Tuyển sinh viên đã hoàn thành hai năm đầu đại học tại Việt Nam. Trường Bách khoa Ecole Polytechnique (còn được gọi là trường X) là trường đại học về công nghệ và kỹ thuật danh tiếng nhất của nước Pháp. Mục đích truyền thống của các sinh viên Polytechnique (polytechnicien) là trở thành nhân lực cấp cao của quốc gia Pháp. Mười sinh viên đứng đầu sẽ được lựa chọn vào Corps de Mines, là chương trình đào tạo nhân lực cấp cao hàng đầu của Pháp.
Hồ sơ tham dự kỳ thi quốc tế tuyển sinh của Trường Bách khoa Ecole Polytechnique đã mở. Hạn chót đăng ký hồ sơ dự tuyển: 20-9-2013.
Kỳ thi này dành cho sinh viên quốc tế không thuộc quốc tịch Pháp, đã hoàn thành hai năm đầu đại học trong ngành khoa học hoặc kỹ sư và có kết quả xuất sắc về toán và/hoặc vật lý.
Để dự thi, sinh viên phải:
- – Đăng ký trên mạng và gửi hồ sơ trước ngày hết hạn.
- – Chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ diễn ra vào giữa tháng 10 và giữa tháng 11-2013 tại Pháp hoặc tại các trung tâm thi ở nước ngoài.
Theo dõi email về kết quả xét tuyển vào đầu tháng 12-2013.
Việc tuyển chọn rất khắt khe, được tổ chức làm hai đợt: (1) xét hồ sơ học tập; (2) dựa trên kết quả đạt được ở bài thi viết QCM và bài thi nói về toán, vật lý và kiến thức văn hóa chung về khoa học.
Thí sinh không bắt buộc phải biết sử dụng tiếng Pháp, toàn bộ hồ sơ có thể được làm bằng tiếng Anh.
Để truy cập vào trang web đăng ký hồ sơ dự thi: http://www.admission.polytechnique.edu.
Từ hàng chục năm qua, Ecole Polytechnique đã đón nhận hàng trăm sinh viên xuất sắc của Việt Nam, với rất nhiều người đoạt giải quốc gia và quốc tế mỗi năm. Mỗi khóa Ecole Polytechnique (X) tiếp nhận khoảng mười sinh viên Việt Nam. Sinh viên Việt Nam đầu tiên ở Trường Bách khoa Paris là Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, X1930.
Môi trường học tập, nghiên cứu trình độ cao
Khẩu hiệu của Trường Polytechnique là “Pour la Patrie, les Sciences et la Gloire” (nghĩa là “Vì quốc gia, khoa học và vinh quang”) do Napoléon Bonaparte khởi xướng.
Bộ đồng phục truyền thống (áo sơmi trắng và quần đen kẻ đỏ, bên ngoài là áo khoác đen, thắt lưng da, kiếm épée cùng với nón bicorne)
Trường Polytechnique bao gồm cả đào tạo đại học và sau đại học. Trường có các khu nghiên cứu trên các lĩnh vực khoa học khác nhau như vật lý, toán, tin học, kinh tế, hóa học, sinh học… hầu hết hợp tác với các viện nghiên cứu quốc gia như Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS). Ngoài ra, trường còn có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, nghiên cứu sinh từ khắp nơi tham gia làm việc tạo nên một môi trường học tập nghiên cứu trình độ cao.
Chương trình học của trường có khác so với các chương trình đại học bình thường. Tuy vẫn được nhắc đến như đào tạo đại học, nhưng trên thực tế chương trình học luôn vượt khá xa chương trình đại học khoa học bình thường. Sau ba năm học, sinh viên được trao bằng tốt nghiệp tương đương với Master của Pháp.
Thêm vào đó, chương trình học thường rất rộng, sinh viên thường tiếp cận với các môn học nằm ngoài chuyên ngành của mình. Triết lý “rộng hơn sâu” đã gây nên rất nhiều tranh cãi từ nhiều năm nay, nhưng điều này đã làm nên tính đặc trưng của chương trình học Polytechnique. Thực tế cho thấy, sinh viên sau khi tốt nghiệp đa số có một nền tảng khoa học cơ bản rất chắc chắn giúp họ dễ dàng đào sâu vào bất cứ chuyên ngành nào trong thời gian ngắn hơn nhiều so với một sinh viên đại học bình thường. Trong môi trường làm việc, các nhà tuyển dụng đặc biệt ưu tiên sinh viên Polytechnique do tin rằng với kỹ năng này, các “polytechnicien” có thể tiến xa trong bất kỳ công việc nào.
Ngoài khoa học, các sinh viên phải theo học một môn thể thao bắt buộc, từ các môn đại chúng như bóng đá, bơi lội… cho đến những môn cao cấp như quần vợt, golf, đấu kiếm… Thể thao chính là đặc tính giúp gắn kết các sinh viên với nhau. Thường các sinh viên học cùng môn thể thao được sắp xếp ở cùng một khu vực.
Sinh viên của trường đều được hưởng học bổng.
Thi tuyển
Cuộc thi tuyển vào Trường Polytechnique là một kỳ thi tuyển đặc biệt khó khăn. Sinh viên cần học ít nhất hai năm “dự bị đại học” (préparatoire) sau khi tốt nghiệp phổ thông. Các trường dự bị nổi tiếng như Lycée Louis-Le-Grand hay the Lycée Henri IV. Cuộc thi tuyển bao gồm một tuần thi viết các môn toán, vật lý, hóa học, văn học, triết học và tiếp sau đó là kỳ thi nói.
Khoảng 400 sinh viên Pháp được lựa chọn mỗi khóa. Sinh viên nước ngoài từng theo khóa học dự bị như sinh viên Pháp cũng phải trải qua một kỳ thi tương tự (gọi là EV1, thường là các sinh viên đến từ các nước nói tiếng Pháp). Các sinh viên nước ngoài khác có thể được nhận sau khi học xong hai năm đại học tại nước họ và phải thông qua một kỳ thi tuyển nhẹ hơn (gọi là EV2, bao gồm một bài thi trắc nghiệm toán nhiều câu hỏi về nhiều phần khác nhau của toán đại cương như Đại số tuyến tính, Giải tích, Phương trình vi phân, Xác suất,…, tiếp đó các thí sinh trải qua ba bài thi vấn đáp về Toán, Vật lý đại cương và bài hiểu biết tổng hợp. Mỗi bài thi có 30 phút chuẩn bị và 45 phút trình bày). Trong một khóa học có khoảng 100 sinh viên nước ngoài, hầu hết đến từ Brazil, Việt Nam, Trung Quốc, Iran, Nga và Romania.
Nơi sản sinh ra những nhà khoa học – chính trị – kinh tế hàng đầu của Pháp
Các cựu sinh viên của Trường Polytechnique được gọi là “X”, cùng với khóa học của họ. Ví dụ như X1987 để gọi những cựu sinh viên Polytechnique khóa 1987.
Một số cựu X nổi tiếng (trong rất nhiều người nổi tiếng): phi hành gia: Jean-François Clervoy (X1978); Philippe Perrin (X1982); các nhà công nghiệp và CEO: Claude Bébéar – cựu CEO của Axa, được xem như là Bố già về kinh doanh của Pháp, Jean-Marie Messier (X1976): cựu CEO của Vivendi Universal, tập đoàn truyền thông số 1 của Pháp, Carlos Ghosn (X1974): CEO của Nissan và Renault…; các tổng thống và chính trị gia: Valéry Giscard d’Estaing – cựu tổng thống Pháp, Sadi Carnot – cựu tổng thống Pháp, Albert Lebrun – cựu tổng thống Pháp, Francis Mer – cựu Bộ trưởng Tài chính…; các nhà khoa học nổi tiếng: Benoît Mandelbrot – khám phá nguyên lý “fractals”, Henri Poincaré – nhà phát minh trước thời đại về thuyết tương đối và thuyết hỗn độn, Urbain Le Verrier – thiên văn học, một trong những người đã tìm ra được sao Hải Vương qua tính toán và quan sát quỹ đạo của sao Thiên Vương, Fulgence Bienvenüe – cha đẻ của hệ thống tàu điện ngầm Paris…
Thiệu Nam