Bằng việc quét não bộ của một nhóm 12 người tình nguyện trong lúc họ đang thực hiện các hoạt động hằng ngày, nhóm nghiên cứu đến từ Massachusetts General Hospital và Harvard Medical School mới đây đã phát hiện một điều khá thú vị, đó là khi thực hiện những hành động, quyết định có liên quan tới tiền bạc, biểu hiện của não bộ con người giống như khi đang sử dụng cocain (tạo ra sự kích thích).
Theo tiến sĩ Brian Knutson, một trong những người trực tiếp tiến hành cuộc nghiên cứu, thì: “Chúng tôi nhận ra rằng, không có thứ gì ảnh hưởng đến trí não con người mạnh mẽ như tiền. Thậm chí, ở nhiều người, tiền bạc còn tác động tới não bộ mạnh hơn việc họ thấy người khác giới khỏa thân hoặc cho họ nhìn thấy người chết”.
Thế nhưng, dù hầu như tất cả đều có cùng chung phản ứng hứng thú với tiền bạc như vậy, thì không phải ai cũng có những kỹ năng và hiểu biết cần thiết đối với tiền.
Richard Ruback, giáo sư về tài chính, hiện giảng dạy tại Trường Harvard Business School, cho biết: “Nếu bạn không phải là người yêu thích các con số, cũng như có nhiều thời gian cho chúng, bạn thường sẽ chán nản khi học và nghiên cứu về tài chính, có thể bỏ cuộc sớm để rồi biến những vấn đề tài chính thành cơn ác mộng cho mình và cho những người xung quanh. Bởi khi ham muốn thứ gì mà lại không hiểu về nó, thì đó là một mối nguy hiểm tiềm ẩn có thể khiến chúng ta phải trả những cái giá rất đắt”.
Tuy nhiên, Richard Ruback nhận ra một điều thú vị thông qua kinh nghiệm giảng dạy của ông, đó là chúng ta hoàn toàn có thể tự cải thiện kỹ năng tài chính, đặc biệt là tài chính cá nhân, mà không cần mất quá nhiều thời gian hay phải yêu thích những con số.
Hãy nói về tiền bạc
Theo Richard Ruback, cách thú vị nhất để nâng cao kỹ năng tài chính là nói chuyện về chủ đề này, thường xuyên và với đúng đối tượng.
“Tài chính không phải là khoa học tên lửa. Chỉ là những phép toán, với những con số và quy tắc nhất định. Không có ma thuật nào cả và cũng không quá phức tạp đến nỗi không thể nắm bắt. Vì vậy, việc thú vị nhất bạn có thể làm ngay để nâng cao kỹ năng này là nói về chủ đề này với những người có cùng mục tiêu và có kinh nghiệm mà bạn tin tưởng. Tất nhiên, không phải nói theo kiểu lương tháng của bạn bao nhiêu, thưởng cuối năm thế nào… Những việc ấy quá đơn giản và cũng thiếu thử thách. Hãy nói về những phép tính, về dòng tiền, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, đòn bẩy, lợi nhuận kép mong đợi khi đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản… Những khái niệm này có đầy trên mạng và chỉ cần mất khoảng nửa giờ mỗi ngày để nắm được.
Vì thế, chỉ cần vượt qua nỗi sợ, sự khó chịu hay cảm giác xấu hổ mà bạn vẫn mang trong lòng khi nói về tiền bạc, bạn sẽ thấy mọi việc hiệu quả và thú vị hơn nhiều”.
Câu hỏi “nếu như…”
Richard Ruback chia sẻ một trong những kỹ năng mà ông thường xuyên nhắc nhở sinh viên của mình áp dụng, đó là tư duy mở rộng, thông qua các câu hỏi kiểu “nếu như…”, hay “tại sao…”.
“Dù trong cuộc sống, bạn ghét câu hỏi kiểu “nếu như…”, thì trong vấn đề tài chính, bạn cần phải yêu loại câu hỏi này. Bởi chúng sẽ giúp bạn tiến bộ cực kỳ nhanh và giúp dự trù trước những rắc rối mà bạn có thể gặp phải trong tương lai. Chẳng hạn trong vấn đề tự do tài chính cá nhân, bạn có thể tự hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu như bạn tăng tỷ lệ đầu tư trên thu nhập hằng tháng lên 10%, hay cắt giảm 20% chi phí hằng ngày? Nếu như không có quỹ khẩn cấp cho bạn và gia đình, điều gì sẽ xảy ra?… Lặp đi lặp lại kiểu câu hỏi này, bằng những điều kiện giả tưởng khác trong đầu, với những cá nhân, hay tìm đọc những cuốn sách, bài viết giúp trả lời chúng thật thấu đáo, bạn sẽ dần hoàn thiện kỹ năng tài chính của mình”.
Số liệu thể hiện thành công
Cuối cùng, theo Richard Ruback, giống như một doanh nghiệp, các vấn đề về tài chính cá nhân cũng có một quy tắc, đó là sau khi nắm được những vấn đề cơ bản rồi, bạn cần phải biết được đâu là thứ mình cần tập trung, hay số liệu nào trên giấy thể hiện bạn đã thành công.
“Ở nhiều doanh nghiệp, có giai đoạn giám đốc điều hành chỉ quan tâm tới doanh thu, bởi ông ta đang muốn mở rộng thị trường, chiếm lĩnh kênh phân phối và đè bẹp đối thủ mà không quan tâm tới lời – lỗ, nhưng đôi khi ông ta lại chỉ quan tâm tới lợi nhuận, bởi đó là số tiền thực chảy vào túi doanh nghiệp cũng như cổ đông… Trong tài chính cá nhân, bạn cũng phải xác định rõ mục tiêu tài chính mà mình muốn hướng tới. Với nhiều người, đó là tài sản; với người khác lại là dòng tiền thụ động chảy vào túi hằng tháng.
Vì vậy hãy nhớ rằng, những chứng chỉ về tài chính, kế toán bạn học được là tốt và cần thiết nhưng chỉ cung cấp cho bạn một nền tảng nhất định (bạn có thể tự học được chúng bằng hai phương pháp trên); nếu muốn thành công trong vấn đề tài chính, bạn phải biết mình đang tìm kiếm điều gì và hạnh phúc với con số nào trên giấy”.
- Tuấn Thành