Nguyễn Hữu Hùng, Phó TGĐ Công ty TNHH Segis Việt Nam không chỉ khá nổi tiếng trong giới doanh nhân mà còn được biết đến như một nhà hoạt động văn hóa tích cực sau hai sự kiện “Rồng và Bướm” tổ chức tại Ý (2007, 2008).
“Rồng và Bướm” đã phần nào đem đến cho người dân Ý những hiểu biết rõ ràng hơn về văn hóa đương đại, đất nước Việt Nam, để từ đó, không ít doanh nhân đã bắt đầu để mắt đến thị trường này. Vì những đóng góp của mình, năm 2000, ông được Chính phủ Ý phong tước “Hiệp sĩ nước Cộng hòa Ý” – một tước hiệu cho người Ý và người nước ngoài có đóng góp vào nhiều lĩnh vực khác nhau: Văn hóa, thương mại, kinh tế, thể thao… Riêng ông còn có thêm lý do “góp phần tích cực phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Ý”. Trong năm nay, ông đã làm được hai việc khá quan trọng. Một là làm cầu nối cho việc ký kết Hiệp ước hợp tác giữa Cục Phát triển kinh tế của vùng Tusscany (Ý) và Cục xúc tiến Thương mại (VietTrade, thuộc Bộ Công thương Việt Nam); Hiệp ước hợp tác giữa phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Phòng thương mại Siena. Hiện, ông Nguyễn Hữu Hùng là Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Segis Việt Nam (chuyên sản xuất đồ nội thất tại Khu công nghiệp (KCN) Tam Phước, Đồng Nai) và Phó Giám đốc Công ty TNHH SD Metal (chuyên sản xuất các vật dụng bằng kim loại, KCN Tam Phước). Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những ngày đầu tiên ông quyết định về nước. Ông nói:
Tôi về Việt Nam trước hết là một nhu cầu tự thân, chứ không phải mục đích làm ăn. Cái này nằm sẵn trong mỗi người Việt Nam: Đi đâu thì đi, đến một giai đoạn nào đó vẫn muốn trở về nguồn cội. Sau nhiều năm xa xứ, trở lại quê nhà từ đầu thập niên 1990, tôi còn có thêm lý do nữa để về là quyết tâm trở thành cầu nối giữa Việt Nam và Ý. Tại sao ư? Những năm ở Việt Nam còn chiến tranh, Ý là nước tư bản duy nhất đã ủng hộ cuộc chiến tranh Việt Nam bằng nhiều hình thức. Có thể nói một cách không quá đáng là họ không chỉ ủng hộ nữa mà đã sống cùng Việt Nam, tham gia chống chiến tranh với cả trái tim của họ. Những năm 1970, tôi chứng kiến hàng trăm ngàn người Ý xuống đường cầm cờ đỏ sao vàng và cờ Giải phóng, tham gia như là cuộc chiến của chính họ. Tình cảm của họ đối với người Việt Nam khó tả lắm. Nhưng trong thời bình thì hợp tác mọi mặt kinh tế, thể thao, văn hóa, thương mại… đều rất yếu. Đối với nước Ý, thật tình đến tận bây giờ tôi vẫn cảm thấy mắc nợ vì họ đã cho tôi một nền giáo dục, tạo cơ hội cho tôi làm việc, giao tiếp. Ngoài tình cảm đặc biệt của Ý đối với Việt Nam, người dân Ý có nhiều nét giống người Việt Nam. Là một dân tộc châu Âu nhưng họ không bao giờ có thái độ tự cao, tự đại nhờ không bị ảnh hưởng của tư tưởng đi thuộc địa như Pháp, như Anh… Tôi chính thức về Hà Nội từ năm 1995.
____
Được biết, ông sinh ở Huế, học ở Sài Gòn, vậy tại sao ông lại chọn Hà Nội là nơi quay về?
Lần đầu tiên đi Hà Nội năm 1990, tôi lập tức có cảm tình đặc biệt với nơi này. Chọn Hà Nội cũng chính là một thử thách của tôi, bởi muốn khám phá ra một phần nữa của đất nước, nơi tôi chưa từng biết đến trước đây. Ngoài ra, tôi có thể học được nhiều điều từ người Hà Nội. Phải nói thật rằng, trước đây, người miền Trung, miền Nam từ trong sâu thẳm vẫn có một chút mặc cảm tự ti đối với văn hóa và phong cách của người Hà Nội. Họ cho rằng người Hà Nội quý phái, lễ phép, lịch sự. Và một điều nữa không phải là không quan trọng, đó là để cho chính bản thân mình hiểu được rằng tại sao miền Bắc lại chiến thắng được trong cuộc chiến, dù rằng, qua sự mô tả trong miền Nam, cuộc sống ở miền Bắc rất kham khổ.
Tôi về Việt Nam trước hết là một nhu cầu tự thân, đi đâu thì đi, đến một giai đoạn nào đó vẫn muốn trở về nguồn cội.
____
Ấn tượng đầu tiên của ông về Hà Nội lúc bấy giờ?
Rất… rất là thơ mộng, nhưng cũng rất buồn.
____
Ông bắt đầu công việc của mình như thế nào?
Công việc đầu tiên của tôi là tư vấn cho các phòng thương mại và thương gia Ý đầu tư vào Việt Nam, phổ biến sản phẩm vào Việt Nam.
____
Thưa ông, đầu tư của Ý vào Việt Nam hiện nay ở mức nào?
Ý đứng thứ 19 trong danh sách tổng số các nước đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ năm trong danh sách các nước châu Âu. Như vậy là còn hạn chế đối với khả năng của Ý, dẫu thời gian sau này có những đầu tư có nhiều ý nghĩa, chẳng hạn như trường hợp của Piaggio, đặt nhà máy tại Việt Nam để cung cấp sản phẩm cho thị trường các nước Đông Nam Á và có thể sẽ vươn tới cả Trung Quốc và Ấn Độ nữa. Có một tập đoàn lớn về máy tính cũng vừa đầu tư vào TP. Hồ Chí Minh. Một doanh nghiệp khác là Danieli, chuyên về sản xuất thép, đầu tư vào Vũng Tàu. Việc các công ty lớn ở Ý vào Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng bởi tính cách người Ý khá giống người Việt ở chỗ muốn nhìn thấy người khác làm trước đã, thấy thuận lợi thì sẽ làm theo chứ khó mà tự quyết. Thứ nữa là nền tảng kinh tế của Ý cũng giống Việt Nam, phần lớn là những công ty nhỏ và vừa, đa số là công ty gia đình. Đối với họ, đi đến một nước xa xôi, văn hóa khác, cuộc sống khác, phong tục khác và đặc biệt nhất là sinh ngữ – một hạn chế của người Ý… Khi Việt Nam bắt đầu đổi mới cũng là lúc Đông Âu thay đổi mạnh. Họ thích chọn hướng đi về Đông Âu hơn vì khoảng cách gần gũi, có khi đi ôtô chừng ba, bốn giờ đồng hồ là đến nơi, lối sống cũng gần gũi hơn và đa số những người Đông Âu biết tiếng Ý. Tôi cho rằng, thời điểm này,là lúc thích hợp cho Ý đặt nhiều quan tâm đến Việt Nam hơn, không những về kinh tế thương mại mà còn trong các lĩnh vực khác nữa. Đặc biệt vào thời gian vừa qua, sau các cuộc viếng thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, cùng với rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam tới Ý, thì sự quan tâm của các doanh nhân Ý đến nước ta được đẩy mạnh hơn. Cách đây hai năm, Phòng Thương mại Ý tại Việt Nam mà tôi là một trong các sáng lập viên đã chính thức được phép hoạt động với mục đích hỗ trợ các nhà đầu tư Ý đang hoạt động tại Việt Nam, đồng thời khuyến khích phát triển thương mại và đầu tư từ các doanh nghiệp Ý vào Việt Nam và giúp đỡ, tìm kiếm các đối tác thích hợp tại Ý cho các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đến thị trường này.
____
Trong công việc của mình ông có phải đi tìm người ta để thuyết phục hay người ta tìm đến ông?
Điều này xuất phát từ cả hai phía. Công việc chính của tôi là tư vấn về thương mại cho nên có sự liên hệ chặt chẽ với tòa đại sứ cũng như thương vụ Ý ở Việt Nam cũng như cũng các phòng thương mại ở Ý. Khác với Việt Nam, ở Ý mỗi tỉnh, mỗi vùng đều có một phòng thương mại riêng. Rất nhiều lần tôi tham gia các hội thảo liên vùng, liên tỉnh của Ý. Các doanh nghiệp Ý muốn đầu tư vào Việt Nam thì thường tìm hiểu qua đại sứ quán, các phòng thương vụ bên Ý hoặc liên hệ qua tôi. Nói chung là đi tìm nhau. Giai đoạn 2006 – 2007 tôi đã tư vấn thành công cho một công ty sản xuất đồ nội thất đầu tư vào KCN Đồng Nai, sau đó tôi cũng tham gia vào doanh nghiệp này với tư cách cổ đông. Cách nay một năm tôi cũng kêu gọi được một công ty nữa vào đầu tư.
____
Trong vai trò là nhà tư vấn đầu tư, ông thấy công việc khó khăn nhất đối với mình là gì?
Môi trường đầu tư Việt Nam có rất nhiều lợi thế, nhưng cũng có những cái rất bất cập. Vì mình muốn kêu gọi đầu tư, bao giờ mình cũng nhấn mạnh đến những lợi thế của mình hơn. Nhưng trong tận cùng, tôi cũng biết, đó chỉ là các lợi thế tức thời thôi, trong tương lai không còn nữa. Chẳng hạn một trong các lợi thế mình đưa ra là nhân công rẻ. Trong tương lai rất ngắn, hoặc là các nhân công các nước khác sẽ rẻ hơn hoặc đời sống ở Việt Nam khá lên, lợi thế ấy không còn nữa. Một lợi thế nữa là chính sách đầu tư của Chính phủ rất thoáng. Có thể nói Việt Nam là nước duy nhất trong vùng cho phép đầu tư 100% vốn nước ngoài; rồi lợi thế về thuế má (không phải đóng thuế trong 4, 5 năm đầu, sau đó lợi tức chỉ phải đóng 50%, nếu tái đầu tư, mở rộng sản xuất thì lại có những ưu đãi khác nữa). Các khu công nghiệp ở Việt Nam cũng được tổ chức tốt. Còn khó khăn lớn nhất là thủ tục hành chính còn rườm rà, mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Cơ sở hạ tầng thì rất đáng lo ngại, vấn đề thời gian, chuyên chở là rất quan trọng đối với các nhà sản xuất. Cty của tôi ở Đồng Nai, cách Sài Gòn có hơn ba chục cây số, cách đây dăm bảy năm, đi chỉ hết 45 phút, bây giờ có khi phải mất đến 2-3 giờ đồng hồ mới tới nơi. Cơ sở hạ tầng kém đã gây cản trở ghê gớm cho công việc, khiến nhiều khi hàng giao chậm, bị khách hàng phạt.
____
Lúc trước ông nói chọn Hà Nội là nơi định cư và bắt đầu công việc của mình bởi ông cho rằng đây là mảnh đất mới, do vậy nó sẽ có nhiều thử thách. Vậy đến giờ ông thấy thử thách ấy như thế nào? Có lớn hơn thử thách ở Sài Gòn – nơi ông có hai công ty trong đó?
Cho tới bây giờ, số người miền Bắc vào miền Nam làm việc nhiều hơn là ngược lại. Trước khi giải thích nguyên nhân tại sao thì tôi muốn nói đến đặc điểm chung của nhân công Việt Nam: Chăm chỉ, bẩm sinh khéo tay, trình độ hấp thụ những điều mới, sự học hỏi công nghệ mới rất nhanh. Nếu được đào tạo đúng đắn cộng với ý thức về công việc tốt thì tay nghề sẽ rất cao. Tuy nhiên, có sự khác biệt rõ ràng giữa hai nơi. Ở miền Bắc ý thức kỷ luật của công nhân thấp hơn, có thể họ nghĩ họ thông minh, họ muốn làm việc theo suy nghĩ của họ và có sĩ diện rất cao. Không ít trường hợp, dù họ là trụ cột kiếm sống ở gia đình, nhưng chỉ vì một lời nói nào đó của sếp, họ có thể nghỉ việc ngay. Trong mọi cuộc tranh luận, dù họ ở vị trí nào thì bao giờ câu nói cuối cùng cũng là của họ. Bên cạnh đó, trước đây có những công ty đầu tư vào miền Bắc nhưng lại không kiếm được nhà cung cấp phụ liệu – phần lớn nằm trong Nam… Do vậy, có thể nói khi quyết định ở Hà Nội, thử thách đối với tôi tăng gấp đôi. Cũng mừng là hiện nay đã có nhiều công ty lớn đầu tư vào miền Bắc: Toyota, Yamaha, SamSung, Piaggio… có thể là họ nhận ra một lợi thế nào đó. Việc các công ty lớn đầu tư vào miền Bắc sẽ kéo theo những công ty vệ tinh. Do vậy, khoảng cách về điều kiện làm việc ở miền Bắc và miền Nam hiện nay đã thu hẹp lại khá nhiều.
____
Ông quan niệm thế nào về văn hóa kinh doanh? Cạnh tranh là yếu tố không thể thiếu đối với mỗi doanh nghiệp, theo ông, làm thế nào để có một môi trường cạnh tranh lành mạnh?
Dù trong kinh doanh lớn hay nhỏ, với bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có sự tôn trọng với những đồng nghiệp của mình và phải biết tự trọng trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa và thời hạn hợp đồng với bạn hàng; làm những mặt hàng thật đặc biệt và phải có kế hoạch kinh doanh lâu dài và toàn cầu hóa; đặc biệt là phải có sự cạnh tranh lành mạnh. Làm tốt những điều đó có nghĩa là làm cho môi trường kinh doanh có văn hóa. Cạnh tranh lành mạnh có nghĩa là những người làm cùng ngành nghề phải có sự hỗ trợ lẫn nhau để thêm sức mạnh của mình bởi người ta vẫn nói “bàn tay không che hết mặt trời”. Ở ta hiện nay, ngoài một số biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh thông thường như “ăn cắp” mẫu mã; đua nhau giảm giá thành bằng cách giảm chất lượng sản phẩm (ngành giày dép là một ví dụ)… còn có những biểu hiện khác để lại di hại hơn nhiều: Đó là cổ đông trong công ty liên doanh tự tách ra làm riêng sau khi đã học được nhiều kinh nghiệm, thậm chí cả mẫu mã để làm riêng. Văn hóa kinh doanh là một trong những yếu tố rất quan trọng trong việc kêu gọi đầu tư, chúng ta phải tuyệt đối tránh đi vào vết xe của Trung Quốc khi họ để mất uy tín của mình khi không đủ sức bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài trước sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nhân địa phương.
____
Được biết, thông qua Đại sứ quán Ý ở Việt Nam, chính phủ Ý cũng tham gia rất nhiều hoạt động văn hóa ở Việt Nam như tham gia dự án tư vấn tôn tạo phố cổ Hà Nội, xuất bản sách, tổ chức biểu diễn nghệ thuật… Ông có nói là trong công việc của mình, ông luôn giữ quan hệ mật thiết với Đại sứ quán Ý, vậy ông có vai trò gì không trong những hoạt động ấy?
Vai trò chính thì không, nhưng những lúc họp với nhau, bao giờ chúng tôi cũng bàn với nhau những việc nên làm. Người Ý cũng có một đặc điểm nữa là làm gì thì cứ im lặng mà làm, không có đánh trống khua mõ. Ở Mỹ Sơn, Ý cũng có những đóng góp rất tích cực trong việc khôi phục và giữ gìn quần thể di tích này; Ý cũng đóng góp không biết bao nhiêu tiền để làm lại môi trường phá Tam Giang, kết hợp với Bệnh viện Trung ương Huế để hỗ trợ về y tế; Đóng góp ủng hộ đồng bào lũ lụt … Tôi luôn trao đổi một cách thẳng thắn với các ông đại sứ ở đây rằng trước khi nói đến chuyện về kinh tế, về thương mại thì nên để cho họ biết rất nhiều về mình qua các lĩnh vực khác dễ gần và là thế mạnh của Ý, chẳng hạn như văn hóa, thể thao… Muốn phổ biến những cái đó thì phải thông qua sinh ngữ. Đó cũng là lý do để phân khoa tiếng Ý ra đời cách nay chừng 3, 4 năm ở Trường Đại học Hà Nội. Hiện nay, Ý cũng có rất nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học ngoại ngữ, đại học và cao học tại Ý.
Trước khi nói đến chuyện về kinh tế, về thương mại thì nên để cho họ biết rất nhiều về mình qua các lĩnh vực khác dễ gần chẳng hạn như văn hóa, thể thao…
Vâng, văn hóa là con đường ngắn nhất để hiểu nhau. Nhiều người thích cách anh quảng bá văn hóa Việt Nam qua mỹ thuật, thời trang… như ở “Rồng và Bướm”, giúp người Ý thêm một góc nhìn rõ ràng, dễ hiểu và gần gụi, thiết thực hơn về đời sống văn hóa đương đại, thay vì những nét văn hóa cổ truyền khác như cái cách mà các cơ quan quản lý văn hóa ở ta hay làm…
Nói về văn hóa rất khó. Bản thân tôi, không phải đối với loại hình nghệ thuật nào cũng đủ trình độ để tiếp thu. Tôi nói ca trù chẳng hạn, ngay cả người Việt, không phải ai cũng hiểu, cũng thích, huống gì là người nước ngoài. Do vậy, nếu có giới thiệu ca trù ra nước ngoài thì có thể họ cũng thấy lạ lạ, hay hay, nhưng rất khó thấm vào tình cảm hoặc để lại ấn tượng trong lòng họ được. Trong khi đó, hội họa, nhiếp ảnh hay ẩm thực dễ tạo được ấn tượng hơn. Ở “Rồng và Bướm” năm 2007, tôi mời bốn nhiếp ảnh gia gồm Nguyễn Hải Đông, Hoàng Xuân Lãm, Dương Minh Long và Long Thành tham gia. Năm 2008, phối hợp với Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, chúng tôi mở một phòng tranh khá bề thế ở Palace Vittoriano (ngay cạnh Tòa Thị chính thành phố Roma), trưng bày tranh của một số họa sĩ đương đại của Việt Nam như Đỗ Quang Em, Cao Trọng Thiêm, Quách Đông Phương, Thành Chương, Phan Cẩm Thượng, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình, Phạm Phương Việt, Đặng Xuân Hòa, Đinh Quân… Triển lãm trưng bày liền một tháng và thu hút nhiều người đến xem. Bên cạnh triển lãm là phần giới thiệu, trình diễn thời trang của nhà thiết kế Minh Hạnh. Tôi được biết, sau cuộc triển lãm, một số họa sĩ trong nước đã có quan hệ với giới hội họa ở Ý, cũng như chị Minh Hạnh đã được một đài truyền hình ở Ý mời sang làm chương trình giới thiệu áo dài nói riêng và thời trang Việt nói chung…
____
Vậy, đến bao giờ thì “Rồng và Bướm” xuất hiện lần thứ ba, thưa ông?
Sau lần hai có sự thay đổi về thể chế chính trị ở Ý nên chưa có cơ hội tiếp tục tổ chức để quảng bá văn hóa Việt Nam với người Ý. Cũng phải nói rõ thế này, cả hai lần tổ chức trước, tôi đều xin được tài trợ của Chính phủ Ý cũng như chính quyền thành phố Roma (tổng cộng gần 1 triệu euro). Nhờ vậy, nhà nước ta không tốn một xu. Có lẽ phải đợi thôi… Tuy nhiên, hiện tại, gia đình tôi có công ty du lịch riêng. Hằng năm, vợ tôi vẫn tự bỏ tiền, thuê một gian hàng ở Hội chợ du lịch của Ý để giúp người dân nước này tìm hiểu về đất nước-con người Việt Nam. Thế hệ người Ý trước đây thân thiết với Việt Nam là vậy, nhưng các thế hệ gần đây hầu như biết rất ít về Việt Nam. Bây giờ còn đỡ, cách đây 4, 5 năm, nhiều người khi ghé gian hàng Việt Nam ở hội chợ du lịch đã tỏ ý nghi ngờ: “Việt Nam đã thay đổi như thế này thật sao?”; “Việt Nam có còn nguy hiểm không?”; “Đi miền Nam có được đi miền Bắc không?”; “Có bánh mì để ăn không?”. Trái lại cũng có người lại như tìm thấy tri kỷ: “Tôi phải đến Việt Nam”…