Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Trung Quốc
Nhà hoạch định chính sách phát triển của Trung Quốc nói nền kinh tế lớn thứ hai thế giới “sẽ không rơi vào khủng hoảng” mặc dù dự đoán tăng trưởng sẽ giảm.
Theo ông Từ Thiệu Sử, Chủ nhiệm Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC): “Những dự báo về sự tăng trưởng chậm của kinh tế sẽ chẳng nói lên điều gì”.
Phiên họp của Quốc hội Trung Quốc hôm 5-3 vừa qua đã hạ thấp chỉ tiêu tỷ lệ tăng trưởng cho năm 2016 xuống còn 6,5% – 7%. Mục tiêu của Trung Quốc được đưa ra từ năm ngoái là “khoảng 7%” và thực tế kinh tế tăng trưởng 6,9%. Đây cũng là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất trong vòng 25 năm qua.
Trong diễn văn tại phiên họp thường niên ở Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công bố tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất và cảnh báo về một “giai đoạn khó khăn” đang đón chờ phía trước. Quốc hội Trung Quốc, thường họp mỗi năm một lần, là nơi đưa ra các chương trình nghị sự về kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Kỳ họp năm nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và sự tự tin vào ngành sản xuất và công nghiệp nặng ngày càng giảm sút.
Đầu tháng này, Công ty đánh giá tín dụng Moody’s của Hoa Kỳ đã hạ mức đánh giá tín nhiệm Trung Quốc từ “ổn định” xuống “tiêu cực”. Tổ chức này cảnh báo cải cách là cần thiết nếu Trung Quốc không muốn bị hạ bậc thêm nữa. Moody’s cho biết việc thay đổi mức đánh giá dựa trên dự đoán sức mạnh tài chính của Trung Quốc sẽ tiếp tục suy giảm.
Đánh giá tiêu cực được đưa ra ngay sau khi thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang tiếp tục đi xuống. Moody’s cho biết họ quan ngại Trung Quốc thực hiện không đầy đủ quá trình cải cách cần thiết.
Kinh tế Trung Quốc được cho là đang phát triển chậm lại, tạo ra những bất ổn đáng kể trên thị trường tài chính, và dẫn đến giảm mạnh giá hàng hóa.
Nhưng công ty đánh giá tín dụng cũng cho biết hiện thời Trung Quốc vẫn xếp hạng Aa3, và cho rằng vẫn còn thời gian để xử lý những mất cân bằng hiện thời trong nền kinh tế và thực hiện cải cách.
K.M (DNSGCT)