Một ngày nào đó, các bậc cha mẹ sẽ phải đối mặt với những câu hỏi của trẻ như ‘Chết là thế nào hả mẹ? Chúa là ai hả ba? Tại sao chim của con gái không giống của con trai hả mẹ?’
Thiếu từ ngữ hay chỉ đơn giản là lúng túng, các bậc cha mẹ thường không biết phải làm thể nào để xử lý vấn đề một cách hợp lý. Nhà nữ tâm lý học Florence Millot mách cho chúng ta một số bí quyết trong quyển sách Trả lời thế nào cho các con?.
“Ba ơi, Chúa có tồn tại không?”, “Mẹ ơi, tại sao chim của con gái không giống như con trai?” Thật khó tìm ra từ ngữ thích hợp để trả lời những câu hỏi đại loại như thế, đặc biệt là khi câu hỏi được tung ra không đúng lúc như đang lái xe đưa trẻ đến trường hay đang nấu nướng chuẩn bị bữa ăn tối. Kết quả là chúng ta không biết trả lời thế nào, phân vân giữa điều gì nên và không nên nói, nhưng lại không biết trẻ có thể hiểu không và e ngại nói quá nhiều khi trẻ hãy còn nhỏ tuổi.
“Tuy nhiên, việc đặt câu hỏi là một phần của quá trình giáo dục, nó giúp phát triển trí thông minh của trẻ”, tác già Florence Millot viết trong tác phẩm của mình có nhan đề Trả lời thế nào cho các con (Comment parler à ses enfants) do nhà Albin Michel xuất bản. Vậy bạn sẽ xử lý tình huống như thế nào ? Florence Millot nhấn mạnh đến lợi ích của “việc lắng nghe trực giác của mình với tư cách là cha mẹ để tìm ra câu trả lời mà bạn cho là thích hợp nhất”.
- Xem thêm: 6 bí quyết để nuôi dạy trẻ ngoan
Nhà tâm lý học giải thích: “Không nhất thiết phải nói ra toàn bộ sự thật, mà chỉ cần nêu ra ý quan trọng đối với trẻ. Chúng ta phải giúp trẻ xây dựng quan điểm của trẻ về cái chết, Chúa hay các vấn đề khác. Bởi vì từ lúc trẻ hình thành câu trả lời trong đầu của mình, lúc mà trẻ tưởng tượng ra những hình ảnh của riêng mình, trẻ sẽ cảm thấy an tâm”. Ngược lại, Florence Millot khuyên: “Hãy quên câu trả lời đọc trên Internet, trên các tạp chí hay lời khuyên từ những người bạn không biết rõ tình hình hay tính nhạy cảm của con bạn; nếu không, bạn sẽ tự tạo ra sự cách biệt với trẻ”.
Sau khi chết, chúng ta đi về đâu?
Cái chết là một ví dụ rõ rệt về những gì có thể nói hay không nói với trẻ. Do đó, “chúng ta sẽ không giải thích cho một đứa trẻ rằng sau khi chết, chúng ta đặt xác chết vào một cái hố, sau đó lắp đất lại và chấm hết. Cách giải thích này là quá thô thiển, sống sượng đối với trẻ”, Florence Millot lưu ý. Vậy có cần thiết phải nói thẳng nói thật thực tế? “Điều quan trọng là phải nói chúng ta không biết mình sẽ đi về đâu sau khi chết, đây là một sự thật mà chúng ta không ngại phải nói ra.
Vì vậy, chúng ta không ngần ngại phải dùng từ “chết” trong lời giải thích. Sau đó thi vị hóa một chút cái chết bằng cách nói rằng chết giống như trở nên vô hình, không còn nhìn thấy được nữa. Chúng ta có thể them cụm từ như: ”Nó giống như một chuyến đi dài” hay “chúng ta lên thiên đàn, lên trời”. Điều này giúp trẻ hình thành sự tưởng tượng của riêng mình. Chúng ta phải cùng với trẻ xây dựng câu trả lời. Đừng quên rằng trẻ có tập tính học theo cách ẩn dụ. Đó là lý do tại sao chúng ta thường đọc truyện hay thơ cho trẻ nghe”.
Chúa có thật không?
Đây là một câu hỏi mang tính hiện sinh, đậm chất triết học mà trẻ thường đặt ra. “Vấn đề là không ai có câu trả lời chuẩn xác. Nhưng dù sao thì đây cũng không phải là vần đề nghiêm trọng vì ý tưởng không phải phơi bày cho trẻ một sự thật sẵn có, mà là để giúp cho trẻ tự tìm ra ý tưởng về Chúa của riêng mình”, Florence Millot nhấn mạnh. “Hãy nói với trẻ rằng có một số người tin vào sự tồn tại của Chúa, số khác lại không.
Sau đó, hỏi trẻ có muốn Chúa tồn tại không ? Chúa có quan trọng đối với trẻ không? Trẻ có hạnh phúc khi nghĩ đến Chúa? Phải giúp trẻ cảm nhận thế nào trong lòng để tự bản thân suy nghĩ về vấn đề này, về hình ảnh của Chúa trong tâm trí trẻ, bản thân trẻ miêu tả Chúa như thế nào? Cần phải để cho trẻ tự do tin hay không tin vào sự tồn tại của Chúa, vì đây là một vấn đề rất thầm kín và riêng tư. Nếu cha mẹ có suy nghĩ trái ngược với trẻ cũng không thành vấn đề.
Làm tình là gì?
“Một lần nữa, chúng ta đặt câu hỏi ngược lại cho trẻ có ý kiến: ‘Theo con thì làm tình nghĩa là gì?’ Bởi vì nói chung, trẻ biết câu trả lời, nhưng muốn kiểm tra ‘người lớn’. Sau đó, hãy để trẻ nêu ra ý kiến của mình, và nếu cần bổ sung ý, chúng ta có thể nói: ‘Làm tình là ở bên nhau và có nhiều niềm vui vì hai người yêu nhau’. Không cần phải thêm nhiều chi tiết. Và nếu trẻ khăng khăng tỏ ra rất tò mò, bạn đừng ngần ngại hỏi trẻ tại sao. Có ai đó đã nói với trẻ về vần đề này chưa ? Điều quan trọng cần biết là vì đôi khi các bạn đã chế giễu trẻ trong giờ ra chơi ở sân trường”, Florence Millot bổ sung.
Tại sao ba mẹ hút thuốc nhưng lại nói là không tốt?
“Trẻ em có sở trường soi mói vào những gì sai trái, có hại, và điều này càng tốt”, Florence nói. “Khi người lớn thiếu nhất quán, không kiên định, trẻ nhận ra ngay và cảm thấy cần phải hỏi cho ra lẽ để biết ý nghĩa và giá trị lời nói của người lớn. Điều quan trọng là làm cho trẻ hiểu rằng chúng ta muốn điều tốt nhất cho trẻ nhằm bảo vệ trẻ, để trẻ trở thành người tốt.
Đôi khi, dù là người trưởng thành và đã cố gắng hết sức, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng thành công. Chúng ta cũng có thể khen, khuyến khích trẻ vì đã nhắc nhở. Điều này có thể tạo ra sự gắn kết với những gì chúng ta đang nói với trẻ”, Florence Millot cho biết.
Tại sao “chim” của con gái khác với con trai?
“Nếu đôi khi câu hỏi này làm cho chúng ta phì cười, nó lại là câu hỏi rất quan trọng đối với trẻ, vì vậy không nên gạt bỏ nó qua một bên”, Florence Millot lưu ý. “Cần phải nhấn mạnh rằng sự khác biệt giữa trai và gái là nền tảng vì nhờ có con gái mà chúng ta có thể sinh ra em bé. Thực tế, con trai có thể đưa hạt giống vào bụng con gái nhờ “chim” của cậu ta. Sự khác biệt căn bản này giúp tạo ra sự sống. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên cho trẻ biết rằng tuy bộ phận sinh dục của con gái không nhìn thấy, nó cũng quan trọng như của con trai”.
- Xem thêm: Kiên nhẫn với con cái
Tại sao người phụ nữ đó mập?
“Từ 3 tuổi, khi trẻ bắt đầu khám phá thế giới chung quanh, nó sẽ tự đặt câu hỏi về mọi thứ. Đây là diễn tiến của quá trình phát triển của trẻ. Vấn đề là những câu hỏi này không qua sự chắt lọc nào. Khi sự việc hay vấn đề xuất hiện trong đầu trẻ, nó lập tức thúc những người chung quanh giải thích.
Vì vậy, đừng la trách trẻ vì nó không có ý xấu hay hỗn láo. Thay vào đó, nên giải thích cho trẻ biết có những sự việc có thể nêu ra và cũng có nhiểu sự việc phải giữ trong đầu, bằng cách giải thích rằng có lẽ người phụ nữ đó buồn vì mập”, Florence Millot lưu ý.
Sáu đó, cũng nên gợi ý, ví dụ như hỏi trẻ: “Còn con thì sao? Nhỏ? Gầy? Tóc màu hung? và cố gắng đưa ra ý nghĩa của sự suy nghĩ bằng cách nêu ra cho trẻ thấy mọi người không giống nhau, nhưng không nên đưa ra nhận xét, Florence Millot kết luận.