Nhà đàm phán các nước Canada, Mexico và Mỹ mở ra vòng tranh luận giữa tuần qua với mục đích cải tổ Hiệp ước mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA) kể từ khi hình thành cách đây 23 năm. NAFTA được kỳ vọng sẽ đón nhận nhiều ý kiến trái chiều từ các bên về việc làm thế nào để hài lòng mọi người và đặc biệt là hoàn tất trọn vẹn lời cam kết lúc tranh cử của Tổng thống Donald Trump, rằng ông sẽ ra sức giúp đỡ giới làm công Hoa Kỳ. Trước đây, đã rất nhiều lần Trump phê phán NAFTA là hiệp ước thương mại tồi tệ nhất và hứa hẹn sẽ làm mọi thứ để gỡ bỏ những điều khoản được xem là phá hủy thị trường lao động Mỹ. Mới đây, ông Trump cũng cảnh báo Washington có thể chấm dứt NAFTA nếu người Mỹ không đạt được những gì họ muốn. Song, phân tích từ giới chuyên gia thuộc Viện Kinh tế thế giới Peterson, xóa bỏ NAFTA có thể dẫn tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng về mặt lâu dài cho nền kinh tế Mỹ và ảnh hưởng lớn đến một khu vực kinh tế có đến hơn 500 triệu người tiêu dùng. Bất chấp những đe dọa từ Donald Trump, giới đàm phán ba nước vẫn tin rằng họ sẽ tuần tự cùng nhau bước qua các vòng đàm phán một cách lạc quan và hợp tác nhằm đạt được những thỏa thuận có lợi hơn cho tất cả khi kết quả sau cùng sẽ được công bố vào ngày 5-9 tại Mexico City. Thời gian biểu của vòng đàm phán lần này tỏ ra đặc biệt nhạy cảm và kỳ vọng sẽ trở nên gay cấn và sôi nổi hơn bởi Mexico và Mỹ cùng đang tiến vào giai đoạn tranh cử quốc hội cho 2018.
Trong khi Canada đặc biệt chú trọng đến các quy định về luật lao động và luật môi trường, Mỹ quan tâm nhiều nhất đến cắt giảm thâm hụt mậu dịch cho nước này cũng như bảo vệ tuyệt đối các công việc thuộc lĩnh vực sản xuất. Mục đích lớn nhất của Hoa Kỳ sẽ là tạo ra một hiệp ước NAFTA mới cân bằng hơn và có tính tương hỗ đa phương hơn để giữ chân số việc làm tại Mỹ và tăng trưởng kinh tế dài hạn. Mặc dù cán cân thương mại giữa Mỹ và Mexico đã chuyển hướng từ mức thặng dư 1,7 tỉ USD năm 1993 sang con số thâm hụt 55,6 tỉ USD vào năm 2016, cũng trong suốt giai đoạn ấy tổng giá trị thương mại giữa Canada và Mexico đã tăng gấp ba lần, đạt 1.200 tỉ USD hồi năm ngoái. Giới kinh tế học tin rằng NAFTA không phải là nơi để bàn về vấn đề cán cân kinh tế song phương vì nếu tiếp tục tập trung vào việc thâm hụt mậu dịch sẽ là rào cản để các bên đạt đến thỏa thuận sau cùng. Bởi chấm dứt NAFTA cũng đồng nghĩa với việc Mỹ chủ động mở cửa cho cả thế giới nhảy vào cung cấp hàng hóa cho Canada và Mexico, vốn cũng là hai đối tác xuất khẩu to lớn của Washington.
- Lâm Kiên theo AFP
Xem thêm: