Môi trường sống của con người đang thay đổi hằng ngày và thế giới vẫn đang phải đối mặt với sự biến đổi đó, dù quốc gia này có thể bị ảnh hưởng dữ dội, còn quốc gia khác ít chịu tác động hơn, nhờ vào vị trí địa lý, văn hóa sống hay sự nỗ lực của chính quyền và người dân. Ở Việt Nam, môi trường sống tự nhiên, xã hội sẽ biến đổi như thế nào và chúng ta có làm gì nhằm thay đổi quá trình đó hay không?
Để xem xét vấn đề một cách thấu đáo, tọa đàm Xuân của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần tại Press Café có năm khách mời – chuyên gia am hiểu về vấn đề này. Đó là GS.TS khoa học Lê Huy Bá – Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ và Quản lý môi trường; bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, cây viết thường xuyên trên trang Sức khỏe của báo; ông Lương Văn Lý, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh, hiện là Tổng giám đốc Công ty Đại Nam Long; cùng hai chuyên gia của báo – ông Huỳnh Bửu Sơn và ông Phan Chánh Dưỡng.
Môi trường tự nhiên – những hồi chuông cảnh báo. Cò từ thôn quê “bay” ra thành thị
“Môi trường sống của nước ta đang biến đổi như thế nào?” là đề tài được ông Phan Chánh Dưỡng ấp ủ. Từ thông tin cách đây vài năm, rằng Việt Nam nằm trong top 10 những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, ông Dưỡng bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về môi trường. Càng tìm hiểu, ông càng thấy vấn đề rất nghiêm trọng: “Không chỉ thuộc top 10, Việt Nam còn là nước đứng đầu! Chỉ cần nước biển dâng lên một mét thôi, sự thay đổi môi trường tự nhiên khiến chúng ta phải giật mình. Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị thiệt hại nặng nhất, nước ngọt khan hiếm, cơ cấu cây trồng và vật nuôi thay đổi, cuộc sống con người bị đảo lộn”. Dừng lại một chút, ông Dưỡng bỗng quay sang ông Lê Huy Bá: “Tôi nghe nói ở miền Trung hiện có đến mấy trăm nhà máy thủy điện, một con số quá lớn. Nên muốn hỏi anh Bá rằng, điều này có tổn hại gì đến môi trường không?”. GS Lê Huy Bá suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Chúng ta vẫn thường nói đồng bào dân tộc thiểu số sống du canh du cư đốt rừng làm rẫy, tổn hại đến môi trường, nhưng thật ra không thấm vào đâu so với người miền xuôi đưa cưa máy lên chặt phá rừng lấy gỗ. Để trả lời câu hỏi của anh Dưỡng, số liệu thống kê cho thấy có 750 ngàn hecta rừng nước ta bị phủ mặt nước vì thủy điện. Cả nước có khoảng 320 nhà máy thủy điện, đa phần công suất nhỏ, dưới 50MW. Nếu nhà máy công suất 50MW trở lên, chủ đầu tư phải xin phép Trung ương, sẽ bị kiểm soát chặt chẽ trong việc đánh giá tác động của công trình đối với môi trường, nên người ta tập trung vào làm thủy điện nhỏ, tìm cách để được cấp tỉnh “thông qua”. Tác hại do những công trình thủy điện nhỏ này đã rõ ràng, mà chuyện hạ lưu bị ngập do nhà máy thủy điện xả lũ là một dẫn chứng. Nguy hiểm hơn là sự thay đổi dòng chảy tự nhiên của các con sông. Như sông Đồng Nai có tám bậc thềm thì ở mỗi bậc thềm người ta chặn lại bằng vài ba nhà máy thủy điện. Khi môi trường thiên nhiên bị biến đổi quá mức như thế, tai họa sẽ đến, mà đợt lũ quét xảy ra cả ở vùng ven biển là minh chứng. Chúng ta đã không quy hoạch và kiểm soát các nhà máy thủy điện hợp lý, khiến bên cạnh ích lợi về điện năng, chúng còn có thể gây hại đến môi trường”.
Sự tác động của con người vào thiên nhiên làm thay đổi môi trường sống của nhiều loài sinh vật, khiến chúng phải biến đổi để thích nghi. Ông Dưỡng tiếp tục: “Xưa ở Cà Mau quê tôi và nhiều miền quê khác của đất nước, sân chim, trảng cò (nơi các loài chim tập trung sinh sống tự nhiên) nhiều vô kể, cách nhà tôi vài trăm mét đã gặp trảng cò mênh mông. Nay thì cò vắng bóng ở thôn quê. Chúng đi đâu? Môi trường sống thay đổi, chúng đã từ quê bay lên thành phố, có mặt trong mọi ngóc ngách, hóa thân thành đủ loại, cò đất cò nhà, cò bệnh viện, cò trường học, cò ở các cơ quan hành chính…”.
Đó là nói vui, còn thực tế, theo bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, sinh vật có thể thay đổi cho phù hợp với môi trường sống. Từ ngày con người tạo ra kháng sinh, phun thuốc tiêu diệt côn trùng, mới nảy sinh ra những loại vi sinh vật kháng thuốc. Chúng ta phải đối phó với những virus ngày càng nguy hiểm hơn như H5N1, H1N1… và có khi phải bó tay. Có lẽ con người phải thay đổi cách thức đối phó, tập thích nghi với môi trường mới, bệnh tật mới, vi khuẩn mới. Chứ cứ luôn đối kháng, tiêu diệt chúng thì sẽ tiếp diễn cảnh virus này diệt vong lập tức có virus khác nguy hiểm hơn thay thế.
Ông Huỳnh Bửu Sơn nhận xét rằng cách cư xử của con người đối với thiên nhiên khác hẳn các sinh vật khác trên hành tinh xanh. Trong khi các sinh vật khác tồn tại bằng cách thích nghi với môi trường thiên nhiên, thì con người lại hủy diệt môi trường thiên nhiên để sống. Trong vòng vài trăm năm, chúng ta đã đốt cháy gần hết năng lượng hóa thạch tích tụ từ hàng trăm triệu năm để thắp sáng nền văn minh và nếu theo đà này toàn bộ lịch sử làm chủ địa cầu của nhân loại chỉ là phân số nhỏ bé so với lịch sử hàng trăm triệu năm của loài khủng long. Nhưng con người rất kiêu căng, cho rằng chắc chắn họ có thể tìm ra công nghệ mới để khai thác năng lượng của Thái dương hệ và của Ngân hà trước khi nguồn năng lượng của trái đất cạn kiệt. Ông Sơn hình tượng hóa: “Điều này cũng giống như một người đeo bình dưỡng khí lặn xuống biển mò trai lấy ngọc, không biết dưỡng khí có hết trước khi đem được con trai lên bờ hay không. Trong giai đoạn “mua thời gian” này, con người đang giành giật các nguồn năng lượng rất quyết liệt và sử dụng chúng hoang phí, gây ra tổn hại lớn cho môi trường thiên nhiên và môi trường sống. Biến đổi khí hậu một phần cũng do những hành động vô trách nhiệm này. Cần biết rằng từ nay,mỗi nước đều có trách nhiệm với nhân loại trong việc sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực thiên nhiên và con người. Chúng ta không có quyền lãng phí dù cho các nguồn lực đó thuộc về quốc gia mình. Chẳng hạn đối với nguồn nhân lực, không tổ chức được một hệ thống giáo dục – đào tạo tốt là một sự phí phạm tài nguyên đáng trách”.
Bảo vệ môi trường là kiểm soát được sự thích nghi. Phải biết đi tắt đón đầu! Chuyện Phú Mỹ Hưng
Theo ông Lương Văn Lý, môi trường người ta kêu gọi bảo vệ chính là môi trườngmà con người từng cảm thấy thoải mái khi sống trong đó, trước khi chúng có thể bị phá vỡ hoặc thay đổi. Bảo vệ không phải là chống lại sự thích nghi của con người, mà là kiểm soát được sự thích nghi đó, nhằm bảo vệ mình. Ông Lý nói: “Từ hàng chục năm nay, các nước tiên tiến đã đưa ra những biện pháp để bảo vệ môi trường và điều quan trọng là họ biết mình phải bảo vệ cái gì. Ví như tìm về nguồn cội, gìn giữ di sản văn hóa… Một số nước châu Âu không cho phép phụ nữ theo đạo Hồi mang mạng che mặt nơi công cộng, chính là vì không muốn những yếu tố đó đe dọa môi trường sống vốn có của họ. Người ta biết vì sao phải bảo vệ dòng sông, cánh rừng này, công trình lịch sử – văn hóa kia và bảo vệ bằng cách nào. Còn chúng ta đôi khi không biết mình đang bảo vệ cái gì. Cứ nói rằng phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà có nhiều di tích lịch sử bị xâm hại, hay bị đập đi xây lại một cách không giống ai, vậy thì giữ gìn ở chỗ nào? Ai cũng nói là phải bảo vệ môi trường, nhưng tôi e rằng một phần nói theo xu thế chung, một phần để đối phó với những tình huống cấp bách – như vụ Vedan – mà thôi”.
Trong việc bảo vệ môi trường, ông Lý nhấn mạnh, cũng phải có sự đi tắt đón đầu: “Khi Hà Lan bắt đầu “sống chung với biển”, phá đê bao để xây nhà cửa, thành phố trên biển, thì TP. Hồ Chí Minh lại học họ cách làm đê bao. Sao không tính đến việc sống, ăn ở, đi lại, nuôi trồng… để sống chung với nước ngập? Theo tôi, chúng ta nên tập trung vào công nghệ sinh học, chứ không phải phần cứng phần mềm để rồi lẽo đẽo theo đuôi người ta. Công nghệ sinh học sẽ giúp thay đổi giống cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sinh vật mới thích nghi với biến đổi khí hậu”.
Ông Sơn và ông Dưỡng đồng tình với quan điểm này, trong khi ông Ngọc và ông Bá lưu ý phải thận trọng với công nghệ biến đổi gien. Bác sĩ Ngọc cho biết trong các siêu thị đã xuất hiện các loại thực phẩm biến đổi gien, nhưng người ta chưa thể biết chúng có sinh ra những bệnh mới nguy hiểm hay không, nên các nước châu Âu hiện kiểm soát chúng rất chặt chẽ. Ông Bá kể: “Cách đây khoảng 15 năm, tôi có tham gia buổi hội thảo đầu tiên về công nghệ biến đổi gien. Dù Nhà nước đã đồng tình với việc này, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, bởi đúng như anh Ngọc nói, có sao thì các nước châu Âu mới hạn chế chúng”. Riêng chuyện đắp đê chống ngập ở TP. Hồ Chí Minh, ý kiến của ông Bá là: “Theo tôi, đắp đê không hẳn đã phù hợp. Chi phí ước tính là 110 ngàn tỉ đồng cho ba vòng đê, nhưng đắp như thế nào, lấy đất đâu mà đắp và đắp đê xong liệu có chống ngập được không?”. Nói về những tác nhân gây ngập, ông Bá nêu cái tên Phú Mỹ Hưng: “Trước kia, nơi đó chính là hồ điều hòa nước tự nhiên, sau khi người ta đổ bao nhiêu đất vào, thì nước phải tràn vào thành phố. Hướng chảy chính của thành phố là Tây Bắc – Đông Nam, qua quận 7 – Phú Mỹ Hưng bị chặn lại, như những con đê giữ không cho nước ra, khiến thủy triều vốn hiền lành trở thành hung dữ, xô vào đâu là gây vỡ, ngập đến đó”.
Nguyên là đại diện phía Việt Nam của Công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, nên khó ai rành về công trình này hơn ông Phan Chánh Dưỡng. Về điều ông Bá “kết tội”, ông Dưỡng cho biết: “Tổng số đất của Phú Mỹ Hưng là 409ha, chiếm chưa tới 5% diện tích khu vực Nhà Bè và khi xây dựng người ta đã tính đến vấn đề môi trường. Chẳng hạn, con đường Nguyễn Văn Linh có 17km thôi mà có đến 14 cầu cống, khi xây dựng người ta không lấp đi bất cứ khúc sông nào, không những thế trong quy hoạch được duyệt còn đào thêm một con sông làm cảnh quan nữa (đề án quy hoạch khu đô thị Nam TP. Hồ Chí Minh 2.600ha). Vậy nên, theo tôi, thủ phạm gây hại cho môi trường thành phố như anh Bá nói chính là không làm theo quy hoạch đã được duyệt và không quản lý được những đơn vị ăn theo khu đô thị Phú Mỹ Hưng dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh và vùng lân cận. Sau khi Phú Mỹ Hưng thành công, giá trị đất đai xung quanh tăng vọt, người ta đổ xô vào, lấp hồ, lấp sông, chẳng hề quan tâm đến quy hoạch hay bảo vệ môi trường gì cả”.
Môi trường xã hội – những vấn đề nổi cộm. Sân chơi công bằng trong kinh doanh
Dĩ nhiên, môi trường sống không chỉ là môi trường thiên nhiên mà bao gồm cả môi trường xã hội, giáo dục, kinh doanh,… Theo ông Dưỡng, chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nổi cộm, ngay như lĩnh vực sức khỏe, nếu như trước kia con người sống trong môi trường thiếu protein nên nói đến sống nghĩa là phải ăn, ăn đồng nghĩa với ăn đồ bổ béo, thì nay người ta quan tâm đến ăn gì cho khỏe. Bởi thời kỳ “ăn đồ bổ béo” vừa qua khiến sinh ra biết bao bệnh tật liên quan đến dư thừa protein. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc bổ sung thêm rằng ở Mỹ – nơi sản xuất ra fast-food đầu tiên, người ta cũng không khuyến khích loại thực phẩm ít chất bổ dưỡng mà nhiều calori ấy, vì đó là nguyên nhân chính của những bệnh lý toàn cầu – tim mạch, tiểu đường, huyết áp…
Về môi trường xã hội, theo ông Dưỡng, còn có sự bất hợp lý trong việc phân phối, trong khi môi trường giáo dục xuống cấp trầm trọng. Có người không muốn cho con theo học ở trong nước vì nhiều lý do, trong đó có lý do môi trường an ninh tại trường, con mình hiền lành cũng bị đánh, học giỏi cũng bị đánh, bảo mẫu đánh, thầy cô đánh, bạn đánh (theo những gì báo chí đã đưa)… Để rồi dù đủ sức hay không, nhiều người cố gắng cho con du học để thoát khỏi môi trường đó. Lý giải cho sự xuống cấp đạo đức của một bộ phận trong xã hội, ông Dưỡng cho rằng đang tồn tại một thực tế là nhu cầu tiêu dùng lớn hơn năng suất lao động. Đại bộ phận hàng hóa chúng ta tiêu dùng – điện thoại, vi tính, xe hơi, máy móc… – không phải do trong nước làm ra, mà nhờ tiến trình toàn cầu hóa đem lại. Có những người nhìn người khác đi xe hơi trong khi mình đi xe đạp thì thấy sao thiệt thòi quá, có lẽ mình đang bị đối xử bất công mới không có được mức sống cao như vậy. Họ không tự hỏi xem mình đã tạo ra của cải gì cho xã hội, mà chỉ so bì sao được hưởng thụ ít hơn người khác. Từ tâm lý ấy, người ta dễ nảy sinh tội ác trong tư duy, rồi chuyển thành hành động. Ông Lê Huy Bá tiếp ý: “Ngày xưa miếng đất chung giữa hai nhà chẳng bao giờ phải rào giậu, nay giá đất tăng, tranh chấp xảy ra, có khi anh em, cha con còn đánh nhau, kiện cáo vì đất. Môi trường xã hội không còn như xưa, truyền thống đạo đức mất dần. Tính nhân văn của con người cũng bị méo mó trong điều kiện môi trường tự nhiên bị thay đổi. Xưa người ta tử tế với nhau hơn, nếu có va chạm cũng hành xử nhẹ nhàng; giờ ra đường kẹt xe thường xuyên, lỡ va quệt là chửi, đánh nhau… Môi trường đô thị bị đảo lộn, thành phố thích hợp với vài ba triệu dân mà phải chứa gần mười triệu người, chen chúc, kéo theo hàng loạt vấn đề. Môi trường giáo dục thì rất đáng báo động, không theo kịp những tiến bộ và tinh hoa của thế giới”.
Để đạt được những mục tiêu tăng trưởng, người làm ăn mong muốn được sống trong một môi trường kinh doanh lành mạnh. Môi trường ấy của nước ta đang và sẽ như thế nào? Ông Huỳnh Bửu Sơn cho biết, các sân chơi lúc đầu không thể tự ngang bằng vì mỗi doanh nghiệp có thế mạnh khác nhau, nhưng luật pháp phải làm cho sân chơi ấy ngang bằng hơn nhằm phát huy tính cạnh tranh lành mạnh.
Từng là một người trong bộ máy nhà nước và hiện là một chủ doanh nghiệp, nên ông Lương Văn Lý có một cái nhìn tổng thể về vấn đề này: “Môi trường kinh doanh đang bị ô nhiễm chủ yếu là do tình trạng mất cân đối rất quen thuộc nhưng chưa khắc phục được, như giữa dịch vụ và sản xuất, giữa đầu tư mới và hiệu quả của các công trình đầu tư hiện hữu, giữa kế hoạch đề ra và kết quả thực hiện, giữa hiệu quả kinh doanh và sự đầu cơ, v.v… Sự mất cân đối này, ngoài thiệt hại kinh tế trực tiếp do chúng gây ra, còn tạo điều kiện và môi sinh để các nhân tố phi kinh tế phát huy và ngày càng làm sai lệch dòng chảy bình thường của nền kinh tế, gây ra những hậu quả còn lớn hơn về lâu dài. Chẳng hạn, khi sự cạnh tranh không mang đúng nghĩa của nó, thì nhiều người kinh doanh không còn dựa trên năng lực hay nguồn vốn có thể huy động, mà dựa vào những cái khác để thành công”.
Cải tạo và thích nghi với môi trường sống. Những “bài thuốc”. Tìm hạnh phúc trong chính bản thân mình
Cái đích của buổi tọa đàm không chỉ là nhận diện những điều đang ảnh hưởng đến môi trường sống của chúng ta, mà còn mong muốn đưa ra vài gợi ý cho bài toán thích nghi với môi trường sống, cải tạo chúng để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Theo ông Lê Huy Bá, việc cần làm là phải có một quy hoạch tổng thể và chi tiết, trong đó lồng ghép môi trường tự nhiên, nhân văn, kinh tế… trong một thể thống nhất. Ngay trong môi trường tự nhiên, khi quy hoạch làm điện, nước, đường sá cũng phải có sự phối hợp đồng bộ. Biết cân bằng lợi ích cá nhân với tập thể, lợi ích quốc gia với toàn cầu, đồng thời phải vận dụng kỹ thuật mới để quản lý môi trường, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo,… đều là những điều nên thực hiện ngay.
“Đối với môi trường sống, con người thường có hai thái độ ứng xử, thích nghi với nó hoặc cải tạo nó để buộc nó thích nghi với mình”, ông Huỳnh Bửu Sơn lên tiếng. “Với thiên nhiên, chúng ta nên ưu tiên cho việc thích nghi, còn với các môi trường do con người tạo ra (văn hóa, xã hội, kinh doanh, giáo dục…), chúng ta phải liên tục cải thiện chúng vì cái Thiện, vì sự tiến bộ. Thái độ thích nghi đơn thuần với môi trường do con người tạo ra thường là thụ động và thiếu trách nhiệm”. Riêng với môi trường kinh doanh, để cải tạo tình trạng ô nhiễm, theo ông Lương Văn Lý, bài thuốc không có gì đặc biệt, cả thế giới vẫn làm. Vấn đề là làm thế nào áp dụng trong hoàn cảnh mà chúng ta thường gọi (chủ yếu để biện minh cho sự trì trệ của bản thân) là “đặc thù Việt Nam”. Bài thuốc ấy là: luật pháp, chiến lược phát triển, sự minh bạch và Người cầm chịch. Trong bốn “vị thuốc” vừa kể, Người cầm chịch phải viết hoa vì là vị thuốc quyết định. Ông Lý ý nhị: “Nghe không thời thượng lắm khi xu thế là nâng cao vai trò của doanh nhân. Nhưng nếu nói về môi trường kinh doanh, doanh nhân ví như cá trong dòng sông. Sông như hiện nay thì doanh nhân – cá chỉ có thể phơi bụng hoặc giỏi lắm là ngáp ngáp thôi, chưa làm được gì ghê gớm cả”.
Lắng nghe mọi người bàn thảo, cuối buổi tọa đàm, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc mới trở lại. Ông hóm hỉnh: “Tôi thấy trái đất nóng lên đã làm thay đổi cấu trúc sinh học và tập tính của các giống loài sinh vật trong đó có con người. Không phải bỗng dưng mà bây giờ người ta thích cởi quần áo ở chỗ đám đông. Các sinh vật trở nên hung hăng, virus biến thể, gia tăng độc lực, voi xuống đồng quật chết người… Rồi sự vô sinh, tuyệt chủng, cá đực đang biến thành cá cái… Đã thấy xuất hiện ngân hàng tinh trùng, rao bán trứng trên mạng. Một “nhà” cung cấp tinh trùng sẽ trở thành “cha” của vô số đứa con và sau này các trường hợp hôn phối đồng huyết thống sẽ phát triển không thể kiểm soát được, từ đó, sự chọn lọc tự nhiên sẽ hủy diệt con người qua các loại bệnh tật di truyền. Anh Sơn đã nhắc đến sự hủy diệt của giống khủng long. Chẳng lẽ con người rồi sẽ đi vào vết xe đổ đó? Tôi tin là không. Bởi con người có vẻ thông minh hơn, sẽ biết tự điều chỉnh. Hiện nay ở các nước phát triển, người ta tìm thấy hạnh phúc không phải ở sự phủ phê vật chất, mà lạ thay, hạnh phúc rất đơn sơ. Họ nhận ra bữa ăn và lối sống thanh đạm thì tốt hơn cho sức khỏe, nên bỏ thành thị về thôn quê trồng trọt, sinh sống và tìm thấy hạnh phúc. Phát hiện được điều này, ai cũng có thể tủm tỉm cười một mình. Điều quan trọng là mỗi người phải tự khám phá chính mình, để tìm thấy cái hạnh phúc bên trong đó mà tự điều chỉnh và đóng góp cho sự biến chuyển xã hội theo chiều hướng tích cực”.
Ông Ngọc gợi ý: “Một đất nước như Bhutan đã có thể định ra những chính sách xã hội mang lại hạnh phúc cho toàn dân bằng những biện pháp bảo vệ môi trường sống, gồm cả môi trường thiên nhiên và xã hội rất đáng để học tập. Chạy đua với phát triển kinh tế với bất cứ giá nào để rồi có một xã hội tràn ngập tâm thần, vô sinh, bạo lực… thì thật đáng tiếc! Nhận ra điều đó rồi, bây giờ thực hiện thế nào là trách nhiệm của mỗi chúng ta”.
Vâng, nhân ngày Xuân đến, mong rằng mỗi chúng ta đều có thể “tủm tỉm cười một mình”, hài lòng và hạnh phúc, đồng tâm cải tạo môi trường sống, để cảm thấy cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Đó cũng chính là mong ước đầu năm của những người làm báo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần.