Nhiều người lo lắng rằng robot và những loại máy móc khác với sự hiện diện của trí tuệ nhân tạo sẽ lấy mất nhiều việc làm và dẫn đến một tương lai thất nghiệp trên diện rộng. Nhưng nếu đọc lướt qua lịch sử sẽ nhận thấy là thế giới cũng đã từng trải qua nỗi lo tương tự trong các thập niên trước.
Dĩ nhiên, robot ngày nay thông minh hơn nhờ vào những cải tiến trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Chúng có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ mang tính lặp lại. Nhưng xu hướng này nên được xem xét trong bối cảnh đổi mới công nghệ và sự phát triển kinh tế toàn cầu đang diễn ra liên tục.
Có hai lý do cho thấy tự động hóa một lần nữa sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn, dẫn đến mức độ tuyển dụng rộng hơn.
Khi xa xỉ trở thành nhu cầu thiết yếu
Thứ nhất, tự động hóa sẽ mang lại nhiều quyền năng hơn cho người tiêu dùng. Công nghệ mới biến những thứ xa xỉ của quá khứ thành nhu cầu thiết yếu của hiện tại và nó đòi hỏi một lực lượng lao động hỗ trợ cho những nhu cầu mới này. Chẳng hạn, vào thời điểm năm 1950, rất ít người có thể chọn cách di chuyển bằng đường hàng không.
Nhưng khi vé máy bay thấp hơn thì những chuyến đi đường dài đã bùng nổ. Theo thống kê của hãng tư vấn Wilkofsky Gruen Associates, gần 1.000 công viên giải trí lớn và các địa điểm theo chủ đề trên khắp thế giới thu hút hơn 1 tỉ người đến thăm hằng năm, tạo ra rất nhiều việc làm cho các kỹ sư, diễn viên, nghệ nhân, người quản lý, người làm tiếp thị,…
Còn trong ngành dịch vụ tài chính, ngày nay, chúng ta ở rất gần các chi nhánh ngân hàng. Trước đây, khi cần tiền mặt, chúng ta phải đến gặp một nhân viên thu ngân ở ngân hàng. Vào thời điểm chiếc máy rút tiền tự động đầu tiên được Barclays Bank lắp đặt ở London, mọi người cũng lo lắng rằng nó sẽ lấy mất việc của các nhân viên thu ngân.
Vâng, nhân viên không còn dành nhiều thời gian để đếm tiền cho khách nữa và số nhân viên thu ngân được tuyển dụng cũng giảm. Nhưng công nghệ ATM làm cho việc mở chi nhánh ngân hàng trở nên rẻ hơn. Nhân viên giao dịch có thời gian giải quyết những vấn đề phức tạp hơn, giúp khách hàng hài lòng và thực chất thì tổng số lượng nhân viên giao dịch được tuyển dụng đã tăng lên.
Dĩ nhiên, một nhân viên giao dịch trước đây không thể bước vào công việc hiện tại của ngành ngân hàng mà không trải qua tái đào tạo. Và đó chính là thách thức mà công nghệ mới mang lại. Không khó để tìm thấy một việc làm cần người mà khó tìm người đáp ứng được công việc.
Việc vẫn còn đó, chỉ có một số nhiệm vụ sẽ biến mất
Hơn nữa, một công việc bao gồm nhiều nhiệm vụ khác nhau và dù một số nhiệm vụ có thể biến mất do tự động hóa nhưng các nhiệm vụ khác thì không. Vì thế, sẽ không chính xác khi nói rằng trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế nhiều công việc mà thực ra AI có thể sẽ chiếm lĩnh nhiều nhiệm vụ trong số các việc làm của thế giới ngày nay.
Các nhiệm vụ được làm thủ công và lặp đi lặp lại sẽ dễ tự động hóa nhất. Nhưng với các nhiệm vụ trừu tượng đòi hỏi kỹ năng giải quyết vấn đề một cách phức tạp, máy móc vẫn chưa giỏi và thậm chí còn tệ hơn khi cần tương tác với sự cảm thông hoặc hiểu được những lý lẽ thường tình trong cuộc sống. AI cũng không dễ hành động trong những môi trường mới chưa có nhiều dữ liệu.
Máy học phụ thuộc nhiều vào một lịch sử thông tin dễ tiếp cận và đầy đủ dữ liệu có thể giúp cho hệ thống máy tính suy luận. Vì vậy, việc quản lý con người, giải quyết các vấn đề không được cấu trúc sẵn và sự sáng tạo đổi mới hầu như không thể được ủy thác cho một robot cho dù có được lập trình tốt đến đâu đi nữa.
Ngay cả khi nhiệm vụ cũ biến mất, nhiệm vụ mới sẽ xuất hiện. Công việc của tương lai sẽ được tạo ra xung quanh các nhiệm vụ này. Các công ty cần giúp nhân viên cập nhật những kỹ năng mới và nâng cao năng lực, sự thành thạo trong công việc. Những người làm việc độc lập hoặc làm chủ thì phải tự mình nâng cao kỹ năng để thích nghi với sự thay đổi. Như nhà tương lai học Alvin Toffler từng nói: “Người dốt của thế kỷ XXI không phải là người không thể đọc và viết mà là người không thể học, không chịu học và không học lại”.
Theo một số thông tin dự đoán, 65% trẻ em đang học trong trường ở thời điểm hiện tại rồi sẽ làm những việc hiện chưa xuất hiện. Những người này cần được tái đào tạo và học lại thường xuyên.
Tư duy lại những công việc trong công ty
Đối với người lãnh đạo doanh nghiệp, khi đối thủ bổ sung các năng lực mới nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng mới, họ phải theo kịp hoặc vượt qua đối thủ. Họ phải tư duy sáng tạo hơn về các công việc đang tồn tại, những nhiệm vụ tạo nên các công việc này và kỹ năng mà đội ngũ của họ đang cần cũng như chương trình huấn luyện mà họ có thể mang lại cho nhân viên.
Người lãnh đạo có thể bắt đầu bằng cách xem xét những công việc bên trong tổ chức của họ và mổ xẻ chúng thành từng nhiệm vụ riêng biệt. Sau đó, xác định nhiệm vụ nào lý tưởng cho nhân viên và nhiệm vụ nào phù hợp nhất với máy móc. Bất cứ việc nào cũng đều có thể đánh giá lại theo cách này. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể không còn cần vài nhiệm vụ đơn giản trong sản xuất và giao hàng, nhưng lại cần thêm nhân viên kết hợp được các kỹ năng chăm sóc khách hàng, tiếp thị và bán hàng.
Những công ty và chính phủ nhìn thấy trước được vấn đề đều tập trung vào khâu đào tạo, họ không chỉ cung cấp chương trình đào tạo mà còn nâng cao hiệu quả đào tạo. Mới đây, Singapore ra mắt SkillsFuture SG – “một phong trào quốc gia mang lại cho người Singapore cơ hội phát triển trọn vẹn tiềm năng của họ, dù cho xuất phát điểm của họ là như thế nào đi nữa”.
Những chương trình như thế này dựa vào công nghệ mới để cải thiện và tăng tốc quá trình học hỏi. Trong nhiều trường hợp, các công nghệ mới xuất hiện để xóa bỏ một công việc lại là phương tiện cung cấp kỹ năng mới giúp cho mọi người giữ được việc làm.
Tạo nên một văn hóa liên tục học hỏi là cách mà chúng ta đi từ nền kinh tế hiện tại sang nền kinh tế mới và có thể trao cơ hội thịnh vượng cho nhiều người hơn. Và trong một môi trường đang thay đổi rất nhanh, trách nhiệm không chỉ nằm ở các chính phủ mà doanh nghiệp cũng đóng một vai trò quan trọng đối với đào tạo thường xuyên.