực tế trong lĩnh vực F&B và kiểm nghiệm thực tế các ứng dụng trên quy mô nhiều nhà hàng, những gì chúng tôi tư vấn là thực tế, có giá trị và phù hợp với từng doanh nghiệp khách hàng.
____
Dưới góc nhìn của anh, việc ứng dụng công nghệ nói chung trong lĩnh vực F&B tại Việt Nam đã phổ biến chưa?
Doanh nghiệp F&B Việt Nam đã ứng dụng công nghệ khá rộng rãi. Đặc biệt, các bạn trẻ mới khởi nghiệp trong ngành này đã ý thức được việc ứng dụng công nghệ để giảm thiểu sự phụ thuộc nhiều vào con người và bán hàng một cách chuyên nghiệp. Thực ra, cả những doanh nghiệp chỉ có vài quán cũng nên sử dụng các phần mềm để việc kinh doanh chuyên nghiệp, hiệu quả hơn. Bởi vì, khi đã mở rộng quy mô kinh doanh, thì doanh nghiệp có nhiều nhu cầu hơn như: kiểm soát chi phí, kiểm soát nội bộ, phân tích khách hàng, phân tích độ yêu thích các món ăn uống… Lúc đó, công nghệ làm rất tốt công việc thay con người trong việc kiểm soát dữ liệu minh bạch, truy suất nhanh, đưa quyết định sử dụng chi phí một cách có lợi nhất cho doanh nghiệp.
____
Cảm ơn anh về những chia sẻ trên.