Tình trạng rừng Tây nguyên bị tàn phá và thoái hóa trong gần 40 năm qua là rất nghiêm trọng. Đây là thông tin được công bố tại hội nghị xúc tiến thành lập Hội chủ rừng Việt Nam với sự tham gia của bảy tỉnh miền Trung và Tây nguyên, được Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tại Đà Nẵng cuối tuần qua.
Theo báo cáo, đến nay Tây nguyên là vùng duy nhất trong cả nước chưa ngăn chặn được tình trạng suy thoái rừng, mất rừng tự nhiên. Từ năm 1975 đến cuối năm 2013, Tây nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng tự nhiên (từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha), với diện tích rừng tự nhiên bị mất hiện lên tới 33.600ha/năm và tốc độ mất rừng ngày càng tăng. Độ che phủ liên tục giảm mạnh, từ 67% (năm 1976) xuống còn 61% (năm 1990), 54,7% (năm 2000) và chỉ còn 49,7% vào năm 2012. Ông Hứa Đức Nhị – nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban vận động thành lập Hội chủ rừng Việt Nam – cho biết việc ra đời một tổ chức liên kết, giúp đỡ nhau giữa các chủ rừng để bảo vệ và phát triển rừng trở nên cấp bách, nhất là trong điều kiện kinh tế – xã hội nước ta hiện nay.
Trong một diễn biến khác, Bộ NN&PTNT vừa có văn bản trả lời UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết việc xây 18km đường xuyên rừng Cát Tiên không ảnh hưởng đến việc bảo tồn đa dạng sinh học của rừng.
Văn bản này giải thích, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng đường giao thông tại Vườn quốc gia Cát Tiên nằm trong quy hoạch rừng đặc dụng cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Chính phủ phê duyệt.
Nội dung quy hoạch này cũng đã được Sở Giao thông – Vận tải tỉnh Đồng Nai đồng thuận từ năm 2012 và đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động của Bộ Tài nguyên – Môi trường từ năm 2013.
Trong văn bản trả lời tỉnh Đồng Nai, Bộ NN&PTNT xác nhận: “Việc xây dựng tuyến đường sẽ hỗ trợ công tác quản lý và bảo vệ có hiệu quả hơn đối với 10.000ha rừng ở phía đông của Vườn quốc gia Cát Tiên. Đây là khu vực rừng còn giàu tài nguyên gỗ quý, tình hình xâm hại rừng ở khu vực này còn phức tạp. Đặc biệt là hạn chế các nguy hiểm đối với lực lượng bảo vệ rừng trong mùa mưa lũ nếu phải tuần tra bằng thuyền gỗ trên sông Đồng Nai.
Gia Minh (DNSGCT)