Cyril Kongo sinh năm 1969 và Hom Nguyễn sinh năm 1972, đều là những nghệ sĩ có hành trình nghệ thuật kì diệu, được tôn trọng và ngưỡng mộ bởi giới mộ điệu quốc tế.
Với hi vọng truyền cảm hứng tới những khán giả yêu nghệ thuật trong nước, cả hai nghệ sĩ đều háo hức khi đưa các tác phẩm trưng bày tại Sài Gòn, hoà mình vào dòng chảy văn hoá Việt Nam trong những hành trình tiếp theo.
Nghệ sĩ Graffiti Cyril Kongo – từ Sài Gòn tới Paris và Kongo rồi trở về
Cyril Kongo sinh năm 1969, tên tiếng Việt của ông là Phan Ngọc Sương, tên tiếng Pháp là Cyril và nghệ danh trên thế giới là Cyril Kongo. Ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, có cha là người gốc Huế và mẹ là người Pháp – một nhân viên của đại sứ quán thời đó. Lần đầu về quê khi đã là một người đàn ông ngoài tứ tuần, Kongo dành cả ngày đi dạo lang thang quanh khu vực Nguyễn Huệ ra đoạn bến sông quận 1 và bần thần một lúc lâu. Ông bảo tiếc rằng kí ức không còn rõ ràng nữa, nhưng tôi nhớ nhà tôi ở đâu đó đoạn này, tuổi thơ tôi đã có nhiều trưa nắng chạy chơi với bạn bè mạn bờ sông này.
Năm 6 tuổi, Kongo theo mẹ trở về Pháp sinh sống rồi sau đó không lâu lại theo mẹ đi làm việc ở một đất nước khá xa xôi: Congo. Tuy là một đất nước còn nghèo khó nhưng đất nước Congo có tinh thần sống lạc quan, yêu cái đẹp và màu sắc. Cyril từng chia sẻ rằng chính ở Congo ông cảm nhận được sự chào đón, có bạn bè và chạm ngõ với nghệ thuật. Graffiti, Mr. Colorful và tinh thần “Joie de vivre – niềm vui cuộc sống” cũng là những gì Cyril Kongo lĩnh hội từ đất nước đáng yêu này và sau đó chinh phục cả thế giới. Chính vì vậy ông chọn Kongo làm nghệ danh chính thức của mình.
Khi trở lại Pháp, Cyril Kongo ngày kiếm sống, tối vẽ tranh trên phố để lan toả Graffiti, đêm ngủ trên các thùng các tông. Nghệ thuật của ông đến từ đường phố, giàu năng lượng và sự lạc quan. Cyril Kongo cảm thấy sẽ thật bất công khi đánh giá nghệ thuật qua lăng kính giàu nghèo, cũ mới. Ông và các cộng sự đã nỗ lực tổ chức nhiều triển lãm và phong trào để thuyết phục công chúng và giới chuyên môn rằng Graffiti cũng là một lãnh vực đáng được trưng bày ở những nơi tương xứng với các loại hình nghệ thuật khác. Sau nhiều năm nỗ lực, Cyril Kongo lần lượt được các thương hiệu ông lớn trong thời trang, nghệ thuật và đồng hồ cao cấp mời hợp tác. Hermes mời ông vẽ lên khung cửa sổ của boutique, rồi đưa Graffiti lên những tấm khăn vuông trứ danh. Chanel và huyền thoại Karl Lagerfeld mời Kongo cùng sáng tác lên bộ sưu tập Chanel Metiers d’Art 2018/19 trình diễn tại Bảo tàng Metropolitian of Art tại New York, hay Richard Mille mời Cyril Kongo đưa Graffiti lên một chiếc đồng hồ cơ Tourbillon siêu phức tạp… cùng hàng loạt dự án thú vị khác nữa đến từ Maserati, Daum, hãng bếp xa xỉ La Cornue của Pháp hay mới nhất là “người khổng lồ” Airbus mời ông vẽ lên máy bay cá nhân. Triết lý mới, sự thuần thục trong những quy tắc hội họa cùng bước đi tiên phong mang nghệ thuật ra khỏi những định kiến của Kongo đã tạo ra những màn kết hợp đắt giá, giúp nâng tầm Graffiti từ đường phố lên thành loại hình nghệ thuật được tôn trọng và có sức ảnh hưởng rộng khắp.
Sau chuyến du lịch đưa vợ và con gái lớn về thăm Việt Nam, thong dong xuống miền tây, về quê nội Huế may áo dài, thắp nhang bàn thờ tổ, ra Hà Nội và lên cả miền cao, Kongo cảm thấy thanh thản và hạnh phúc vì những mảnh ghép làm nên con người ông giờ đây đã trọn vẹn. Không chỉ muốn dừng lại ở tư cách một người khách du lịch, Kongo muốn được trở thành một phần dòng chảy văn hoá ngàn năm tuổi của quê cha. Ông tin rằng những giá trị nghệ thuật phương Tây khi được đan xen, học hỏi, kết hợp cùng những giá trị truyền thống của Việt Nam sẽ tạo được những dấu ấn khác biệt. Việc đưa tác phẩm về trưng bày tại quê nhà khi sự nghiệp đang gặt hái thành công ở quốc tế không chỉ là cơ hội giới thiệu tới khán giả Việt Nam những tác phẩm của ông mà còn mong muốn kể câu chuyện của mình để truyền cảm hứng tới những nghệ sĩ trẻ của Việt Nam, hãy mạnh dạn vươn tầm thế giới.
Từ nghệ nhân đánh giày tới hoạ sĩ và trở thành “Người lưu giữ kí ức” Hom Nguyễn
Tuy sinh ra trên đất Pháp năm 1972, Hom Nguyễn có một tuổi thơ giao thoa hai nền văn hoá khi ông sống cùng mẹ – một phụ nữ Hà Nội khép kín, không nói được tiếng Pháp trong một căn hộ khiêm tốn tại Paris. Khi mới bốn tuổi, mẹ lại bị tai nạn phải ngồi xe lăn, Hom Nguyễn đã cùng mẹ nương tựa vào nhau để đi qua những ngày vất vả nơi xa xứ. Trong kí ức của ông đẹp đẽ nhất vẫn là những buổi sáng khi mà mẹ đã đỡ bệnh, thức dậy thấy mùi thơm nồi phở trong bếp ngào ngạt. Mẹ vừa nấu vừa giảng giải cho ông về triết lý nấu ăn của quê mẹ, nơi mà sự âm dương, cân bằng, kết nối của các cung bậc gia vị rất được đề cao.
Mặc dù thích vẽ từ khoảng 8 tuổi, nhưng lớn lên Hom Nguyễn đã chọn một nghề thực tế hơn để kiếm sống, đó là nhuộm da giày. Nhờ có khiếu nghệ thuật nên những đôi giày của ông cũng sớm được khách hàng yêu chuộng, Hom bắt đầu nhận được các cuộc gọi mời hợp tác từ những thương hiệu lớn với tư cách nghệ nhân patina độc lập. Dù chưa qua trường lớp đào tạo bài bản và phải giành phần lớn thời gian chèo lái cuộc sống, bản năng hội hoạ trong Hom Nguyễn chưa từ bỏ ông. Quá đau buồn khi mẹ mất, Hom Nguyễn quyết định thu mình trong xưởng và bắt đầu làm việc mình yêu thích nhất: vẽ. Cứ tập trung vẽ một cách bản năng nhất, Hom Nguyễn bắt đầu dựng chân dung khổ lớn những yếu nhân mà mẹ ông từng ngưỡng mộ, rồi sau đó, theo dòng cảm xúc, bất kì gương mặt nào chợt xuất hiện trong tiềm thức đều được hoạ sĩ nắm bắt cảm xúc, từ hạnh phúc đến tuyệt vọng, từ dáng vẻ tới ánh mắt và đổ lên những tấm toan. Phong cách vẽ của Hom Nguyễn tự do và bản năng, gồm hàng trăm đường nét đan xen, không đầu không cuối, khi thì mềm mại, khi phóng khoáng, ghi lại chân dung một linh hồn.
Muốn hiểu về chính mình và quê hương, sau này Hom Nguyễn đã dành một vài tháng lang thang ở Việt Nam. Ông đặc biệt cảm thấy thân thương ở Hà Nội, có lẽ do những kí ức về quê hương đã được truyền đạt qua lời kể của mẹ. Hom Nguyễn rong ruổi lên Tây Bắc, khám phá cả những tập tục nghi lễ linh thiêng của người đồng bào dân tộc Lô Lô đen, một trong những trải nghiệm kì diệu đem cho ông những đột phá trong nghệ thuật sau này.
Khởi đầu là một cậu bé đánh giày vô danh trên đường phố Paris, và rồi sau này trở thành nghệ sĩ được thế giới ngưỡng mộ, với những triển lãm thu hút những dòng người đợi chờ đón xem từ Pháp, Hongkong, Indonesia, Singapore, được đích thân cựu tổng thống Pháp 2016 Francois Hollande ngợi khen, các tạp chí và tổ chức hàng đầu như Vouge, UN mời hợp tác, tác phẩm trưng bày tại các thánh đường nghệ thuật của Pháp như Grand Palais và Palais de Tokyo. Hành trình ấy không hề dễ dàng với một người con gốc Việt trên mảnh đất xa lạ, tuy nhiên có câu nói rằng “Những gì xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”, vì vậy mà tranh của Hom Nguyen như một sự đối diện với cảm xúc, một thứ tình cảm xoa dịu, đã chạm tới cảm xúc của nhiều khán giả quốc tế.
Dự án S&S Art Gallery: góc nghệ thuật đương đại tại trái tim của Sài Gòn
Tọa lạc ngay “trái tim” của Sài Gòn, bên trong tòa nhà TTTM Union Square, S&S Art Gallery là không gian nghệ thuật mới ra mắt, đã sớm trở thành điểm đến thú vị dành cho những khán giả, nhà sưu tầm yêu nghệ thuật, đặc biệt là hội họa của thành phố. Trên con đường Đồng Khởi giàu tính lịch sử – văn hóa, S&S Art Gallery trưng bày tác phẩm của hai nghệ sĩ lớn: Cyril Kongo và Hom Nguyễn, mang theo những món ăn “tinh thần” mới.
Bao quanh bởi những công trình văn hoá đồ sộ như Nhà hát thành phố, Nhà thờ Đức Bà, phố đi bộ Nguyễn Huệ, khu vực này trải qua thời gian vẫn luôn là cái nôi giao lưu văn hoá của giới trí thức thành phố. Chuyển động nơi đây là thanh âm, bộ mặt và nhịp đập “trái tim” của thành phố, nơi những tên tuổi nghệ sĩ lẫy lừng, kịch giả, nhà văn, nhà thơ đã lấy cảm hứng và cho ra đời nhiều tác phẩm xuất chúng. Tiếp nối dòng chảy đó, không gian đương đại, tối giản và mang chất đường phố, S&S Art Gallery được tạo ra với mục đích là nơi giới trẻ tới thưởng thức, lấy cảm hứng và sáng tạo. Thiết kế gợi mở, thân thiện và chào mời được lựa chọn có chủ đích. Bên cạnh đó, việc hai hoạ sĩ đương đại quốc tế Cyril Kongo và Hom Nguyễn tham gia dự án là tin vui đối với người yêu hội hoạ địa phương. S&S Art Gallery là ngôi nhà trưng bày những tác phẩm Graffiti đậm chất Caligraphy của Cyril Kongo – Mr. Colorful; đối thoại với những bức chân dung theo lối thể hiện tự do, mới mẻ, âm hưởng đường phố, đậm phần hồn và ánh mắt biết nói, tôn vinh những gương mặt phụ nữ Á Châu, thực hiện bởi “người nắm giữ kí ức” Hom Nguyễn.
Đang ở vị thế tốt trên thị trường quốc tế, bận rộn với nhiều dự án hàng đầu, khi đã có đủ danh tiếng và tiền bạc, hai nghệ sĩ nổi tiếng thế giới Hom Nguyễn và Cyril Kongo Phan không quên nguồn cội. “Trong nghệ thuật không có gì là giới hạn, cho dù bạn là ai, bạn bao nhiêu tuổi, xuất phát điểm từ đâu, không bao giờ là quá muộn cho một khởi đầu” – Hom Nguyễn chia sẻ. Trên tất cả, hai tên tuổi nghệ sĩ mong muốn trở thành một phần của dòng chảy văn hóa Việt và khuyến khích những nghệ sĩ tại quê nhà mạnh dạn đưa nghệ thuật Việt Nam tỏa sáng trên bản đồ quốc tế.
S&S Art tự hào giới thiệu những tác phẩm của Cyril Kongo và Hom Nguyen trong không gian S&S Art Gallery ngay tại trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là một điểm hội tụ những tinh hoa nghệ thuật nói chung và trường phái đương đại nói riêng, từ khắp nơi trên thế giới,với nguyện vọng được đóng vai trò là một cầu nối giữa những điều đẹp đẽ mà nghệ thuật mang lại có thể gần hơn đến công chúng.
Để đảm bảo một không gian thưởng thức nghệ thuật an toàn, S&S Art Gallery hiện tại đón khách tham quan theo lịch hẹn từ 9h sáng đến 8h30 tối từ thứ Hai đến thứ Bảy và mở cửa đón công chúng tham quan tự do vào ngày Chủ Nhật.
S&S ART GALLERY
Union Square Shopping Centre – 171 Đồng Khởi, quận 1, TP. Hồ Chí Minh
RSVP Ms. Ly Đỗ (+84) 84 3388855
Email RSVP: art.info@ssgroup.net