Nếu không có màn hình xinh nhỏ, hẳn pháo đài Fort Boyard trơ trọi trên Đại Tây Dương mênh mông sẽ vĩnh viễn chìm trong quên lãng. Được phục hồi, chăm chút, ngôi sao đá xám đã thành biểu tượng du lịch biển. Người đứng đầu ngành du lịch tỉnh Charente Maritime là Stéphane Vilain tự hào: “Với địa phương chúng tôi, pháo đài Fort Boyart không khác nào tháp Eiffel với nước Pháp!”.
Được phát hình đầu tiên ở Pháp năm 1990, rồi bốn mươi nước nối nhau mua bản quyền phát sóng, pháo đài đá hình bầu dục giữa đảo Oléon và đảo Aix nổi lên như một ngôi sao điện ảnh thành danh. Quanh năm, hàng nghìn người ra khơi chỉ để ngắm nhìn hình dáng pháo đài hiên ngang giữa sóng nước bao la. Còn muốn đặt chân lên pháo đài, phải có thuyền máy hoặc máy bay trực thăng.
Theo lệnh của hoàng đế Napoléon Bonaparte, pháo đài Fort Boyard được xây năm 1803, đến năm 1857 mới xong, mục đích là bảo vệ hải cảng Rochefort trước sự xâm lấn của Anh. Năm 1913, pháo đài chấm dứt quy chế quân sự, trở nên hoang phế. Năm 1950 được công nhận là di tích lịch sử.
Hằng năm, địa phương chi hàng trăm nghìn euro sang sửa, bảo vệ công trình lịch sử dài 68 mét rộng 31 mét trước sự tàn phá của thời tiết khắc nghiệt đại dương. Đầu năm nay, ba cơn bão liên tiếp, sóng lớn làm nứt vách, lở tường sân bên trong. Giám đốc bất động sản và hậu cần tỉnh Charente Maritime là Thierry Blumerau phân tích: “Ngày trước có đê chăn sóng. Nhưng sóng gió dồn dập làm đê vỡ, rã ra. Nếu không khôi phục đê chắn sóng, vết nứt ở vách toác ra, nước biển tràn vào khắp nơi bên trong pháo đài. Chúng tôi đã cho dỡ tường và xây vành đai bê tông vững chắc, không còn lún nữa”.
Chuyên gia xẻ đá Fréderic Tranchant khẳng định: “Đây là một công trình được xây cất cực tốt, hình bầu dục tạo nên vành đai rất vững chắc. Mỗi năm đều đặn hai lần kiểm tra và đo đạc các vết nứt, thật may, chúng tiến triển rất chậm”. Ngay đầu năm nay, các đoàn truyền hình Thụy Điển, Marốc, Czech… tới tấp tới dàn dựng chương trình.
- Lê Lành Theo L’Express
Xem thêm: