“Hạnh phúc nếu chỉ có vài người chạm vào được, thì thật là vớ vẩn. Hạnh phúc là thứ mà bất kỳ ai cũng có thể có.” – một câu thoại đáng giá trong phim “Monster”.
(*) Bài viết tiết lộ nội dung phim.
Phim “Monster” có bối cảnh là một thị trấn yên tĩnh bên hồ của nước Nhật, và người xem sẽ được quan sát và nhìn ngắm cùng một câu chuyện từ ba góc nhìn khác nhau, với thủ pháp “người kể chuyện không đáng tin”. Góc nhìn đầu tiên của của người mẹ, rồi sau đến là người thầy, và cuối cùng là góc nhìn từ Minato – cậu bé nhân vật chính.
“Monster” mở đầu với đám cháy lớn ở một tòa nhà, cùng câu hỏi vu vơ của cậu bé lớp 5 Minato Mugino (Sōya Kurokawa thủ vai) dành cho người mẹ trẻ Saori (Sakura Ando thủ vai) khi hai mẹ con đứng ngoài ban công nhìn ngọn lửa phía xa.
“Nếu con người bị cấy não heo vào đầu, thì đấy là con heo hay con người?”
Phần đầu của bộ phim đặt dưới góc nhìn của người mẹ. Cô Saori là một người mẹ đơn thân tuyệt vời, rất chăm chỉ làm việc để nuôi dưỡng và chăm sóc đứa con trai duy nhất của mình. Minato cũng rất yêu thương và kính trọng mẹ của mình. Mọi việc bắt đầu biến chuyển khi Minato vào lớp Năm, cậu bé thường xuyên lơ đãng, buồn bã không rõ nguyên nhân, thậm chí có lúc Minato đột nhiên cắt phăng mái tóc của mình… Rõ ràng là cậu bé Minato đang ở trong một cơn khủng hoảng, còn người mẹ rối bời không biết làm cách nào để giúp con thoát ra. Từ những thú nhận ấp úng, rời rạc của đứa con, Saori có được sự thật mình đang tìm kiếm: Cậu bé bị thầy giáo chủ nhiệm bạo hành. Thầy gọi cậu là kẻ não lợn, khiến câu đau khổ cả về thể xác lẫn tinh thần… Người mẹ quyết chiến đấu đến cùng để bảo vệ con mình. Vụ việc rùm beng đến mức lên báo, thầy giáo phải cúi đầu xin lỗi trước toàn trường.
Tuy nhiên, mọi sự rắc rối vẫn không dừng lại. Vào một buổi sáng khi cơn bão lớn chuẩn bị ập đến, Saori phát hiện ra Minato đã biến mất. Và ngay khi cô chạy đi tìm con thì gặp phải thầy Hori trước cửa nhà mình. Saori giận dữ xông tới thầy Hori – ngay tại khoảng khắc đó, người xem đột nhiên được đưa ngược trở lại về đêm xảy ra vụ cháy tòa nhà lúc đầu phim.
“Monster” tiếp tục đổi góc nhìn sang thầy giáo Hori (Eita Nagayama thủ vai). Dưới góc nhìn của thầy, Minato hóa ra không phải là nạn nhân mà là thủ phạm, cậu không bị bắt nạt mà là kẻ đi bắt nạt người khác. Mọi bằng chứng đều có vẻ rất thuyết phục và đáng tin.
Thầy Hori là một giáo viên trẻ, tận tâm, yêu thương học trò. Nhưng sau những giờ lên lớp đầy nhiệt huyết thì thầy lại rất cô đơn trong cuộc sống cá nhân. Không chịu nỗi sự cô đơn, thầy Hori đã bỏ tiền để nuông chiều một cô tiếp viên ở quán rượu. Và đây chính là lý do chủ yếu khiến thầy bị kỳ thị, phê phán.
Trong lúc phải “vật lộn” với những vấn đề cá nhân, thầy Hori liên tiếp gặp phiền phức vì cậu học trò Minato đột nhiên hành xử rất kỳ lại, hất tung đồ đạc trong lớp học, thậm chí lao vào đánh bạn học – cậu bạn tên Yori. Khi mẹ của Minato đến trường đòi làm rõ mọi việc thì các đồng nghiệp lại khuyên thầy Hori là không nên nói lên sự thật, và rằng Saori là một người mẹ đơn thân bảo bọc con mình, nên nhất quyết sẽ bảo vệ con mình bất chấp. Từ đây, mối hiềm khích của Saori và Hori ngày càng lớn.
Hori buộc phải nghỉ việc, bị đồng nghiệp, học trò xa lánh, thậm chí bị hàng xóm tẩy chay, cô bạn gái cũng rời bỏ anh…, thậm chí Hori đã nghĩ đến kết thúc mọi việc bằng cái chết. Cho đến khi thầy vô tình đọc lại một bài kiểm tra cũ của Minato, hiểu ra mọi chuyện, và thầy đã lao đến nhà Minato để gặp cô Saori.
Lúc này, bộ phim một lần nữa tua ngược về thời điểm xảy ra vụ cháy tòa nhà đầu phim, để mở ra góc nhìn thứ ba – câu chuyện được kể bởi cậu bé Minato. Cuộc sống của cậu bé hoàn toàn đảo lộn khi lớp của cậu đón chào một học sinh mới – Yori. Yori là một cậu bạn thấp nhỏ nhưng lại rất đáng yêu. Minato rất thích Yori nhưng không dám bày tỏ, vì Yori hiền lành nhưng hay bị chọc là quá “bánh bèo”, hay bị hội con trai trong lớp bắt nạt. Yori không hề kháng cự sự bắt nạt vì cậu cho rằng cậu bị bệnh “não heo” rất nặng, cậu đáng bị như vậy. Bởi chính căn bệnh này khiến cho bố Yori ghét bỏ cậu.
Càng yêu mến Yori, nội tâm Minato càng giằng xé hơn, và hàng loạt những cư xử bất bình thường cứ tuôn ra như vừa che giấu, vừa bộc bạch những mâu thuẫn chất chứa ấy. Minato thích Yori, nhưng sợ lây bệnh “não heo”, chỉ cần Yori chạm nhẹ vào tóc cậu, Minato đã tự tay cắt phăng mái tóc của mình…
Cứ như thế, sau mỗi góc nhìn của các nhân vật, bộ phim lại được mở rộng ra, thêm vào đó những nhân vật mới, sự kiện mới và tầng tầng lớp lớp chi tiết và ý nghĩa mới mà trước đó người xem chưa từng thấy. Mỗi nhân vật đều có góc nhìn riêng, có lý do riêng.
Kẻ ác đoạn đầu phim lại bỗng thành người tốt, người có vẻ tốt lại dường như là kẻ xấu, rồi ai mới thực sự là “con quỷ”? Chuyện phim như một củ hành tây, nếu muốn biết được bên trong như thế nào, bạn phải bóc từng lớp một, và để rồi mắt bạn cay xè, rơi lệ.
Người xem cũng thấy được những góc tối, định kiến đầy khắc nghiệt của xã hội Nhật Bản hiện đại, cũng tương đồng với xã hội Việt Nam. Không chỉ bạo lực học đường, phim còn đề cập đến định kiến của xã hội về mẹ đơn thân, người đồng tính; tác hại to lớn từ việc dùng mạng xã hội khi lan truyền những thông tin sai trái, quy chụp; những điều đúng đắn bị làm ngơ bởi quyền lực và nguy hại hơn cả là việc không lắng nghe tiếng nói con trẻ.
Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều tin tức về giáo dục, những mâu thuẫn trong cách giáo dục con trẻ giữa gia đình – nhà trường và xã hội. Chúng có thể khiến chúng ta thương cảm, bực tức, thậm chí là phẫn uất, ví như sự việc một học sinh không được ăn liên hoan vì phụ huynh không đóng quỹ lớp…
Tuy nhiên, sự thật nằm ở đâu nếu chúng ta chỉ “chăm chăm” nhìn vào các tựa đề “câu view” kiểu như “Ai là nạn nhân vụ mẹ không đóng quỹ, con ngồi nhìn lớp liên hoan?”, “Toàn cảnh vụ mẹ không đóng 100k quỹ phụ huynh, con phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan: Lỗi tại ai?”…
Phim “Monster” cho thấy thế giới nội tâm của trẻ con phức tạp, dữ dội hơn người lớn tưởng, và người lớn khó lòng chạm đến, hiểu được, nếu không thay đổi cách thấu cảm chúng. Thế giới đó cũng thật đẹp đẽ, trong veo dù phải chịu nhiều tổn thương, mất mát.
Và tuy phim mang tên là “Monster” nhưng cũng khó xác định ai mới là quái vật thật sự khi ai cũng có lý lẽ riêng cho hành động của mình. Phải chăng “quỷ dữ” chính là sự thiếu sự chia sẻ và cảm thông giữa người với người với nhau, cũng là việc không nhìn nhận một sự vật, hiện tượng dưới nhiều góc độ khác nhau. Cách nhìn nhận khiếm khuyết từ định kiến khiến những mối quan hệ trở nên rạn nứt, và để lại những vết thương khó lành.
Một cảnh rất hay trong phim là khi Minato tìm đến bà hiệu trưởng để bộc bạch mọi chuyện. Nhân vật này vốn rất kiệm lời, và từ đầu phim luôn thể hiện là một người chuẩn mực nhưng rất lạnh lùng. Bà kiên nhẫn lắng nghe Minato và chỉ nói một câu, nhưng vô cùng đáng giá khi cậu hoài nghi rằng liệu cậu có hạnh phúc hay không.
“Hạnh phúc nếu chỉ có vài người chạm vào được, thì thật là vớ vẩn. Hạnh phúc là thứ mà bất kỳ ai cũng có thể có.”
Phim “Monster”
Tựa gốc: “Kaibutsu”
Tựa phim tiếng Việt: “Quỷ Dữ”
Đạo diễn: Kore-eda Hirokazu
Kịch bản: Yûji Sakamoto
Diễn viên: Sakura Andô, Eita Nagayama, Soya Kurokawa…
“Monster” được trao giải “Kịch bản hay nhất” và là phim chiến thắng tại hạng mục “Queer Palm” (dành cho các phim về đề tài LGBT) tại LHP Cannes 2023. Phim cũng đồng thời nhận 10 giải thưởng và 41 đề cử giải thưởng quốc tế khác.