Giới đầu tư thế giới đã đưa ra những dự báo không mấy tươi sáng cho tương lai của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khi kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của Bắc Kinh bắt đầu giảm đáng kể lượng USD vốn được họ cất giữ suốt hơn 20 năm qua. Vào cuối tháng 10-2014, Trung Quốc khẳng định đã bán ra khoảng 100 tỉ USD từ kho dự trữ ngoại hối trung ương trong quý III năm nay, từ 3.990 tỉ USD cuối tháng 6 xuống còn 3.890 tỉ USD, đánh dấu mức tụt giảm USD lớn nhất kể từ năm 1996. Guan Tao, Giám đốc Phòng Quản lý quốc gia ngoại hối Trung Quốc, cho biết chính sách nới lỏng định mức ngoại tệ quốc gia là nguyên nhân của sự việc, chứ không có bất kỳ rủi ro hoặc vấn đề nào khác. Tuy nhiên, một số nhà phân tích thị trường thế giới tỏ ra kém lạc quan hơn, đặc biệt khi việc tụt giảm hy hữu và bất ngờ ấy trong kho tiền USD của Bắc Kinh xảy ra đồng thời với giai đoạn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm nhất trong vòng năm năm qua.
Chiến lược gia tại Ngân hàng Société Générale cho rằng việc tụt giảm này phản ánh sự xuống sắc trong khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, Daiwa Research nhấn mạnh vai trò trọng yếu của việc cắt giảm một số lượng lớn USD sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng nâng cao giá trị tài sản của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) trong tương lai. Suốt những thập niên gần đây, nguồn dự trữ ngoại tệ giữ vai trò là nguồn năng lượng cho các dự án gia tăng nguồn cung tiền khổng lồ của Bắc Kinh. Nhờ vào thặng dư thương mại và thặng dư vốn, PBOC đã trở thành một trong những cỗ máy in tiền quyền lực nhất thế giới, chỉ xếp sau Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Một khi nguồn dự trữ bị sụt giảm thì nguồn cung tiền nhân dân tệ cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Do đó, Société Générale cảnh báo rằng Trung Quốc có khả năng sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng tín dụng, thậm chí có thể là cả tình trạng giảm phát, khi chỉ số lạm phát tháng 9 của nước này chỉ còn 1,6%. Những thống kê trên thị trường bất động sản cũng bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu đi xuống. Tháng 9-2014 đánh dấu mức giảm sút thường niên đầu tiên trong giá cả nhà đất với tỷ lệ 1,3%. Thông thường, phản ứng chung của ngân hàng trung ương trước những chỉ báo kinh tế tiêu cực ấy sẽ là một cuộc đổ tiền của chính phủ vào thị trường dưới hình thức gói tài trợ. Nhưng lần này chính sách tiền tệ của PBOC đưa ra sẽ phải thận trọng hơn, khi đối tác của họ tại FED đang bắt đầu thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất cơ bản và thu trở lại USD.
Lâm Kiên theo MarketWatch