Kinh tế khó khăn, sức ép đè nặng lên các doanh nghiệp, họ rất cần được các ngân hàng chia sẻ, cụ thể là giảm lãi suất cho vay, để có thể vượt khó. Trong mối quan hệ tương hỗ, một khi giới doanh nghiệp không chịu nổi với lãi suất cao, không vay vốn ngân hàng hoặc tệ hơn là vay vốn rồi không trả nợ được, phá sản, thì các ngân hàng cũng khốn đốn. Mặt khác, nếu không tìm được khách hàng tốt để cho vay, ngân hàng sẽ bị ứ đọng vốn trong khi vẫn phải trả lãi huy động. Sau những tháng đầu năm trì trệ, thời gian qua các ngân hàng đã đẩy mạnh được vốn ra bên ngoài. Tuy nhiên, dù có muốn “tăng tốc” cỡ nào chăng nữa thì an toàn vốn vẫn là tiêu chí hàng đầu của các ngân hàng. Đa số các khoản vay ưu đãi lãi suất của các ngân hàng chỉ có thời hạn ngắn; các khoản vay dài hạn phải chịu mức lãi suất khá cao, dù đã giảm nhiều so với trước. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay ở các kỳ hạn dài thời điểm cuối tháng 8-2013 đã giảm khoảng 20 – 25% so với thời điểm đầu năm, với mức lãi suất cho vay trung và dài hạn thấp nhất vào khoảng 11%/năm, trung bình khoảng 11,5 – 12,8%/năm.
Với các ngân hàng, đó đã là con số khó thể thấp hơn, bởi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình đã khoảng 9%/năm, mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay chỉ khoảng 2%/năm. Nếu muốn giảm chi phí đầu vào, các ngân hàng có thể sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn (khoảng 7%/năm) để cho vay kỳ hạn dài, tuy nhiên sẽ gặp rủi ro và bị khống chế dưới mức 40%. Chính vì lãi suất cho vay kỳ hạn dài ở mức 11%/năm đã là “cố gắng hết sức” của các ngân hàng, nên mức lãi suất này chỉ dành cho những doanh nghiệp đặc biệt. Không chỉ phải “tốt”, có bản báo cáo tài chính đẹp, doanh nghiệp còn phải đảm bảo được khả năng trả nợ trong dài hạn, chứng minh được phương án đầu tư là khả thi, đồng thời dòng tiền tương lai được đảm bảo trong suốt quá trình vay.
Về phía doanh nghiệp, nhiều đơn vị cho biết lọt vào danh sách khách hàng “tốt” là quá khó. Trong thực tế, những đơn vị nào cần vay vốn kỳ hạn dài và họ có thể chịu được mức lãi suất cao bao nhiêu? Họ chính là các doanh nghiệp sản xuất, đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế. Theo chu kỳ hoạt động, họ cần có nguồn vốn lớn để đầu tư vào những dự án có đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, hoặc cần nâng cấp, thay mới máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Nghĩa là doanh nghiệp cần vốn lớn và dài hạn, trong khi khả năng doanh thu và lợi nhuận thì phải đợi thời gian kiểm chứng, với điều kiện thị trường diễn tiến thuận lợi… Vì lý do này, trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, đa số doanh nghiệp không dám vay. Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất cho biết chỉ khi nào lãi suất trung và dài hạn xuống khoảng 7%/năm thì mới dám vay để duy trì hay mở rộng đầu tư. Mà nếu cho vay với lãi suất 7%/năm thì ngân hàng phải đưa lãi suất huy động về khoảng 5%/năm. Điều này gần như không thể, khi lạm phát cuối tháng 8-2013 tính theo năm đã tăng 7,5%.
Nghĩa là, mức chênh lệch giữa lãi suất dài hạn mà doanh nghiệp mong muốn được vay và lãi suất ngân hàng có thể cho vay tối thiểu vào khoảng 4%/năm. Đó là lý do nhiều doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh gần đây yêu cầu Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị lên UBND thành phố đề nghị được chia sẻ bớt chi phí lãi vay này. Dĩ nhiên, yêu cầu đó là rất khó thực hiện. Bởi thế, nhu cầu về vay – cho vay nguồn vốn kỳ hạn dài giữa doanh nghiệp và ngân hàng không dễ để gặp nhau.
Minh Hằng