Khi Nikk Mitchell, một nhà khởi nghiệp người Canada muốn mở công ty về thực tế ảo (VR), anh không đến Silicon Valley ở Mỹ mà đến thành phố Hàng Châu của Trung Quốc.
Doanh nhân 29 tuổi này thành lập FXG, một công ty chuyên sáng tạo nội dung VR. Văn phòng công ty đặt tại Dream Town, vốn là một vựa thóc cũ ở ven thành phố Hàng Châu, hiện trở thành nhà của một vườn ươm khởi nghiệp dành cho các startup công nghệ như công ty của Mitchell. Những điều khoản thu hút đầu tư rất hấp dẫn như không tốn tiền thuê cơ sở làm việc và các khoản hỗ trợ về vốn, về đào tạo.
Dream Town đi vào hoạt động từ năm 2015 và được chính quyền thành phố tài trợ. Nơi đây hiện là nhà của 1.400 công ty khởi nghiệp, là một phần trong mạng lưới các trung tâm ươm mầm khởi nghiệp và khu công nghiệp do chính phủ Trung Quốc khởi xướng với hy vọng tiếp sinh lực cho tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cả hai lĩnh vực này đều được xem là động lực chính thúc đẩy sự tăng trưởng khi mà Trung Quốc tìm cách từ bỏ hình ảnh của một nhà sản xuất hàng hóa giá thấp, thăng tiến trong chuỗi giá trị toàn cầu và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Năm 2015, nước này công bố kế hoạch “Made in China 2025″ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong sản xuất và quảng bá công nghệ được phát triển trong nước.
Tỉnh Chiết Giang với thủ phủ Hàng Châu là một trong những trọng điểm của kế hoạch và chính quyền trung ương đã chọn những khu vực đặc biệt trong tỉnh để giới thiệu về kế hoạch này. Trước đó, ngay từ năm 1991, nước này đã quyết định đưa Khu Phát triển Công nghiệp Công nghệ cao Hàng Châu lên tầm cỡ quốc gia nhằm đẩy mạnh tinh thần sáng tạo đổi mới và khởi nghiệp. Theo một báo cáo mới đây của nền tảng tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin, 13,7% những người tìm việc đã rời các thành phố cấp một như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến để tiến về Hàng Châu.
Các nhà khởi nghiệp như Mitchell cho biết chính phủ Trung Quốc đang đổ nhiều nguồn lực vào đây để xây dựng các ngành công nghệ cao và những công ty startup được hưởng lợi. “Silicon Valley là nơi đã định hình một hệ thống. Còn ở đây, họ đang xây dựng. Với chúng tôi, đó là một cơ hội tốt vì chính phủ cần những doanh nghiệp như công ty của tôi để có thể thành công,” Mitchell nói. Bắt đầu hoạt động từ tháng sáu năm ngoái, đến nay công ty của Mitchell đã có 23 nhân viên. Anh cũng cho biết chính sách miễn phí thuê nơi đặt trụ sở làm việc cũng giúp giữ chi phí vận hành của công ty ở mức thấp. Ngoài ra, với mỗi vòng đầu tư mà công ty nhận được, chính phủ còn thưởng thêm một phần trăm trên tổng số tiền đầu tư.
Artinno Town là một trung tâm khởi nghiệp khác nhắm vào ngành công nghiệp sáng tạo. Nơi đây từng là một nhà máy xi-măng, được chính phủ cải tạo thành một khu vực có thảm cỏ xanh, quán cafe và công viên.
Công ty Timeaxis chuyên về sản xuất trong ngành giải trí cho biết chính phủ cung cấp cho họ các “studio” và phương tiện làm việc, giảm thuế và còn giới thiệu họ với các đạo diễn danh tiếng như Trương Nghệ Mưu. “Thoạt đầu, chúng tôi đến đây vì được giảm thuế và miễn tiền thuê văn phòng làm việc nhưng sau đó chúng tôi thấy nơi này có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực liên quan – những startup về thu âm, lồng tiếng”, giám đốc thương hiệu Alex Yue nói. “Chúng tôi ở lại đây vì dễ tìm nguồn lực và có nhiều sự hiệp lực cho cộng đồng khởi nghiệp.”
Ngôi sao sáng nhất của thành phố này, Alibaba, cũng là một chất xúc tác khơi mào sự đổi mới sáng tạo và thu hút tài năng đến Hàng Châu. Alibaba có nhiều dự án hợp tác với các startup hoạt động tại những trung tâm khởi nghiệp của thành phố.
Chính phủ Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng với mục đích chính là thu hút tài năng và công nghệ đến Hàng Châu. Các công ty như Nokia hay Huawei đều đặt trung tâm nghiên cứu và phát triển trong Dream Town vì được miễn thuế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng. “Chúng tôi đầu tư vào nhiều trung tâm ươm ầm khởi nghiệp vì muốn tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra hiệu quả và giảm chi phí khởi nghiệp,” Bin Qiao – đại diện của cơ quan quản lý Dream Town nói.
– Theo The Strait Times