Chỗ bến sông lỏm vào một khoảnh hình mũi tàu. Người sống lâu năm bên bờ sông nói rằng hình thù kì dị ấy của đất không phải vì sóng đánh lở loét mà vì chuyến tàu cũ mỗi bận đi về đều ghé lại đón khách, mũi tàu xiên vào bờ đất thành hình tam giác mất một cạnh. Mưa gió khiến nó rộng ra, cỏ mọc xanh rờn.
Những đêm trăng sáng, người trong làng đi soi tôm, soi cá ngang qua bến sông thường trông thấy bóng người đàn bà quỳ gối trên bờ sông mặt nhìn xuống nước. Trăng rọi xuống mặt sông thành tấm gương phẳng phiu, sáng ngần. Người đàn bà có đôi mắt buồn, lúc nào cũng ngấn lệ. Người lạ không biết tưởng đó là ma chạy một mạch vắt chân lên cổ về phía cuối làng, la oai oải. Người biết chuyện lắc đầu buồn bã, mái dầm khõa nước bơi đi.
Ngày còn nhỏ, những ngày nghỉ học tôi thường cùng ngoại đi đò qua chợ xóm chài bên kia sông. Đưa đò là một chị gái hiền lành, xinh đẹp, mái tóc dài lúc nào cũng tết thành hai bím xõa hai vai. Lần nào đi ngang chị cũng chòng ghẹo tôi, bảo tôi lớn rồi mà còn níu áo ngoại đi chợ. Tôi không lấy làm bực tức bởi điều ấy. Chị Đào, tôi gọi chị như vậy, cái tên nghe dịu ngọt như que kem tôi ăn mỗi buổi trưa hè. Nhà chị Đào ở bên bờ sông cạnh bến đò, thuở ấy, bến sông chưa khuyết vào sâu hoắm như bây giờ. Những hôm tôi với ngoại ra bến đò khi chưa có ai lui tới, chị Đào nói để chị đưa hai bà cháu qua sông luôn cho kịp. Ngoại tôi lắc đầu, tôi với ngoại ngồi dưới bóng mát trước căn nhà nhỏ của chị Đào ngồi đợi thêm vài khách nữa cho trọn vẹn một chuyến qua sông. Chị Đào rót cốc nước chè tươi mời ngoại tôi, đưa cho tôi mấy trái sim chị hái được trên rừng. Trái sim ăn ngọt lịm. Ngoại tôi hỏi về gia đình của chị. Chị bảo chị nói ba chị bỏ đi theo người đàn bà khác hồi chị còn nhỏ xíu. Năm chị mười tuổi thì mẹ mất, chị phải sống nhờ chú ruột. Ngặt nỗi vợ chú là người đàn bà độc đoán, lúc nào cũng mắng nhiếc chị, luôn tìm cách đuổi chị đi. Mấy năm sau, chị đi thật, lang bạt mãi cuối cùng chị dừng chân ở bến sông này. Người làng thương dang rộng vòng tay đón chị, dựng cho chị căn nhà nhỏ trên bờ sông, chị vừa đưa đò vừa bán hàng nước sống đắp đổi qua ngày.
Tôi thích chị Đào lắm, trưa buồn buồn là tôi xin ngoại ra bến đò chơi với chị. Đò vắng khách, dưới bóng cây ngả nghiêng xuống mặt sông, tôi với chị ngồi trên chiếc đò nhỏ chòng chành mặt nước. Tay vờn nước, sóng vỗ vào bờ. Trên bến sông chị hát cho tôi nghe, kỉ niệm tuổi thơ tôi gắn liền với bến sông này, với hình bóng chị Đào hiền lành, xinh đẹp. Có đôi lần chị Đào chập chờn trong giấc mơ trong trẻo của tôi…
***
Tôi qua sông về làng. Đưa đò không phải là chị Đào ngày xưa, chị Đào dịu dàng trong tiềm thức của tôi. Gần mười năm rồi nhỉ? Tôi thều thào. Ngót nghét đã mười năm nhanh như một cái chớp mắt. Tôi lớn lên, trưởng thành và mạnh mẽ trụ chân nơi phố thị ồn ào. Mà quê hương vẫn bình yên, sông vẫn chảy và làng vẫn ngùn ngụt khói đốt đống un trong mỗi buổi hoàng hôn chập choạng. Tôi bước lên đò, đưa chị lái đò mấy ngàn đồng rồi gật đầu thay lời cảm ơn. Chị dịch mái dầm bơi xuồng qua bên kia sông, bóng chị mù mù trong khói sóng ban chiều bảng lảng. Tôi bùi ngùi nhìn về mỏm đất khuyết sâu vào hình mũi tàu in dấu thời gian…
Đường về nhà ngoại không xa. Đi một đoạn trên con đường đất đỏ, nhà ngoại liêu xiêu dưới bóng sầu đâu. Cây sầu đâu – loài cây gắn liền với bài hát hồi xưa tôi thích lắm, đêm nào tôi cũng hát cho ngoại nghe, nói mai này đi đâu tôi cũng đưa ngoại theo. Mẹ tôi mất sớm, ngoại gồng mình làm lụng nuôi tôi ăn học nên người. Năm tháng đi qua, tôi quên đi lời hứa năm nào, một thân một mình lên phố ăn học để ngoại lại làng khi tuổi già xế bóng. Nhớ tôi thì ngoại khăn gói lên thăm, mang cho tôi ít quà quê, kể tôi nghe chuyện “bà con xứ mình…”, ngủ với tôi mấy đêm thì đón xe đò về quê. Ngày tôi đi, chị Đào đứng trên xuồng cầm nón lá vẫy vẫy về phía tôi, nói chừng nào tôi về chị Đào lại bơi xuồng đưa tôi đi ra ngã ba sông lớn hái sen về chưng trên bàn thờ ông ngoại.
- Xem thêm: Sông rẽ
Đêm đầu tiên ở nhà sau những đêm dài xa cách, tôi hỏi ngoại đủ chuyện mà nhiều nhất có lẽ là chuyện của chị Đào. Căn nhà lá – hàng nước năm nào của chị – đã bị dở ra, nền nhà cỏ lau mọc um tùm, xanh mướt, chiều mù sương giăng mắc trên vòm cây phía bến sông. Ngoại nói: “Đời chị Đào bây khổ quá, người ta nói hồng nhan bạc phận, quả không sai con ạ!”. Tôi bùi ngùi bước ra hàng ba nhìn về phía sông. Ngọn đèn đỏ ối trên chiếc tàu chạy từ chợ tỉnh về huyện nghèo xa xôi, heo hút. Còi tàu nghèn ngẹt kéo dài trong không gian thinh vắng rồi tựa hồ đọng lại thành giọt buồn rơi rớt mặt sông quê.
***
Người làng nhắc hoài chuyện năm xưa, trong một chiều giông gió có chiếc tàu đắm ngoài ngã ba sông. Trên trời gió giông, nước sông cuộn xiết. Ba ngã dòng sông sóng cuốn trôi người tài công về ngã nào chẳng biết.
Quán xập xòe gió, chị Đào đang với tay lấy cây chống lại cái mái nhà bỗng thấy người lạ chạy vào, mình mẩy ướt sũng, hớt hơ hớt hải báo tin:
– Ở ngoài ngã ba sông sóng dữ lắm, chiếc tàu chìm nghỉm… Người ta đang hì hụp tìm xác tài công kia kìa…
Chị Đào hốt hoảng, mặt tái xanh, chị lao ra sân, ngoài trời mưa giăng rối rít. Mưa trắng xóa, chị đăm chiêu nhìn. Dòng sông cuộn mình trong màn nước mưa, sóng to gió lớn. Chị chạy vùn vụt trên bờ về phía ngã ba sông. Ở đó, chiếc tàu đã chìm tự bao giờ chỉ để lộ khỏi mặt nước cái ống khói nguội lạnh.
Chị Đào kêu gào, chị gọi tên anh. Người làng giữ chị lại để chị không đau xót quá mà lội xuống sông tìm chồng. Nước đang chảy nhanh về phía cửa biển mù khơi xa tít. Người ta đang hì hụp tìm vớt khách lênh đênh trên sóng đưa vào bờ. Chiếc tàu chở hơn hai mươi khách từ huyện ra chợ tỉnh bị sóng hất lật ngang. Ai nấy ướt sũng. Người lên được bờ hoảng quá khóc la dữ dội.
Chị dầm mưa ngồi bên bờ sông suốt mấy hôm liền. Mắt chị sưng húp, khuôn mặt tái nhợt vì mưa lạnh. Nước mắt chị Đào giàn giụa hòa lẫn với nước mưa. Mấy năm trước, có người thanh niên lái tàu vẫn thường đưa đoàn khách về ngang qua bến chị, ghé lại uống cốc nước chè cho mát dạ. Dần dần, chị phải lòng anh. Hôm nào chị cũng đứng đón tàu anh đi qua, vẫy tay, mỉm cười rồi đợi chuyến tàu về huyện nghèo khi hoàng hôn tắt lịm phía chân mây heo hút. Rồi chị Đào với anh tài công nên vợ nên chồng. Đám cưới của anh chị có người làng đến góp vui. Anh chị dựng lại cái quán bên bến sông cho kiên cố. Ki cóp mấy năm, anh dành dụm đủ tiền thuê người đóng được chiếc tàu, không phải lái thuê cho người khác nữa. Khi đưa khách về huyện, anh dong tàu ngược về bến sông đậu lại. Mũi tàu vì thế mà khắc thành hình trên bờ đất quê hương.
Những năm tháng đó, tôi không sống ở ngôi làng nhỏ hiền lành của mình, không trông nhìn được chuyến tàu về khi hoàng hôn bảng lảng màu khói bạc…
Anh không về. Người ta nói năm ấy sóng to, gió lớn quá cuốn xác anh trôi ra cửa biển. Chiếc tàu chìm xuống đáy. Mấy tháng sau, chính quyền trục vớt xác tàu lên, để bên bờ đất tháng năm mưa nắng khiến nó mục dần, giờ đây xám xanh màu rêu gió. Chị cất nhà ở hẳn bên bờ nhìn ra ngã ba sông. Làng nói chỗ đó năm nào cũng xảy ra lở đất, mưa bão, sóng to, nước cuộn… khuyên chị về bến dựng lại cái nhà ở cho chắc chắn. Đau thì cũng đã đau rồi. Người đi cũng đã đi rồi, có đợi, có chờ… thì người cũng đâu trở lại?
- Xem thêm: Dòng trôi
Chị Đào vuốt tóc, cười cười. Mái tóc dài mấy năm chị không cắt tỉa gọn ghẽ. Mái tóc thoảng mùi nắng mưa. Chị nói:
– Chồng tôi ở ngã ba sông thì tôi cũng ở ngã ba sông cho gần chồng.
Và đêm đêm, người ta thường thấy chị về lại bến nước quen. Nơi chị đã gắn bó bao năm tháng thanh xuân, vui buồn chôn vui nơi bến đỗ có hình mũi tàu khuyết vào trong đất. Để góp nhặt những kí ức xưa cũ có hình hài, vóc dáng của người mà chị yêu thương…
***
Đêm nay, sóng lại vỗ bờ. Ngoài xa mênh mông là biển động. Tôi nghe chị phát thanh viên nói như vậy trên ti vi. Bóng trăng vừa hiện ra đã bị mây mờ che phủ, vàng nhợt xanh xao.
Tôi biết chắc đêm nay, chị Đào lại về bến nước ngồi thẩn thờ, không biết để làm gì. Những người đàn bà sống thủy chung, son sắt. Tôi nói với ngoại:
– Tội chị Đào quá!
Ngoại buồn bã. Chị Đào của tôi, người phụ nữ xinh đẹp, hiền lành trong kí ức tuổi thơ tôi, vì những đau đớn trong đời mà trở thành một kẻ lầm lũi, đau hoài nỗi đau của quá khứ.
Gió nổi lên. Đêm nay nước lớn. Ngoại tặc lưỡi:
– Lại sắp bão to rồi đấy, con ạ!
Tôi lo cho chị Đào, không biết rồi chị có chống chọi được với những bất trắc trong đời để mà sống cho trọn vẹn một kiếp người, dẫu đau đớn. Tôi nhắm mắt nguyện cầu cho chị được bình an, mong sao hạnh phúc sẽ mỉm cười với chị. Vì chị thủy chung. Vì chị xứng đáng nhận được những điều tốt lành trong cuộc đời chứ không phải trăm chiều giông gió…