Ông Phan viết truyện ngắn gửi đăng báo. Chuyện của ông được nhiều người ưa thích, nhất là những người dễ tính. Họ đọc để giải trí chứ không đòi hỏi tác phẩm phải chuyên chở những triết lý, ẩn dụ phiền phức.
Đa số các câu chuyện của ông Phan là chuyện vui. Chế giễu các bà. Quý bà đọc, không giận mà còn thích thú, nhiều người còn hỏi nơi đăng truyện xin số điện thoại của ông để gọi đến khen ngợi. Bất cứ ai, đang có chuyện buồn, bực mình hay chán nản điều gì, đọc xong truyện ông Phan viết đều phải bật cười. Ông Phan cũng viết một số truyện mà ông đã gặp ngoài đời, hoặc nghe kể lại, hoặc của chính bản thân ông. Dĩ nhiên, dù chuyện thật bao nhiêu, ông cũng thêm vào những tình tiết éo le, lâm ly để người đọc thả hồn vào một cảnh trí khác mà quên đi thực tế của cuộc đời.
Có lần, một nữ độc giả gọi ông Phan: “Vừa rồi, báo đăng truyện của chú. Chuyện đó có thực không chú?”. Ông Phan chẳng biết chuyện nào nhưng cũng trả lời: “Chuyện thực một nửa thôi. Tôi phải pha chế, thêm thắt vào cho người đọc đỡ chán”. “Sau này chú có gặp lại cô ta không chú?”. “Tôi viết truyện, làm gì có thực mà gặp lại cô nào! Cô đọc để giết thì giờ, rồi quên đi, đừng bận tâm mà bị ám ảnh”. “Nhân vật xưng tôi, cháu biết ngay là chuyện thực của chú”. Ông Phan lại phải giải thích: “Nhân vật xưng tôi để người đọc thấy gần gũi, dễ thông cảm, chứ làm gì có thật”. “Chú viết hay lắm!”.
Được khen, ông Phan sung sướng, có cảm tình ngay với cô độc giả ấy, hơn nữa, giọng cô nói rất dịu dàng, nhỏ nhẹ khiến ông muốn nghe cô nói mãi. Điều làm ông cảm động và biết ơn nữa là hầu như cô gái đó đọc tất cả các truyện ông đăng trên báo. Cô đưa ra những nhận xét tỉ mỉ và bất ngờ khiến ông thú vị. Một lần khác, cô gọi: “Truyện vừa rồi, chú kể về thời chú còn nhỏ, ở một thành phố cổ, khiến cháu nhớ lại tuổi học trò của cháu. Bạn cháu rủ cháu về Việt Nam, còn định về thăm thành phố của chú, thăm mấy chỗ mà chú nhắc đến trong truyện. Chú viết giống như đang kể chuyện thực của cháu với tụi bạn, chỉ khác tên trường học và tên các nhân vật”.
Ông Phan buồn cười: “Chuyện học trò ở đâu, thời nào cũng tương tự vì nó ngây thơ, lãng mạn nhưng trong sáng”. “Để cháu kể chuyện cháu cho chú nghe. Hồi đó, cháu học trường…”. Cô kể về những bạn trai, bạn gái ở trường, những buổi đi chơi, đi ăn quà rong, chọc ghẹo nhau, để ý nhau, thương nhau. Cô thích tâm sự về những kỷ niệm, những mối tình thoáng qua trong đời cô. Có khi cô kể chuyện cô lập gia đình, chồng con ra sao, làm ăn thế nào, cạnh tranh giữa các cửa tiệm, về nhân viên… Qua đó, ông biết cô đang làm chủ một tiệm hớt tóc hay làm móng tay gì đó.
Hễ tiệm vắng khách là cô gọi ông, nói cho đến khi có khách thì cô ngưng: “Cháu có khách. Cháu gọi lại nghe!”. Nhiều khi đang vơ vẩn, không biết làm gì, nghe cô gọi là ông mừng lắm, lắng nghe giọng nói vui vẻ, dễ thương của cô, thỉnh thoảng ông hỏi một câu để cô nói tiếp. Cô thích kể lại những kỷ niệm đẹp thời còn đi học. Ông Phan nghe nhiều lần rồi nhưng vẫn xuýt xoa, làm bộ ngạc nhiên như nghe lần đầu để cô vui. Ông ít khi gọi cô vì thấy không nên làm như thế, nhất là sợ cô bận khách. Ông xem cô như bạn thân. Hễ có quyển sách, đĩa nhạc, DVD ca kịch, du lịch mà ông thấy hay, ông đều gửi tặng cô. Cô cũng gửi tặng lại mấy món quà.
Một lần cô gọi: “Theo như chú viết thì cháu đoán chú khoảng ba, bốn chục tuổi. Đúng không?”. “Đúng vào lúc câu chuyện xảy ra. Cô cứ cộng thêm mấy chục năm tiếp theo khi tôi ở Mỹ là biết tuổi thật của tôi”. “Bây giờ chú bao nhiêu tuổi?”. “Trên tám mươi”. “Giọng chú nói mạnh khỏe, vui vẻ như thanh niên mà già sao được, nhất là những truyện chú viết, vui lắm, đọc xong là cười mãi”. “Mỗi người, bất cứ ở tuổi nào, đều có một đứa trẻ trong tâm hồn. Hãy để đứa trẻ đó tự do, vui chơi. Ngoài đời, nó không sống tự nhiên được nên tôi phải đưa nó vào trong truyện”.
- Xem thêm: Cơn say cuối cùng
“Chú nói gì cháu cũng không tin. Chú gửi hình chú cho cháu. Nhìn hình chú là cháu biết tuổi ngay. Cháu cũng sẽ tặng chú hình của cháu, để rủi có gặp nhau cũng biết mà chào hỏi”. “Cô nào tự tin mình đẹp mới thích tặng hình cho bạn bè”. “Đẹp đại khái thôi! Thời đi học, bạn bè khen cháu dễ thương. Chú có giấy viết đó chưa? Ghi địa chỉ của cháu…”. “Rồi, nhưng đề tên ai?”. “Tên Trăng”. “Trăn là con rắn hay mặt trăng? Tên Trang nghe đẹp hơn”. “Tên Trang cũng được, tên gì cũng đến tay cháu. Cháu là chủ tiệm mà”. “Biết tên cô rồi. Từ nay tôi xưng chú và gọi tên Trang. Được không?”. “Chú xưng chú, bác gì cũng được. Nghe giọng chú gọi là biết chú liền”.
Trong cộng đồng người Việt ở thành phố của ông Phan có một ông cụ rất đẹp lão. Râu tóc bạc phơ, như tiên ông. Tuy đã trên tám mươi nhưng cụ vẫn mạnh khỏe và hăng hái trong việc cộng đồng. Ông Phan đến tìm cụ, xin chụp một tấm hình, rọi ra rồi gửi hình ông cụ ấy cho cô Trang, sau tấm hình ghi “Hình của ông Phan”. Tuần sau cô gọi: “Cháu nhận được hình chú rồi. Cảm ơn chú nhiều lắm! Nhờ tấm hình chú mà cháu hết sợ cháu, hết sợ chú”.
“Thấy hình chú thì Trang phải sợ chứ. Sao lại hết sợ?”. “Cháu nói vậy chú đủ hiểu rồi. Chú đoán thử cháu nghĩ gì?”. “Chú biết rồi. Ý Trang muốn nói, chú già cỡ đó thì chẳng thể âm mưu gì ở Trang và Trang cũng không còn sợ mình tưởng tượng, mơ mộng này nọ. Phải không? Trang yên tâm, chú xem Trang như bạn thôi”. “Bạn gì chú?”. “Bạn trai. Bạn văn nghệ. Hơn nữa, chú cháu mình cách nhau mấy giờ bay. Hơi sức đâu làm chuyện tào lao cho mất thì giờ lại tốn kém, nhất là gia đình Trang hiểu lầm thì không hay. Chú chỉ thích nghe giọng nói vui vẻ, dễ thương của Trang thôi.
Trang cũng đừng ngại khi kể cho chú nghe chuyện tình cảm hoặc những xao xuyến khi gặp một anh chàng nào đó. Chẳng tội lỗi gì, cũng đừng mặc cảm với chồng con. Thỉnh thoảng mơ mộng chút ít để trang trí tâm hồn, cho cuộc đời khỏi đơn điệu. Giống như ăn tô phở phải thêm chút ớt cay, vắt miếng chanh… đủ gia vị mới ngon, nhưng phải biết ngừng đúng lúc, nếu không sẽ cháy nhà”. “Sao phải cháy nhà, chú?”. “Nghĩa là gia đình tan nát, coi như cháy sạch”. “Cảm ơn chú. Cháu đã hiểu”.
Tình bạn giữa hai người, sau vài năm, trở thành thân thiết. Bất cứ chuyện gì cô cũng gọi kể cho ông Phan nghe. Một ngày kia, tết đến. Sáng mồng một, cô Trang gọi ông Phan: “Năm mới, chúc chú sức khỏe, vạn sự như ý”. “Cảm ơn Trang. Năm mới, Trang muốn chú chúc gì”. “Chú chúc cháu hai điều. Thứ nhất, chúc cháu được gặp người thật của chú. Thứ hai, chú chúc cháu cách nào mà cháu lớn bằng tuổi chú”. “Điều thứ nhất thì dễ quá. Có dịp qua bang Trang ở, chú ghé thăm. Điều thứ hai. Chúc Trang mỗi năm thêm năm, bảy tuổi”.
“Vậy là chỉ mấy năm nữa cháu sẽ bằng tuổi chú”. “Rồi sẽ gọi nhau bằng anh em chứ gì? Nhưng sau đó, Trang biết sẽ ra sao không? Cứ mỗi năm thêm năm, bảy tuổi nữa, Trang sẽ lớn tuổi hơn chú, chú phải gọi Trang bằng chị, xưng em, rồi bằng dì, xưng cháu, rồi Trang thành bà già, trên trăm tuổi…”. “Lúc Trang gần bằng tuổi chú, chú phải cạo râu, nhuộm tóc để có gặp nhau, cháu gọi chú bằng anh, chú khỏi mắc cỡ”. “Chú sẽ cạo râu khi gặp Trang. Bây giờ thì vẫn còn là ông cụ đẹp lão. Nhưng Trang chúc chú vạn sự như ý thì chú muốn đốt nhà Trang được không?”. “Cháu sợ điều đó xảy ra mà chú lại dọa cháu”. “Nói giỡn cho vui thôi. Chú không âm mưu gì với Trang đâu”. “Cháu không hiểu cháu. Chú cũng không hiểu cháu”.
“A lô! Chú đang ở thành phố của Trang đây”. “Chú đến lúc nào vậy?”. “Ngay sáng nay. Chú và mấy người bạn từ miền Đông bay qua Houston (Texas), ở chơi mấy ngày rồi đi xe qua San Antonio. Từ San Antonio theo đường 35, định đi Dallas Fortworth. Sáng nay đến Austin thăm một người bạn, hiện giờ ghé điểm tâm ở Round Rock. Trang biết tiệm ăn Á Đông ở đó không? Mời Trang đến điểm tâm với tụi chú”. “Cháu biết tiệm đó. Mươi phút nữa cháu sẽ đến. Gặp chú rồi cháu phải về tiệm ngay. Chú đứng trước cửa tiệm đón cháu nghe. Nhưng cũng không cần, cháu vô tiệm, thấy người nào già nhất, râu tóc bạc phơ là biết chú ngay”. “Chú cạo râu rồi. Dù sao cũng phải đón Trang chứ. Đâu mất lịch sự đến độ đó”.
- Xem thêm: Bóng hình khó phai
Cô Trang đậu xe trước tiệm ăn, mở cửa bước ra, dáo dác nhìn quanh. Ông Phan tiến đến: “Trang. Chú đây nè!”. Cô Trang quay lại, lấy tay đè lên ngực: “Trời đất! Chú Phan đây hả? Sao chú đánh lừa cháu. Chú gửi hình ông già nào cho cháu vậy?”. Rồi cô lùi lại ngắm ông Phan: “Chú nói chú tám, chín chục tuổi, già hom hem. Hóa ra chỉ cỡ sáu mươi, cao lớn, ngon lành. Chắc mấy bà nạ dòng gặp chú hoài. Phải không?”. “Không có đâu. Mời Trang vô tiệm với tụi chú”. “Cảm ơn chú. Cháu không vào đâu. Cháu ngại gặp nhiều người. Bây giờ cháu phải về tiệm”. “Ủa, gặp nhau, nói mấy câu là hết sao?”.
“Cháu ước được gặp người thực của chú. Bây giờ gặp rồi. Cháu phải về làm việc. Cháu có khách hẹn đến tiệm. Chú vào với các bạn chú đi”. “Nói với nhau vài câu nữa, không được sao?”. Cô Trang mở cửa xe, tần ngần một lúc và nói: “Chiều nay, lúc bốn giờ, cháu gặp chú ở tiệm cà phê đằng kia. Một mình chú thôi. Cháu không thích đông người”. “Cảm ơn Trang”. Ông Phan nhờ bạn đưa đến tiệm cà phê, bước vào đã thấy cô Trang ngồi trong đó. “Trang chờ chú lâu không?”.
Cô lắc đầu: “Cháu mới vào. Chú uống gì?”. Cô Trang đi lấy hai ly cà phê nóng. “Chú uống cà phê có bị mất ngủ không?”. “Chú nằm xuống là ngủ liền, nhưng tối nay phải thức nhậu nhẹt, trò chuyện với bạn bè”. “Những người dễ ngủ thường vô tâm. Cháu mà được vô tâm như chú thì cháu không đến nỗi già như thế này. Cháu già lắm phải không chú?”. “Xin lỗi, chú quên khen Trang trẻ và đẹp. Trang tên Trăng là đúng. Mặt tròn như của Thúy Vân. Khuôn trăng đều đặn nét ngài nở nang”. Cô Trang nhìn ông Phan mỉm cười: “Thúy Vân đâu có đẹp!”.
Ông Phan cũng cười: “Trang đẹp hơn Thúy Vân. Mắt vui, miệng có duyên. Khách đến tiệm mà nghe Trang nói thì không thể quên, dù là khách nữ cũng phải quay lại”. Tiệm cà phê vắng khách, yên tĩnh, cả hai cảm thấy thoải mái. Cô Trang hỏi chuyện đi đường, chuyện thăm viếng bạn bè của ông Phan, còn ông thì hỏi về gia đình, việc làm ăn của cô. Hai người chuyện trò vui vẻ, quên cả thời gian. Ông Phan ngồi ngắm chiếc miệng duyên dáng với giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng của cô một cách vui thích khiến cô đang nói chợt ngưng lại vì mắc cỡ. Cô nhìn chỗ khác.
Ông Phan nói: “Trang đẹp hơn trong hình gửi cho chú”. Cô quay lại: “Chú xạo!”. Rồi cả hai cười xòa. Cô Trang bạo dạn hơn: “Chú còn nhớ, có lần chú chúc cháu, mỗi năm già thêm năm, bảy tuổi. Năm nay cháu bằng tuổi chú rồi”. “Thành anh em rồi phải không? Bởi vậy chú về đây, để làm gì Trang biết không?”. Cô xụ mặt: “Chú đốt nhà cháu! Cháu đang sợ mà chú cứ dọa cháu hoài. Cháu giận chú rồi”. “Xin lỗi Trang. Chú nói ẩu tả, đùa cợt với bạn bè quen miệng”. Cô nhìn đồng hồ, đứng lên: “Cháu phải về”.
Cả hai bước ra, đứng trước tiệm cà phê. Ông Phan nói: “Chú thấy ở đây yên tĩnh, phong cảnh đẹp. Ông bạn chú rủ chú về đây ở luôn với ông ta”. Cô lắc đầu: “Không được! Chú không được ở đây. Cháu sợ lắm! Chú ở đây thì cháu dọn nhà đi bang khác ngay. Bây giờ cháu phải về”. Cô yên lặng một lúc rồi ngước nhìn ông Phan, ứa nước mắt: “Mai chú đi rồi, phải không? Chúc chú đi bình an, vui vẻ”. Giọng cô run run: “Từ nay chú đừng gọi cháu nữa. Cháu cũng không gọi chú. Chú hứa đi! Không gọi cháu nữa”. Ông Phan bối rối: “Chú xin lỗi Trang.
Chú không hiểu mình đã nói gì, làm gì khiến Trang giận chú”. Cô cúi đầu, mím miệng, như chờ đợi điều gì, như muốn nói điều gì. Chợt cô ngước lên: “Chú ngốc lắm!”. Rồi cô bước nhanh ra xe. Ông Phan đứng sững: “Chú xin lỗi Trang. Chiều mai chú mới lên đường. Không cho chú gọi Trang thì Trang gọi chú nghe!”. Cô lắc đầu, vào xe, lái đi. Cô Trang cho xe ra đường mà không biết mình đang đi đâu. Tiếng hát từ trong đĩa nhạc trong xe vang lên nho nhỏ “…Dù tình yêu đã quá xa tầm tay với. Dù mai kia bước chân này rã rời. Thành tượng đá bơ vơ phương trời…”.
Nước mắt làm nhạt nhòa con đường trước mặt. Không thấy rõ đường, cô phải tấp xe vào một công viên, tắt máy, ngồi lặng người, mắt nhắm lại, để mặc cho đôi dòng lệ tuôn rơi. Rồi không hiểu sao, cô bấm số điện thoại. Nghe bên kia chuông reo, cô lại bấm tắt. Và cứ áp điện thoại vào tai, cô thì thầm: “Chú ngốc quá! Chú từng viết: “Hạnh phúc của anh là khi em đang rơi nước mắt”. Thấy cháu khóc mà chú chẳng hiểu gì cháu cả”.