Chính phủ đã quan tâm đến sự việc người dân và các phương tiện vận tải đã phản ứng mạnh mẽ nhiều ngày về sự bất hợp lý của trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4-12 đã làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và cho rằng không thể để tình trạng kéo dài. Thủ tướng yêu cầu sớm có báo cáo sự việc này.
Trước đó, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ ngày 1-12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, đối với các dự án BOT trên cả nước – trong đó có BOT Cai Lậy – thời gian qua Bộ đã tiếp 107 đoàn thanh tra, kiểm tra về nội dung này và sẽ tổng hợp toàn diện mặt được lẫn chưa được để trình lên Thủ tướng.
Ông Thứ trưởng nói rằng theo quy định các trạm nếu ách tắc quá 500 mét thì phải xả trạm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không để thời gian kéo dài. Tuy nhiên, ông Nhật cho rằng vừa qua tại trạm Cai Lậy cũng có một số lái xe quá khích, không đồng ý việc thu phí tại trạm này.
Trạm BOT Cai Lậy hoạt động từ ngày 1-8. Tuy nhiên, sau đó nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé để phản đối trạm đặt sai vị trí. Vụ việc khiến trạm này bị ùn tắc giao thông nghiêm trọng nhiều ngày. Ngày 15-8, chủ đầu tư cho xả trạm cho đến 30-11 thì thu phí trở lại, giá vé đồng loạt giảm 30%, thấp nhất là 25.000 đồng và cao nhất 140.000 đồng.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng một ngày sau thì trạm BOT Cai Lậy đã phải ba lần xả trạm do ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Đến cuối tuần qua tính ra đã có 14 lần xả trạm vì lý do này. Hầu hết tài xế và người dân nơi đây cho rằng họ không chạy tuyến tránh nhưng vẫn phải đóng phí. Nguyện vọng của người dân là trạm thu phí này cần phải được di dời vào đúng vị trí là tuyến đường tránh.
Trong báo cáo giám sát dài 35 trang, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ ra những mặt ưu – nhược của BOT. Báo cáo mô tả tình trạng trạm thu phí đặt ngoài phạm vi dự án, bổ sung một số hạng mục nằm ngoài phạm vi dự án; hay cho phép nhà đầu tư thu phí cả tuyến đường ngoài BOT chạy song song với tuyến đường được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT để bảo đảm phương án tài chính của dự án là sai trái.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, các địa phương trong quá trình góp ý về vị trí trạm thu phí chưa tham vấn, lấy ý kiến người dân gần trạm, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đối tượng thường xuyên sử dụng đường… khiến cho người dân bức xúc, phản đối kéo dài trong thời gian qua.
Thật ra người dân chỉ phản đối các trạm BOT đặt sai chỗ gây thiệt hại cho các phương tiện lưu thông chứ không phải phản đối BOT. Trên thực tế nhiều trạm BOT đường cao tốc vẫn được tài xế chấp nhận sự tồn tại khi rút ngắn thời gian di chuyển đáng kể cho họ.
Chủ trương huy động vốn tư nhân đầu tư hạ tầng là đúng đắn, nhưng cách làm không phù hợp đã khiến một chủ trương tốt đẹp trở nên tiêu cực dưới mắt người dân. Trách nhiệm trực tiếp ở đây chính là ở Bộ Giao thông Vận tải – đơn vị đứng ra ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT.
Từ nhiều tháng qua, các cuộc phản đối trạm thu phí BOT cứ nổ ra triền miên, cuộc sau nóng hơn cuộc trước, mức độ phức tạp cũng nhiều hơn. Dư luận cho rằng ngành Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan cũng cần nhìn lại chính mình để có chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của người dân.
Sắp tới đây, Nhà nước cũng cần kêu gọi đầu tư tư nhân làm hạ tầng với số vốn lên đến hàng trăm nghìn tỉ. Không giải quyết được tình trạng BOT Cai Lậy, thì số phận các dự án mới sẽ bị ảnh hưởng.
Bộ Công thương vừa phát đi thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2017. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về việc tăng giá bán điện lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành (1.622,01 đồng/kWh). Giá điện mới sẽ chính thức áp dụng từ 1-12-2017.
Theo Bộ Công thương, doanh thu bán điện năm 2016 là 265.510,79 tỉ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.661,57 đồng/kWh). Hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỉ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2016 là 3.251,66 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658,20 tỉ đồng.
Câu hỏi cần đặt ra là tại sao EVN lãi lớn vẫn tăng giá điện? Trả lời câu hỏi này tại cuộc họp về giá điện diễn ra chiều 1-12, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực – Bộ Công thương, cho biết, trong năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương xây dựng phương án giá điện. Sau khi cập nhật hết các yếu tố đầu vào, đến thời điểm này Thủ tướng mới quyết định tăng giá điện.
Theo công bố của Bộ Công thương, hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2016 và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2016 EVN lãi 2.658 tỉ đồng.
Vậy tại sao kinh doanh có lãi nhưng vẫn tăng giá điện? Giải thích về điều này, đại diện Deloitte Việt Nam – đơn vị kiểm toán độc lập của EVN – cho biết, thực tế trong hai năm từ 2014-2016, sản xuất kinh doanh điện của tập đoàn đều bị lỗ. Việc hạch toán của EVN theo chuẩn mực kế toán của Việt Nam song EVN vẫn còn treo khoảng 9.500 tỉ đồng lỗ tỷ giá, và chưa được tính vào giá điện.
Theo Deloitte, trong quá trình sản xuất kinh doanh của EVN, do nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án điện lớn nên tập đoàn này phải huy động vốn từ trong và ngoài nước. Việc vay vốn trong nước bị khống chế tỷ lệ, vốn có hạn, lãi suất cao, do đó, EVN phải vay vốn nước ngoài. Biến động của các đồng ngoại tệ, đặc biệt đồng USD vẫn rất lớn dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có chính sách điều hành tỷ giá ổn định, khiến lỗ tỷ giá của EVN vẫn ở mức cao 9.500 tỉ đồng. Chính vì vậy mới có tình trạng vừa lãi vừa lỗ ở EVN.
Giải thích về việc EVN bị lỗ hơn 593 tỉ đồng trong kinh doanh điện nhưng có lãi chung nhờ các hoạt động kinh doanh tài chính khác, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, việc tăng giá điện cũng do giá than bán cho điện đã được điều chỉnh khá mạnh trong các năm qua.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, để đánh giá được tại sao tăng và tăng như thế nào về giá điện, Chính phủ đã thành lập tổ công tác bao gồm Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Điện lực Việt Nam, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Nguyên tắc kiểm tra là kiểm tra chi phí của năm 2016 tại sao lại tăng và ảnh hưởng đến giá điện như thế nào.
Trong quá trình đánh giá, có thễ dẫn ra một số nguyên tắc chính. Thứ nhất là chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh của các hoạt động trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch chi phí các khâu phát điện, truyền tải, phân phối, phụ trợ và quản lý ngành. Nguyên tắc thứ ba là kiểm tra chi phí mua điện từ các nhà máy điện độc lập, từ các nhà máy điện đã cổ phần hóa có ký hợp đồng mua bán điện với EVN, từ các nhà máy điện thuộc Công ty TNHH một thành viên hạch toán độc lập với EVN xác định thông qua hợp đồng mua bán điện.