Cứ nhằm cổ phiếu lớn mà bán!
Mặc dù tăng 4,15 điểm vào phiên 30-8, nhưng tính chung cả tuần, chỉ số VN-Index chịu mức sụt giảm khá mạnh 2,9%. Khép lại tháng 8, VN-Index chỉ còn 472,7 điểm. Thanh khoản cũng sụt giảm ở mức 27% trên HoSE và hơn 29% trên HNX. Nguyên nhân khiến thị trường sụt giảm không gì khác là áp lực bán từ khối ngoại. Ở hầu hết các phiên giao dịch khối ngoại đã “cần mẫn” bán các cổ phiếu trụ cột. VNM, BVH, VIC, VCB… là những mã cổ phiếu bị bán và giảm giá mạnh, kéo theo sự sụt giảm của VN-Index. Trong tuần, khối ngoại đã bán ròng lên đến 370 tỉ đồng trên HoSE. Động thái này không chỉ ảnh hưởng đến chỉ số chính mà còn tác động lớn đến tâm lý của giới đầu tư trong nước. Trong tuần có phiên nhà đầu tư đã thực sự bi quan và tháo chạy khỏi thị trường. Trong lúc nhà đầu tư nước ngoài mải miết bán ra thì thị trường lại rơi vào khoảng trống thông tin. Không có lấy một tin tức nào hỗ trợ, điều này khiến cho nhà đầu tư thực sự không có chỗ bấu víu.
Theo đánh giá chung từ các chuyên gia trên thị trường, nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trên hai sàn niêm yết từ giữa tháng 8-2013 do mối lo ngại về Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm gói kích thích (QE3) trong tháng 9-2013 và điều này gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán ở các nước mới nổi, trong đó có Việt Nam. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, trong thời gian sắp tới, áp lực rút tiền của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra và sẽảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán trong cả trung và dài hạn. Bên cạnh đó, những thông tin về hành động chuẩn bị tấn côngSyriacủa Mỹ cùng phương Tây, đã gây ra những lo ngại lớn trên các thị trường chứng khoán trên thế giới. Các nhà đầu tư trong nước có thể không mấy quan tâm đến diễn biến này nhưng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ chịu tác động không nhỏ.
Trong phiên giao dịch cuối tuần, ngày 30-8, thị trường đã gượng dậy thành công trong những phút cuối cùng. Tổng cộng, 35,5 triệu cổ phiếu được trao tay với giá trị 739,2 tỉ đồng. Có được phiên tăng điểm “vớt” này, nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần không nhỏ khi đẩy mạnh mua vào hơn 3,3 triệu cổ phiếu. Trong đó, hai cổ phiếu ngành ngân hàng được mua vào nhiều nhất là EIB (959.020 cổ phiếu) và VCB (422.020 cổ phiếu). Tuy nhiên diễn biến này chưa nói lên điều gì. Cuối tuần sau (6-9) FTSE sẽ công bố danh mục của tháng 9, một tuần sau đó (13-9) quỹ VNM cũng sẽ công bố danh mục. Những thông tin liên quan đến danh mục của các quỹ sẽ được giới đầu tư nghe ngóng. Do vậy khả năng sau kỳ nghỉ lễ 2-9 thị trường sẽ khá trầm lắng.
Xuất hiện dòng tiền mang “màu sắc” mạo hiểm
Trong lúc thị trường khó khăn, động thái bắt đáy của một lực lượng nhà đầu tư trong nước trong tuần giao dịch vừa qua cũng phần nào cho thấy dòng tiền đầu tư theo trường phái mạo hiểm đã xuất hiện. Bao giờ cũng vậy, luôn có người giữ quan điểm đầu tư đi ngược thị trường. Lực lượng này thường không lớn và phải là những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm và có những công cụ phân tích sắc bén, thạo tin. Chính sự “ngược đời” này nhiều khi đã khiến cho các nhà đầu tư đang trong tâm lý hoảng loạn lấy lại sự bình tĩnh. Thực tế những phiên giao dịch vừa qua, dòng tiền mạo hiểm đã giúp cho hoạt động giao dịch diễn ra sôi động hơn. Về phương diện kỹ thuật, có phân tích chỉ ra rằng, quá trình bắt đáy của thị trường khá chủ động và được thể hiện rõ nét ở những mã cổ phiếu vốn hóa lớn như VIC, MSN. Không chỉ có khối ngoại trở lại mua ròng trên thị trường trong phiên giao dịch 30-8, khối tự doanh cũng đã trở lại vị thế mua ròng trong phiên cuối tuần. Khối này tập trung mua vào blue-chip, nhóm cổ phiếu vừa qua đã bị bán mạnh.
Mặc dù lo lắng với việc khối ngoại rút vốn nhưng những phân tích của các chuyên gia trong nước cho thấy diễn biến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán ViệtNamtừ đầu năm đến nay vẫn có điểm tích cực. Đó là việc lượng vốn vào vẫn lớn hơn lượng vốn rút ra. Bên cạnh đó, mặc dù lượng cổ phiếu blue-chip bị khối ngoại bán rất nhiều nhưng không phải tất cả ngành đều chịu chung số phận. Trong khi một số cổ phiếu ngành tài chính, ngân hàng tiếp tục bị bán mạnh thì nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu mua trở lại một số cổ phiếu đầu ngành như PVD, DPM, DRC, HSG, HPG. Nhìn sang một số thị trường trong khu vực nhưẤn Độ, Thái Lan… có thể thấy, các thị trường này đang trở nên bất ổn khi khối ngoại liên tục rút vốn. Tại thị trường chứng khoán ViệtNamkhối ngoại có bán ròng nhưng mức độ nhẹ hơn.
Song Hà