Ông Nguyễn Hữu Thọ, Tổng giám đốc Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigon Tourist) là một trong 100 nhân vật kết nối vì sự phát triển của đất nước theo bình chọn của Thời báo Kinh tế Sài Gòn. Saigon Tourist là một thương hiệu hàng đầu của du lịch Việt Nam. Trong số hơn 100 tập đoàn và tổng công ty do Nhà nước trực tiếp quản lý, Saigon Tourist có lẽ là một trường hợp khá hiếm hoi, duy trì được nhịp độ tăng trưởng cao, kể cả trong giai đoạn nhiều đơn vị vật lộn trong cuộc khủng hoảng tài chính. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn ổn định ở mức 24%, lãi gộp trên doanh thu đạt 30%, còn lợi nhuận trước thuế trên vốn khoảng 24%.
Xuất thân trong một gia đình cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ tham gia phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn từ năm 16 tuổi. Sau 30-4-1975, ông quay lại giảng đường, tiếp tục việc học, rồi về làm việc tại Sở Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra vào một buổi chiều cuối năm, bắt đầu từ thời điểm ông rẽ ngang sang du lịch:
Việc tôi chuyển sang làm du lịch là cơ duyên. Năm 1988, anh Ba Đầy, nguyên chủ tịch quận 1, được bổ nhiệm làm giám đốc Công ty Du lịch TP. Hồ Chí Minh (tiền thân của Saigon Tourist) thay ông Quyền Sinh ra Hà Nội làm Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Cùng tham gia phong trào từ trước năm 1975, lại có thời gian học chung với nhau hai năm (1981-1983) ở Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh – PV), anh Ba Đầy rủ tôi, lúc đó đang là Bí thư Đảng ủy Liên hiệp Điện cơ thuộc Sở Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, về làm chung. Tôi còn nhớ khi bàn giao công việc để rời nhiệm sở, chú Quyền Sinh nói: “Ba Đầy ơi Ba Đầy, ráng làm được 2 triệu USD (doanh thu), sẽ có thưởng”. Thời điểm đó, đấy là con số đáng mơ ước vì so với nhiều đơn vị cùng ngành, công ty ra đời muộn hơn, đội ngũ nhấn sự cũng còn mỏng.
—
Là tay ngang, ông xoay xở với công tác quản lý như thế nào?
Kinh nghiệm quản lý tôi đã tích lũy được trong thời gian làm việc ở cơ quan cũ. Vấn đề còn lại là kiến thức chuyên môn. Cái gì chưa biết thì học. Nói chung, tôi làm cái gì cũng say mê. Càng say mê thì càng học được nhiều. Tôi có tham dự một khóa đào tạo về quản lý nhà hàng khách sạn tại Đức. Tôi cho rằng làm du dịch không khó, nhưng phải chịu khó. Khi làm giám đốc Khách sạn Kim Đô, thành viên của Saigon Tourist, tôi thường đến cơ quan khá sớm để tranh thủ quan sát.
Nhận thấy khách nào không vừa lòng là mình lập tức đến hỏi thăm, nói lời xin lỗi. Khi mình bày tỏ thái độ quan tâm, cầu thị thì khách cũng dễ tha thứ. Đương nhiên, cũng có khi sự khó chịu của khách xuất phát từ vấn đề cá nhân nhưng phần lớn trường hợp là do lỗi nhân viên của mình. Có lẽ cũng nhờ dồn hết tâm trí cho công việc mà tôi rèn luyện được sự mẫn cảm. Trong nhiều trường hợp, sự mẫn cảm mách bảo mình những chỗ bất ổn trong khách sạn và sửa chữa kịp thời những trục trặc.
Có lẽ cũng nhờ dồn hết tâm trí cho công việc mà tôi rèn luyện được sự mẫn cảm.
—
Năm 2008, khủng hoảng tài chính xảy ra, khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, Saigon Tourist vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng ấn tượng. Đó cũng là nhờ sự mẫn cảm của người thuyền trưởng?
Từ năm 2007, tôi đã dự đoán khả năng sẽ xảy ra khủng hoảng. Nhờ vậy, chúng tôi kiểm soát được tình hình, có kế hoạch dành dụm để chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn. Cho nên dù đơn vị thành viên khan hiếm ngoại tệ hay nội tệ thì tổng công ty đều có thể tự cung ứng, tránh tình trạng mua ngoại tệ ở thị trường chợ đen. Thêm nữa, mặc dù cũng đầu tư đa ngành nhưng hai hoạt động cốt lõi gồm khách sạn và lữ hành vẫn tăng trưởng, chiếm khoảng 93% doanh thu.
—
Người ta vẫn nói rằng Việt Nam có tiềm năng phát triển du lịch. Là một người có nhiều năm kinh nghiệm với ngành công nghiệp không khói này, theo ông, tiềm năng phát triển du lịch của chúng ta đang ở mức nào?
Cần xác định rằng du lịch phát triển dựa trên tiềm năng, gồm phần mềm và phần cứng. Về phần mềm, Việt Nam được biết đến là một dân tộc hiếu khách, vui vẻ. Nói như học giả Nguyễn Văn Vĩnh là “gì cũng cười”. Tôi vận dụng vào Saigon Tourist, yêu cầu nhân viên phải mỉm cười khi gặp khách hàng (chương trình Nụ cười Saigon Tourist – PV).
—
Thế nhưng nhiều người vẫn nhớ câu chuyện đã trở thành giai thoại là ông từng ra lệnh bắt trói một khách nước ngoài khi còn là giám đốc Khách sạn Kim Đô, một đơn vị thành viên của Saigon Tourist?
Chuyện đó là có thật. Vị khách đó là đại diện của một công ty nước ngoài, ngày nào cũng nhậu nhẹt ở ngoài rồi trở về khách sạn trong tình trạng say xỉn, quậy phá um sùm. Tôi cho camera ghi hình, rồi bắt trói giao cho công an phường. Ngày hôm sau họp giao ban, anh Ba Đầy rầy tôi, nói công ty của vị khách đánh điện qua, yêu cầu giải thích tại sao bắt trói người đại diện của họ. Sau khi nghe tôi trình bày đầu đuôi câu chuyện, anh Ba Đầy dịu lại. Và tôi cũng xác định với anh là dù làm du lịch cũng vẫn phải giữ tính chất chủ quyền của mình. Ít ngày sau, hai vợ chồng chủ công ty nọ bay qua Việt Nam, đề nghị làm việc trực tiếp với tôi.
Vừa ngồi vô bàn là họ lớn tiếng nạt tôi liền. Tôi bình tĩnh cho họ xem toàn bộ băng ghi hình, đồng thời khuyên họ không nên giữ người đại diện này ở lại Việt Nam cũng như tại bất kỳ quốc gia nào bởi chỉ làm hình ảnh công ty của họ xấu đi. Còn việc giao cho công an sở tại là bởi chúng tôi không có chức năng giam giữ. Nghe đến đây thì hai vợ chồng lập tức thay đổi thái độ, cảm ơn rối rít vì mình đã bảo vệ hình ảnh của công ty họ. Nói chung, làm du lịch rèn giũa cho tôi sự điềm đạm.
Về phần cứng, chúng ta có những vùng núi cao với khí hậu lạnh kiểu châu Âu như Sa Pa, Đà Lạt, Bà Nà… Bên cạnh đó là 3.200km bờ biển, dù bãi biển xấu nhất thì vẫn có cát, yếu tố vô cùng quan trọng để phát triển du lịch biển. Tôi đã từng đề xuất phương án con đường du lịch ven biển vì các tỉnh, thành ven biển có thể kết nối với nhau bằng đường bộ. Gần đây, có một hội thảo cũng đặt lại quan điểm này, nhưng đặt vấn đề xây dựng một con đường xa lộ ven biển. Làm như vậy vừa lãng phí, vừa không cần thiết bởi những người di chuyển trên con đường ven biển chủ yếu là khách du lịch, di chuyển chậm để thưởng thức cảnh quan.
Đấy là chưa kể hệ thống rừng ngập mặn mà trên thế giới cũng không nhiều nước được thiên nhiên ưu đãi. Ngoài ra, ẩm thực, nghệ thuật truyền thống của chúng ta cũng có nhiều nét độc đáo… Nhìn chung, Việt Nam có tiềm năng để phát triển du lịch quy mô lớn. Nói một cách thẳng thắn thì du lịch của chúng ta vẫn còn nhiều hạn chế, mới đang ở giai đoạn khởi đầu của sự phát triển.
—
Đâu là lý do khiến du lịch Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, theo ông?
Một trong những hạn chế đáng kể là nhận thức của xã hội. Có lẽ là do đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh nhiều năm, khó khăn còn nhiều. Thậm chí có một thời kỳ khá dài du lịch bị săm soi bằng cái nhìn thiếu thiện cảm, xem như một ngành chỉ chuyên “ăn chơi”. Khi đất nước mở cửa thì ngành du lịch lại được thả nổi, để phát triển một cách tự phát, thiếu đồng bộ.
Mặc dù Nhà nước cũng có định hướng, quy hoạch nhưng làm xong rồi để đó chứ chưa phải là một cuộc vận động để toàn xã hội tham gia. Khi chúng tôi ra khảo sát Mũi Né, vùng này còn là một rừng dừa mênh mông và hoang vắng. Lúc ấy, muốn xin bao nhiêu đất địa phương cũng cho. Nhưng khách không có thì lấy nhiều đất cũng chẳng để làm gì. Mặt khác, chúng tôi không có ý định đầu cơ tích trữ đất nên chỉ xin địa phương khoảng bốn hécta để làm resort. Khi chúng tôi làm xong cũng là lúc tư nhân nhảy vào giành giật, mạnh ai nấy xây, manh mún, phá vỡ quy hoạch. Nói đi cũng phải nói lại.
Nhiều địa phương cũng tội nghiệp, cần có resort, tuyến điểm du lịch để phát triển nên nhà đầu tư nào tới là mừng, tạo mọi điều kiện thuận lợi, thậm chí dễ dãi trong cấp phép. Hệ quả là nhiều resort không đầu tư hoặc đầu tư chiếu lệ cho có hệ thống xử lý nước thải, khiến không ít bãi biển bị hư hại ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Việc bãi biển Nha Trang bị tạp chí National Geographic xếp vào danh sách những bãi biển tồi nhất thế giới là một vấn đề đáng suy nghĩ.
—
Vậy theo ông, giải pháp nào để ngành du lịch Việt Nam cất cánh?
Tôi nghĩ Chính phủ cần đặt vấn đề hết sức nghiêm túc đối với vai trò của ngành công nghiệp không khói này. Nhiều ngành xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là gia công, hầu hết nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu, góp phần giải quyết công ăn việc làm nhưng giá trị công thêm rất thấp. Còn một con gà giá 50 ngàn đồng, nếu đưa vào du lịch thì giá trị có thể tăng lên năm bảy, lần, nhất là toàn bộ số tiền thu được đều giữ lại trong nước.
Chưa kể vì xuất khẩu tại chỗ nên chúng ta không phải lo đối phó với những rào cản thương mại, kiện cáo bán phá giá… Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997-1999, ngành du lịch đóng góp khoảng 50% vào GDP của Thái Lan. Trong bối cảnh kinh tế thế giới không mấy sáng sủa như hiện nay, phát triển du lịch kết hợp với công nghiệp tiêu dùng thay thế hàng nhập khẩu là giải pháp nên tính đến, nhất là chúng ta đang thiếu vốn.
Thêm nữa, nếu như các ngành công nghiệp khác có thể tận dụng máy móc để giảm nhân công thì du lịch vẫn là con người. Du lịch là một trong những ngành giải quyết lao động nhanh và hiệu quả. Năm 2010, ngành du lịch có nguồn thu khoảng 5 tỉ USD, cộng thêm doanh thu xã hội từ những ngành liên quan đến du lịch, tối thiểu cũng khoảng 5 tỉ USD nữa. Đây là một con số đáng kể. Để phát triển tương xứng với tiềm năng, du lịch cần một cơ chế đặc biệt.
—
“Cơ chế đặc biệt” nên được hiểu như thế nào?
Để khuyến khích du lịch phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, theo tôi nên có một bộ du lịch để tập trung đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển du lịch Việt Nam.
Để khuyến khích du lịch phát triển và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, theo tôi nên có một Bộ Du lịch.
—
Theo ông, tương lai của ngành du lịch Việt Nam trong những năm tới sẽ như thế nào?
Với đà hội nhập kinh tế và khu vực, du lịch Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới, trung bình mỗi năm du lịch thế giới tăng trưởng 5% – 10%. Nghị quyết của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh nỗ lực phấn đấu đưa GDP trên đầu người của người dân thành phố tăng từ 2.800 USD năm 2010 lên 4.800 USD vào năm 2015. Khi đó, số cư dân thành phố đi du lịch sẽ nâng lên khoảng 50% – 60%. Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, cả nước vẫn đón được 28-30 triệu lượt khách nội địa và năm triệu lượt khách quốc tế, trong đó TP. Hồ Chí Minh đón 3,1 triệu lượt khách.
—
Con số 3,1 triệu lượt khách có vẻ như khá mơ hồ. Vấn đề thiết thực hơn là du khách ở TP. Hồ Chí Minh xài bao nhiêu tiền?
Thời gian lưu trú của khách du lịch ở Đức hiện dài nhất, khoảng bảy ngày. Ở nhiều nước khác thường là bốn ngày. Còn ở ta, thời gian lưu trú trung bình của khách là 2,6 ngày đêm. Như vậy là quá thấp. Mấy năm trước, trung bình mỗi khách du lịch quốc tế chi xài khoảng 500 USD trong suốt thời gian ở Việt Nam. Năm nay chưa có thống kê chính thức, nhưng cao lắm thì cũng chỉ khoảng 800 USD. Bỏ ra khoảng 1.000 USD mua vé máy bay đi du lịch Việt Nam mà chi tiêu chừng ấy tiền chứng tỏ chi phí đi lại quá cao. Thời gian hưởng thụ đâu phải ở trên máy bay, mà là dưới mặt đất. Vậy nên, chi phí đi du lịch Việt Nam rẻ mà thành đắt.
—
Thời gian lưu trú vốn đã ngắn, các điểm vui chơi giải trí thì đóng cửa trước 12g đêm, trừ các khách sạn năm sao… thì làm sao du khách có cơ hội tiêu tiền?
Du lịch Việt Nam đã lo được cho khách phần tham quan và ăn ở không thua các nước trong khu vực. Nhưng phần giải trí cho khách, nhất là về đêm hiện là một bất cập. Tôi nghĩ cần phải tăng cường lĩnh vực giải trí để kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách để tăng doanh thu và lợi nhuận.
—
Trong thời gian chờ đợi “tiếp tục đổi mới để phát triển kinh tế” theo tinh thần nghị quyết của Đảng, ông có gợi ý gì nhằm tạo điều điện cho khách du lịch tăng chi tiêu?
Hai vấn đề không thể thiếu đối với khách du lịch là chỗ ở và ăn. Trong ngắn hạn, vấn đề lưu trú tạm ổn. Về chuyện ăn uống, nhiều khách du lịch nhận xét văn hóa ẩm thực của Việt Nam khác biệt và phong phú. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta chưa khai thác tốt thế mạnh này. Giữ gìn và quảng bá ẩm thực truyền thống nhưng đồng thời cũng phải sáng tạo ra những món ăn mới khiến người ta sẵn sàng trả hàng trăm USD để có thêm trải nghiệm mới.
Một bữa xúp vi cá dành cho bốn người ở những nhà hàng tại Hongkong hay Macao giá khoảng 400 USD nhưng lúc nào cũng nườm nượp người. Không thể chỉ bám mãi vào chả giò với phở. Một cái chả giò cao lắm cũng chỉ bán được khoảng 1 USD, tô phở thì khoảng 5-7 USD. Tôi nghĩ cần phải rũ bỏ tâm lý làm ẩm thực bình dân. Một vấn đề cũng cần lưu tâm là hàng giả, hàng kém chất lượng, một di chứng từ thời bao cấp. Hồi đó, hàng hóa thiếu thốn nên người ta phải làm giả. Làm giả riết thành quen. Mà đồ giả càng nhiều thì cũng khó phân biệt đồ thật.
Giữ gìn và quảng bá ẩm thực truyền thống nhưng đồng thời cũng phải sáng tạo ra những món ăn mới khiến người ta sẵn sàng trả hàng trăm USD để có thêm trải nghiệm mới.
—
Nói tiếp câu chuyện về du lịch. Theo ông, đâu là thế mạnh của du lịch TP. Hồ Chí Minh?
Là trung tâm kinh tế tài chính ở phía Nam, TP. Hồ Chí Minh quy tụ nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn. Theo đó, lợi thế lớn nhất là MICE, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ước tính, đến năm 2015, cả nước đón khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, TP. Hồ Chí Minh sẽ đón khoảng năm triệu lượt khách. Hiện nay, khách sạn tại TP. Hồ Chí Minh mùa cao điểm đã chạy hết công suất. Nếu không có thêm khách sạn thì đến 2015, kịch bản thiếu phòng sẽ lặp lại.
Không có chỗ lưu trú thì khách không đến. Cần nhớ rằng khách sạn không đơn thuần là nơi lưu trú, mà còn là hạ tầng của du lịch, cũng như sân bay, đường sá… Một vấn đề cũng nên lưu tâm là dịch vụ cho khách thương nhân như trung tâm hội nghị, hội chợ triển lãm… Thông thường, cơ sở hạ tầng là công việc của Nhà nước. Trung tâm Hội chợ ở Hàn Quốc, Trung tâm Triển lãm Singapore đều do chính phủ bỏ tiền đầu tư rồi thu lại bằng thuế từ dịch vụ lưu trú, ăn uống… của khách tham gia hội chợ.
—
Vậy tại sao Tổng công ty Du lịch Sài Gòn lại đầu tư xây dựng trung tâm triển lãm SECC tại quận 7?
Nhà nước chưa làm. Chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, phải làm vì nhiệm vụ chính trị do Thành ủy TP. Hồ Chí Minh giao phó. Sảnh đầu tiên của SEEC rộng khoảng 10.000m2 mới đưa vào hoạt động đã quá tải. Hiện chúng tôi đang đầu tư khoảng 300 triệu USD xây dựng thêm hai sảnh, khoảng 40.000m2, hai khách sạn và trung tâm hội nghị.
—
Một câu hỏi cuối cùng. Theo quy định thì sang năm 2011, ông sẽ về hưu. Một người say sưa công việc như ông có lẽ cũng đã có những sự chuẩn bị cho riêng mình?
Thời gian gần đây, tôi nhận được khá nhiều đề nghị làm tư vấn cho một số doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, tôi đều không nhận lời. Chừng nào còn làm việc trong môi trường Nhà nước thì tôi tuyệt đối không làm thêm, làm riêng. Còn sau khi nghỉ hưu, tôi tính sẽ đi một vòng để thăm bạn thăm bè, sau đó tham gia một khóa đào tạo để trau dồi thêm khả năng ngoại ngữ. Lúc đó làm gì thì sẽ tính tiếp.
—
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.