Một trong những họa sĩ hiện đại vẽ khỉ nhiều nhất là Frida Kahlo, khuôn mặt nữ nổi tiếng bậc nhất của hội họa thế giới, người bạn đời của nhà danh họa Mexico Diego Rivera. Cuộc đời của Frida Kahlo đầy những tai ương và buồn đau. Sinh năm 1906, Kahlo bị bệnh bại liệt từ năm lên sáu nên chân trái teo lại, khiến suốt đời bà chỉ mặc những bộ váy dài đầy màu sắc. Đến tuổi thiếu nữ, sau một tai nạn xe hơi thảm khốc bà bị gãy hàng loạt xương, kể cả cột sống, phải chịu đựng những cơn đau cho tới khi từ trần năm 1954. Chính tai nạn kinh hoàng đó đã thay đổi hoàn toàn đời bà: sau ba tháng trên giường bệnh, Frida Kahlo bắt đầu vẽ tranh để rồi trở thành một họa sĩ kiệt xuất. Không thể có con và bị sẩy thai nhiều lần nên Frida Kahlo nuôi nhiều thú cưng: chó, chim, khỉ nhện (*) và cả một con nai nhỏ trong khuôn viên Ngôi Nhà Xanh (Casa Azul) của bà ở Coyoacán, Mexico City.
Frida Kahlo vẽ rất nhiều chân dung tự họa bởi theo lời bà: “Tôi vẽ chính tôi vì thường sống cô đơn và vì tôi là đề tài mà tôi hiểu rõ nhất”. Trong tổng số 143 bức tranh để lại cho đời, bà vẽ tới 55 chân dung tự họa cùng với các con vật cưng, mà một trong những bức nổi tiếng nhất là Tự họa với khỉ (1943). Trong tác phẩm đó, ba chú khỉ nhện vây quanh nàng Kahlo với mái tóc đen nhánh, góc bên phải có thêm một chú khỉ nữa. Dù trong huyền thoại xứ Mexico khỉ được coi là biểu tượng của thú tính, dâm ô (tương tự như “giở trò khỉ” trong tiếng Việt), song nữ họa sĩ thể hiện chúng như những sinh vật yếu ớt, cần được chở che, bảo vệ. Trong số những chú khỉ nhện được Kahlo nuôi thì Fulang Chang được bà yêu mến nhất vì đó là quà tặng của Diego Rivera, và bởi nó biết làm trò mua vui khi có khách đến với Ngôi Nhà Xanh. Fulang Chang được Kahlo đưa vào tranh không chỉ một lần. Trong nhiều chân dung tự họa, Kahlo còn vẽ khỉ cùng với chim két và nhiều động vật khác như chim ruồi, mèo rừng, bướm… Cuối thập niên 1980, một tranh chân dung tự họa với khỉ của Kahlo đã được bán với giá 1 triệu USD tại nhà Sotheby’s mà người mua là nữ ca sĩ Madonna.
Thật ra, trước Frida Kaho đã có một nữ họa sĩ đưa khỉ vào tranh, đó là Rosalba Carriera (1673-1757). Suốt đời mình Rosalba Carriera chỉ vẽ tranh chân dung với chất liệu phấn tiên mà hầu hết khách hàng đặt hàng bà là những nhân vật nổi tiếng trong giới quyền quý và trí thức châu Âu thời bấy giờ. Chỉ một lần khi vẽ chân dung một thiếu nữ, Rosalba Carriera đã đưa vào tranh một chú khỉ be bé, xinh xinh. Bức Cô gái ôm con khỉ vẽ năm 1721 nay được treo ở Bảo tàng Louvre (Paris). Khỉ cũng đã được nhiều họa sĩ phương Tây vẽ từ nhiều thế kỷ trước, điều thú vị là nhiều bức tranh mô tả khỉ làm công việc của con người như hớt tóc, chơi nhạc, nấu bếp, ăn uống… và cả nghiên cứu khoa học (!), nhưng đặc biệt hơn cả là khỉ vẽ tranh. Họa sĩ người Pháp Jean-Baptiste Chardin (1699-1779) là tác giả của nhiều bức khỉ vẽ tranh mà theo các nhà nghiên cứu hội họa thì hình ảnh con khỉ vẽ tranh với người mẫu là từ tích truyện xứ Flander sau đó được các họa sĩ Pháp sử dụng như một cách châm biếm những kẻ tài thì mọn nhưng chỉ muốn khoa trương trong xưởng vẽ. Song vẽ khỉ làm công việc của người có lẽ còn xuất phát từ thói bắt chước các hành động của con người ở loài linh trưởng gần gũi với con người theo thuyết tiến hóa của Darwin.
Những tên tuổi lớn của hội họa châu Âu hiện đại như Picasso, Chagall, Henri Rousseau đều từng đưa khỉ vào tranh, nhưng được nói nhiều là một chú khỉ nhỏ nhoi trong bức tranh khổ lớn Chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte của Georges Seurat, họa sĩ Hậu Ấn tượng, người khai sinh lối vẽ chấm độc đáo được gọi là khuynh hướng Pointillism với hai đại diện tiêu biểu là Georges Seurat và Paul Signac. Tác phẩm Chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte được Seurat bắt tay thực hiện từ năm 1884 nhưng hai năm sau vẫn chưa hoàn tất, bởi tác giả dành trọn hai năm đó để vẽ đến trên 60 phác thảo bằng bút chì và mực, sau đó phác họa nghiên cứu bằng than và sơn dầu các nhân vật hay từng nhóm nhân vật trước khi làm tranh. Ông muốn các nhân vật đạt được sự cân bằng hoàn hảo trong tranh. Cuối cùng, trong xưởng vẽ khiêm tốn của mình ở Paris, Seurat đã hoàn tất tác phẩm có kích thước 207 x 308cm bằng từng chấm màu một. Hiện bức Chiều Chủ nhật trên đảo La Grande Jatte được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Chicago.
Trong tác phẩm đã thành kinh điển ấy, Georges Seurat vẽ rất nhiều nhân vật từ gần đến xa, họ thuộc về nhiều tầng lớp xã hội của Paris vào nửa cuối thế kỷ XIX và đang dạo chơi dọc sông Seine vào một chiều Chủ nhật. Ở tiền cảnh là một cặp nam nữ; người đàn ông đội mũ cao, tay cầm tẩu thuốc, ăn mặc ra dáng thượng lưu; còn người phụ nữ đi cạnh thì Seurat kín đáo cho người xem biết nàng làm nghề gì, đó là cho nàng dắt một con khỉ nhỏ được vẽ mờ mờ. Trong Pháp ngữ, con khỉ cái là “singesse”, từ này cũng là tiếng lóng để chỉ gái mại dâm. Con khỉ có mặt trong bức tranh là vì thế.
Quay sang phương Đông, hình tượng khỉ có trong tranh nhiều họa sĩ Nhật, Hàn Quốc và Trung Hoa thời cổ. Trong các tranh khắc gỗ ukiyo-e thời Edo (1600-1868) khỉ được vẽ rất đẹp. Có người cho rằng các họa sĩ Nhật không mấy khi vẽ cọp vì rừng Nhật không có loài ác thú này trong khi có rất nhiều khỉ. Còn hình tượng khỉ được thấy nhiều nhất trong tranh Trung Hoa ngày xưa chính là Tôn Ngộ Không hay Tề Thiên đại thánh.
(*) Spider monkey, loài khỉ có chân và tay dài như chân nhện, sinh sống chủ yếu trong những khu rừng rậm nhiệt đới Trung Mỹ, Nam Mỹ và phía bắc Mexico, thích hợp để nuôi trong nhà như gia súc
- Diên Vỹ