KTS Ngô Viết Nam Sơn hiến kế 5 điều để Thủ Đức trở thành thành phố đáng sống. Trong đó, nhà nước giữ vai trò điều phối; tạo cơ chế; nhà đầu tư phát triển dự án; doanh nghiệp phục vụ dân sinh; và lấy ý kiến chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực.
Tại một hội nghị lớn về bất động sản vừa diễn ra tại TP.HCM, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch, Chủ tịch NgoViet Architects & Planners đã dành nhiều thời gian để nói về Đề án quy hoạch 3 quận phía Đông của TP.HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức trong tương lai.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ một góc nhìn khác: Làm thế nào để Thành phố phía Đông thực sự trở thành một thành phố đáng sống, đúng với nguyện vọng của chính quyền và người dân TP.HCM.
Hiến kế 5 điều cho TP. Thủ Đức
Thứ nhất, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố phía Đông phải tập trung vào công nghệ cao và trở thành một trung tâm thông tin số hiện đại. “Tôi rất kỳ vọng thành phố phía Đông sẽ trở thành một Silicon Valley của Việt Nam, biến khu đô thị đại học thành các khu đại học đẳng cấp quốc tế. Khu công nghệ cao (quận 9) có thể xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và Thủ Thiêm (quận 2) có tiềm lực tài chính phát triển kinh tế toàn vùng”, ông Sơn nói.
Khi đó, thành phố phía Đông sẽ đem lại việc làm và thu nhập cao cho người dân, đưa TP.HCM cạnh tranh với các đô thị trong khu vực.
Thứ hai là tập trung phát triển bền vững, cân nhắc yếu tố môi trường, không để xảy ra tình trạng kẹt xe, ngập nước. Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng khi đó, người dân mới thực sự cảm thấy là thành phố đáng sống. Về phía quy hoạch, đây là những vấn đề cần quan tâm đầu tiên, nếu không, hậu quả, chi phí khắc phục về sau nhiều khi còn nặng hơn cả so với chi phí đầu tư ban đầu.
“Thứ ba, phải liên kết vùng. Thành phố phía Đông phải như lõi trung tâm, đóng vai trò anh cả kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai), cảng Cái Mép (Bà Rịa – Vũng Tàu), tỉnh Bình Dương. Như vậy, liên kết vùng không chỉ là các địa phương trong thành phố mà cả những thành phố lân cận”, ông Sơn nói. Khi làm được điều này, dưới áp lực của giá nhà ngày càng và đắt đỏ ở TP.HCM, người lao động có thể làm việc tại TP.HCM nhưng nhà cửa thì ở Long Thành, Bình Dương.
Kế đến, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết để đầu tư vào thành phố phía Đông phải cần một nguồn vốn khổng lồ. Ông cho rằng phải huy động cả ngân sách và vốn tư nhân, phù hợp tư duy kinh tế thị trường. Đồng thời, TP.HCM cũng phải có cơ chế đặc thù trong việc xây dựng thành phố phía Đông.
Cuối cùng, yếu tố “an cư lạc nghiệp” là vấn đề thách thức rất lớn đối với thành phố phía Đông. Theo ông, các nhà đầu tư cũng nên thay đổi tư duy, không chỉ làm những sản phẩm cao cấp mà còn có phân khúc đặc thù, thậm chí có “combo” giới thiệu việc làm cho cư dân ngay từ đầu.
“Hãy nói rằng chúng tôi cho bạn cuộc sống khác, hãy đến đây và thu nhập không kém gì các nước tiên tiến. Trong khi đó, người thu nhập trung bình vẫn có việc làm và đáp ứng được cuộc sống”, kiến trúc sư nói.
Cần phối hợp ra sao?
Thành phố Thủ Đức được quy hoạch gồm ba quận phía Đông TP.HCM là quận 2, 9 và Thủ Đức, có quy mô lớn khoảng 22.000 ha, bằng 1/10 diện tích toàn TP.HCM. Dân số hiện nay của ba quận hơn 1 triệu người. Chính quyền TP.HCM kỳ vọng thành phố Thủ Đức khi hoàn thiện sẽ đóng góp 30% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cho TP. HCM, bằng 4-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Ba quận này đang sở hữu nhiều tiềm năng, có thể tận dụng nguồn lực tại chỗ để phát triển theo mô hình kinh tế sáng tạo, dự kiến sẽ mang lại nhiều động lực phát triển cho thành phố phía Đông.
Cụ thể, quận 2 với Khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là trung tâm tài chính. Quận 9 có Khu công nghệ cao năm 2019 đã mang lại giá trị xuất khẩu khoảng 17 tỷ USD, bằng 40% xuất khẩu của TP.HCM. Quận Thủ Đức sẽ giữ vai trò hạt nhân là khu đô thị đại học, gồm Đại học Quốc gia TP.HCM và hơn chục trường đại học khác, với 1.500 giảng viên trình độ tiến sĩ và 70.000 sinh viên theo nhiều chuyên ngành khách nhau.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng thành phố phía Đông là một chủ trương đúng theo hướng đô thị đa trung tâm, nhất là khi TP.HCM đang có hơn 10 triệu dân, khó có thể quản lý theo hướng thành phố đáng sống. Do đó, cần chia thành các đô thị vệ tinh, việc chủ trương được thông qua là cơ hội để phát triển một đô thị đáng sống.
“Nếu đi theo tiêu chí đô thị đáng sống của thế giới thì chưa chắc là phù hợp, trước hết cần chung tay. Trong đó, nhà nước giữ vai trò điều phối, tạo cơ chế phát triển TP đáng sống. Nhà đầu tư phát triển dự án, xây dựng đô thị. Doanh nghiệp hướng đến phục vụ dân sinh. Nhóm cuối cùng là chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực góp ý để xây dựng cộng đồng, nơi đáng sống phù hợp nhiều nhóm dân cư”, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn hiến kế.