Chính sách bài trừ nạn tham nhũng do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng khiến cho không ít quan chức nước này phải tìm cách thoát thân, từ việc lảng tránh tham gia vào các dự án kinh phí lớn đến tìm cách nghỉ hưu sớm. Thậm chí, đến nay, đã có một số quan chức tự sát dưới áp lực điều tra quá căng thẳng. Theo báo cáo từ China Youth Daily, chỉ trong giai đoạn 1-2013 đến 4-2014, đã có 54 quan chức Trung Quốc chết vì lý do bất tự nhiên, 40% trong số đó nhảy lầu tự tử, trong đó có hai gương mặt đáng chú ý là Bai Zhongren, cựu chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc và chủ tịch Tập đoàn dược phẩm Harbin, Liu Zhanbin.
Nỗi lo sợ của giới quan chức càng trở nên lớn hơn khi đợt vận động kéo dài 18 tháng của ông Tập chưa hề có dấu hiệu giảm xuống. Cuối tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh còn truy tố cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương về tội nhận hối lộ. Lý do khác khiến giới quan chức Trung Quốc e ngại chính là đợt vận động không loại trừ một lĩnh vực kinh tế nào, ngoài việc tập trung vào những hoạt động chủ chốt như cơ cấu hành chính quốc gia, ngành năng lượng và xây dựng, nên sẽ có nhiều cái tên bị điểm danh tiếp theo.
Đợt vận động chống tham nhũng này của Bắc Kinh mang đến những tác động không nhỏ cho kinh tế Trung Quốc, cả xấu lẫn tốt. Bất kỳ một chính sách nào ngăn cản cơ chế quan liêu đưa ra từ trung ương đều gặp phải sự cản trở, chống đối của chính quyền địa phương, khiến các dự án đầu tư không được thông qua bất kể ông Tập từ lâu đã muốn cơ chế thị trường tự do quyết định sự tăng trưởng kinh tế hơn là sự tham gia của chính phủ. Mặc dù không có bất kỳ số liệu chính thức nào được đưa ra, song Huachuang Securities tại Bắc Kinh dự báo đợt vận động này sẽ làm GDP của Trung Quốc (hiện là 7,7%) giảm ít nhất 0,4%. Giới quan sát cho biết tính đến tháng 3-2014, chi phí công dành cho việc họp hành và đi công tác nước ngoài đã giảm xuống lần lượt là 53% và 39% so với năm 2012. Tuy nhiên, cũng có khả năng, các “mạnh thường quân” bao gồm các doanh nghiệp, công ty đứng ra hỗ trợ cho các quan chức bằng việc hối lộ đồ trang sức, đồng hồ, siêu xe và cả việc ăn ở tại các chuỗi khách sạn cao cấp.
Sau khi lên lãnh đạo Trung Quốc (từ tháng 11-2012), ông Tập đã lập tức tiến hành đợt vận động bài trừ nạn tham nhũng bằng cách loại bỏ các quan chức cấp cao bị nghi vấn và thay thế bằng những cán bộ có tư tưởng cách tân vào các vị trí cao trong toàn bộ tổ chức đảng, chính phủ và quân đội. Nhưng đến nay, có rất ít thông tin về số lượng tài sản bị tịch thu, các cuộc đối thoại công khai về mức độ giàu có của giới quan chức Trung Quốc.
Lâm Kiên theo Reuters