Với gần hai mươi lăm năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, ít ai biết rằng, ông Nguyễn Minh Sơn, Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam, từng có ý định trở thành giáo viên. Trước khi đầu quân cho Lenovo, ông đảm nhận nhiều vị trí quản lý cấp cao tại các công ty công nghệ lớn như IBM, Siemens và Samsung Việt Nam.
Trong cuộc nói chuyện tại buổi họp báo nhân dịp Lenovo Việt Nam ra mắt các sản phẩm mới, chúng tôi đã ghi lại các chia sẻ của ông Sơn về bản thân, niềm đam mê và cả những khó khăn mà ông đang thách thức chính bản thân mình vượt qua để truyền lửa cho tập thể Lenovo Việt Nam.
Học địa chất nhưng mê công nghệ thông tin
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ đều là giáo viên, khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông Sơn từng có ý định sẽ trở thành nhà giáo theo truyền thống gia đình. Thế nhưng, duyên nợ với công nghệ thông tin đưa ông đến với nghề này sau một chặng đường dài học trái ngành.
Khi thi đậu vào Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ông học chuyên ngành Địa chất học. Vốn học giỏi Toán và các môn tự nhiên, năm học thứ hai, cái tên Nguyễn Minh Sơn có trong danh sách các sinh viên được chọn sang Nga học tiếp về Địa Vật lý. Và niềm đam mê với công nghệ thông tin cũng đến từ đó.
Những năm tháng học tại Nga, lần đầu tiên, ông Sơn được tiếp xúc với dòng máy IBM mainframe, dòng máy tính được dùng để xử lý khối lượng dữ liệu lớn và sức hút của chiếc máy tính với chàng sinh viên trẻ cứ lớn dần.
“Thời đó, trường học ở Nga cũng thiếu thốn cơ sở vật chất. Cả trường tôi chỉ có một phòng máy nên cơ hội sinh viên được sử dụng không nhiều. Để được tìm hiểu về máy tính, mỗi ngày, tôi xin ở lại trường vài tiếng để mày mò, học tập thêm”, ông Sơn kể.
Tốt nghiệp về nước với tấm bằng Thạc sĩ Địa chất học, dù mức lương của các công ty dầu khí trong nước lúc bấy giờ luôn cao hơn so với các ngành nghề khác, thế nhưng, ông vẫn quyết định nộp đơn vào một công ty điện tử viễn thông tại TP. Hồ Chí Minh với vai trò của một lập trình viên học việc để tiếp tục niềm đam mê công nghệ.
Năm 1994, IBM lần đầu tiên mở văn phòng tại Việt Nam, và năm 1995, ông Sơn đã nộp hồ sơ tham gia ứng tuyển. Đại diện tuyển dụng của IBM lúc bấy giờ rất đắn đo vì bằng cấp của ông không liên quan gì đến vị trí được chọn. Ông đã thuyết phục họ bằng câu nói chắc nịch: “Với thành tích học tập và đam mê công nghệ, tôi sẽ làm được”.
Khởi đầu của ông Sơn tại IBM Việt Nam cũng không khác mấy khi làm lập trình viên học việc vì vị trí ông ứng tuyển là chuyên viên phát triển kinh doanh. Bao nhiêu kỹ năng mới cần phải tiếp thu như bán hàng, tiếp thị, quan hệ đối tác… nhưng ông không nản lòng. Cùng thời điểm đó, bộ phận nhân sự một tập đoàn dầu khí nước ngoài mời ông về làm, nhiều người khuyên ông nên nhận việc này nhưng ông vẫn kiên định.
Ở IBM Việt Nam, để bù đắp cho việc học trái ngành và thiếu kinh nghiệm, ông trở lại như thời sinh viên: ở lại sau giờ làm để tự học. Ông nhớ khi ấy, cả văn phòng IBM Việt Nam cũng chỉ có một máy tính cho gần chục nhân viên.Mỗi người chỉ có một đến hai tiếng để sử dụng, soạn thảo tài liệu gặp khách hàng nên việc học ngoài giờ là cách để ông Sơn bắt kịp với các đồng nghiệp.
Với sự kiên trì và đam mê không mệt mỏi, sự nghiệp của ông tiếp tục gắn liền với các công ty công nghệ, viễn thông. Trước khi làm việc tại Lenovo Việt Nam, ông Sơn đã đảm nhiệm vị trí Giám đốc nhãn hàng mảng máy chủ IBM System x cho IBM Việt Nam, Giám đốc bán hàng cho Siemens Việt Nam và gần đây nhất là Giám đốc Bộ phận Kinh doanh dự án và các sản phẩm công nghệ thông tin của Samsung Việt Nam.
Thử thách mới tại Lenovo
Ở tuổi gần 50, vị trí Tổng giám đốc Lenovo Việt Nam được ông Sơn xem như một thử thách mới cho bản thân.Thử thách đó là sự đổi mới của Lenovo hiện nay cũng như những kỳ vọng về tăng trưởng khi tình hình thị trường PC (máy tính cá nhân) toàn cầu đang sụt giảm.
Theo số liệu gần đây nhất, tính đến hết tháng 6-2015, mặc dù tổng doanh số PC toàn thị trường sụt giảm nhưng Lenovo vẫn tăng trưởng và hiện đang giữ vững vị trí số 1 ở mảng này trong hai năm liên tiếp với thị phần toàn cầu lên tới 20,6%. Bên cạnh đó, Lenovo cũng đạt được kết quả tốt ở mảng máy tính bảng với vị trí thứ 3 vững chắc trên toàn cầu.
Riêng khu vực Đông Nam Á, Lenovo cho biết vẫn còn đang có nhiều việc phải làm. Năm 2015, Lenovo đề ra chiến lược 1-2-2-1, tức một năm để trở thành số hai và hai năm để trở thành số một ở thị trường các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, trước sự phổ biến của các dòng máy tính bảng hay smartphone, Lenovo cũng có sự thay đổi mạnh mẽ, hãng vẫn lấy PC làm trọng tâm nhưng sẽ liên tục sáng tạo để đưa ra các sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hành động này được khẳng định một lần nữa ở việc thay đổi logo của Lenovo, công ty này vừa chính thức công bố nhận dạng mới với rất nhiều màu sắc và có thể thay đổi chứ không còn gò bó với màu đỏ tươi, nền trắng như trước kia.
Với nhiệm vụ ở Lenovo Việt Nam, ông Sơn cho biết ông đang đẩy mạnh việc xây dựng đội ngũ nhân sự, một yếu tố cốt lõi để mang tới thành công cho các doanh nghiệp. Ông tin rằng, một đội ngũ nhân sự đam mê công việc và thấu hiểu mục tiêu của Lenovo sẽ phát huy hết năng lực để đồng hành và đưa công ty giành được mục tiêu chung trong thời kỳ mới. Ông cho biết, Lenovo Việt Nam sẽ giữ vững thị phần hiện có, đồng thời tập trung toàn lực nắm bắt cơ hội thị trường để tăng trưởng và phát triển.
Khi được hỏi về những sở thích khi có thời gian rảnh, ông Sơn chia sẻ mình có niềm đam mê ngoài công việc là âm nhạc, điện ảnh và thể thao.Mê nghe nhạc từ thời trẻ, hiện ông có một bộ sưu tập đĩa CD gồm hàng trăm chiếc. Với thể thao, hiện tại ông chọn môn tennis và chơi đều đặn mỗi tuần để tăng cường sức khỏe và gặp gỡ các bạn bè, đối tác… “Không chỉ là giải trí đơn thuần, môn tennis còn giúp tôi rất nhiều trong việc rèn luyện khả năng phán đoán, xử lý tình huống đa dạng trong cuộc sống cũng như trong công việc”, ông Sơn nhấn mạnh.