Người Khmer có câu ca rằng: “Bòn1 ơi, tâu na2 bòn ơi!/ Kiếm lấy trái quách ăn chơi ngày hè!”. Quách là thứ trái cây đặc hữu ở các địa phương Tây Nam bộ có đông người Khmer sinh sống. Ngày trước, quách là loại cây mọc hoang trong các vườn tạp.
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, loài cây này có nhiều ở Trà Vinh và Sóc Trăng.Cây cao tầm chục mét trở lại, lá nhỏ, nhánh có gai giống như cây kiểng cần thăng.Hiện nay, không còn thấy cây quách mọc hoang mà nó được trồng rải rác trong các phum, sóc của người Khmer.Cây sống càng lâu năm thì trái càng nhiều. Quách cũng có thể ăn non bằng cách đập, cạy lấy cơm chấm muối ớt. Quách non có vị chát chát, chua chua giống như ổi. Từ tháng chạp đến ra giêng năm sau là mùa quách chín.
Giống như trái sầu riêng, quách chín rụng vào ban đêm, sáng sớm chỉ cần ra vườn lượm về. Trái quách tròn cỡ gáo dừa khô, có lẽ vì thế mà dân gian còn gọi nó cây gáo, trái gáo.Để vài ba bữa trái quách chín muồi, da mốc trắng và tỏa mùi hương thơm ngát rất đặc trưng.Vỏ quách cứng như vỏ dừa, phải đập mới bể.Bên trong ruột, phần cơm mềm có màu nâu như me chín, với những hạt li ti nhỏ hơn hạt lựu, vị chua chua, ngọt ngọt, beo béo, giòn giòn, thơm.Trái quách chín dầm nước đá đường vừa ngon miệng vừa có tác dụng giải nhiệt. Người ta bửa đôi trái quách ra, dùng muỗng nạo phần cơm cho vào ly đánh nhừ, thêm đường cát và nước đá bào sẽ được một món giải nhiệt ngày hè.
Ruột quách còn được ngâm rượu gạo hoặc rượu nếp. Có thể nạo phần cơm ngâm với rượu, hoặc xắt trái quách thành từng miếng cho vào hũ rượu, hay dùng dao khoét vài lỗ trên trái quách rồi ngâm cả trái với rượu. Cách ngâm nào đi nữa khi thành phẩm rượu phải trong, thơm mùi quách mới đạt. Rượu quách uống là vị thuốc bổ, giúp gân cốt khỏe mạnh, bổ thận, nhuận tràng, dễ tiêu… Bà con người dân tộc Khmer hễ nhà nào trồng quách thì trong nhà luôn có một hũ rượu quách để đãi khách quý hoặc người thân đến thăm.
* 1 Bòn: anh, ông (cách xưng hô kính trọng)
2 Tâu na: đi đâu?
– Hai Miệt Vườn