Bộ phim “Màu cỏ úa” – câu chuyện về nhạc sĩ Trần Tiến và những ngày du ca sẽ chính thức công chiếu lần đầu tiên tại rạp Dcine Bến Thành vào ngày 23-11 sắp tới.
Đây là bộ phim thuộc thể loại tài liệu âm nhạc có độ dài 80 phút, với nhân vật chính là “gã du ca” nổi tiếng số một Việt Nam – nhạc sĩ Trần Tiến, cùng với sự xuất hiện của gia đình, bạn bè và nhiều giọng ca gắn bó với âm nhạc của ông.
Sức sống của âm nhạc Trần Tiến là điều không thể phủ nhận. Ông có vô số những sáng tác đại chúng mà chỉ cần vài nốt nhạc cất lên, mọi người đã có thể hoà giọng như Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én, Điệp khúc tình yêu, Chị tôi… Những chuyến du ca của ông đã trở thành ký ức của nhiều thế hệ thanh niên.
Trần Tiến giờ đây đang tận hưởng những năm tháng tuổi già tại thành phố biển Vũng Tàu xinh đẹp nhưng những hành trình mà ông đã đi qua và để lại dấu ấn trong cuộc đời này xứng đáng được lưu giữ lại cho các thế hệ mai sau.
Bộ phim đi qua nhiều tỉnh thành như Hà Nam, Hà Nội, Quảng Bình, Lâm Đồng… Đây đều là những nơi đã in dấu chân du ca của nhạc sĩ Trần Tiến. Xuyên suốt bộ phim là những lời tự sự về chiến tranh, về Hà Nội và về biển. Bởi lẽ, trong mắt đạo diễn, ba yếu tố này dường như là những điều đậm đặc nhất, cũng chính là những yếu tố tạo nên con người Trần Tiến và âm nhạc của ông.
Đặc biệt, Màu cỏ úa cũng cho thấy sự ảnh hưởng của Trần Tiến đối với gia đình, bạn bè, đồng đội và đối với những người nghệ sĩ trẻ. Trong phim còn có sự xuất hiện của Nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, ca sĩ Trần Thu Hà, con gái cùng gia đình của nhạc sĩ…
Chưa từng học qua trường lớp điện ảnh chính quy nào, đạo diễn trẻ Lan Nguyên cùng với những người bạn của mình đã thực hiện bộ phim với hơn 15 đợt quay trong suốt 5 năm, điều này cho thấy sự liều lĩnh của mình khi kiên trì theo đuổi mong ước được trò chuyện cùng Trần Tiến qua ống kính máy quay. Với tông màu đen trắng, những thước phim được thực hiện bằng rất nhiều loại máy khác nhau, có lúc là máy quay chuyên dụng mượn được, có lúc chỉ chớp khoảnh khắc bằng điện thoại di động.
Ban đầu, nhạc sĩ Trần Tiến từ chối cho Lan Nguyên làm phim về ông. Nhưng sau một cuộc nói chuyện dài, khi biết cô chính là người đã trình bày phiên bản Tạm biệt chim én “ngây thơ nhất” mà ông rất thích, ông đã thay đổi ý kiến.
Ông nói:“Nếu hát được nhạc của chú thế này, thì chắc là làm phim được”. Và hành trình bắt đầu!
Lan Nguyên, tên thật là Nguyễn Thuý Lan, sinh năm 1990. Lan Nguyên tốt nghiệp Á khoa Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhưng tìm thấy đam mê thực sự của mình trong thế giới của hình ảnh và âm thanh. Sau khi tốt nghiệp, Lan Nguyên trở thành phóng viên – biên tập viên truyền hình. Cô đi khắp đất nước, làm nhiều phóng sự, phim tài liệu về văn hóa, ẩm thực, bản sắc và con người Việt Nam. Đó cũng là khoảng thời gian Lan Nguyên thu nhặt về cho mình vô số câu chuyện từ những con người bình dị nhất.
Bộ phim có buổira mắt công chúng lần đầu tiên tại TP.HCM ở rạp Dcine Bến Thành vào ngày 23-11 và ở L’Espace Hà Nội vào ngày 30-11.
– Ảnh Đoàn phim cung cấp