Mùa lá rụng cách đây 7 năm, tôi rời gia đình để theo đuổi ước mơ của riêng mình. Vì thương tôi, ba má sụt sùi nước mắt, duy chỉ mình Út không chút cảm động hay nhỏ lệ. Em nép mình sau cánh cửa rồi nhìn tôi bằng ánh mắt đượm buồn xen lẫn chút giận hờn, hờ hững. Ba má không hiểu chuyện gì, nhưng tôi lại thấu cảm tâm trạng của em. Tôi biết lúc đó, Út chỉ nghĩ: “Hai nói dối! Không ở nhà dẫn em đi xem lân”. Bởi lẽ, Út thích những con lân cách lạ lùng và trí năng em không thể nghĩ được điều sâu sắc: “Em sắp phải rời xa tôi”.
Đã bao lâu rồi, em tôi trở nên như thế?
Tuổi thơ bên Út là những tháng ngày đong đầy cảm xúc, là một bầu trời kỷ niệm thân thương, để khi nhớ về, sự hụt hẫng làm tôi bâng khuâng, khó diễn tả. Với tôi, Út luôn là một cô bé xinh đẹp. Dẫu đã lớn nhưng em vẫn còn nhỏ dại. Tuổi Út đã là 16, tụi bạn đồng trang lứa với em hiện là những nam thanh nữ tú tại các trường cấp ba. Ấy vậy, Út vẫn phải ở nhà với ba má.
Út được sinh ra lành lặn trong tình yêu thương của cả gia đình tôi. Đến gần 2 tuổi, Út ốm nặng, sốt cao rồi lên cơn co giật. Sau này, tôi biết được, chứng bệnh ấy gọi là kinh phong. Tưởng một lần rồi thôi, ngờ đâu những cơn co giật cứ bám chặt vào em. Mỗi lần sốt cao, căn bệnh ấy lại dày vò thân xác Út. Ba má là người túc trực bên em trong những lần như thế. Lúc đó, tôi không tỏ chút gì quan tâm.
Đến một ngày, lần ba tôi vào tận Sài Gòn để nuôi má vì căn bệnh hở van tim, tôi phải cáng đáng tất cả công việc nhà. Chợt, Út nóng sốt rồi lên cơn co giật. Nước bọt từ miệng em trào ra, mặt tái nhợt cách tội nghiệp. Tôi ôm Út chạy khắp đường làng tìm người giúp đỡ. Tôi vừa chạy, vừa khóc, vừa run. Tôi sợ Út chết trên đôi tay của tôi. Nhưng may thay, lần ấy cũng qua. Tôi học được cách làm giảm cơn đau cho Út nhờ một người phụ nữ trong làng: phải đặt một muỗng nhỏ vào miệng để Út không cắn lưỡi, kéo dãn các ngón khi bàn tay em nắm lại, bấm chặt hai ngón chân cái để các dây thần kinh của em bớt co rút… Mỗi lần nhớ đến gương mặt ấy, tôi thương Út vô cùng.
- Xem thêm: Sang thu
Đến tuổi, Út được má đưa đến trường. Sau hai năm lớp 1 vất vả, em vẫn không thể đọc – viết. Má đành cho Út ở nhà vì bạn bè trêu chọc, vì trí khôn em không tiếp thu được con chữ. Ít lâu sau, khi thấy em cứ ôm ghì mấy cuốn tập, má gửi em vào lớp học dành cho người khuyết tật của các Sơ. Khoảng thời gian học tại đó, tôi nhớ có lần Út được chọn làm chị Hằng, cùng đi múa lân để kiếm chút quà trung thu. Tôi theo má đến xem Út tung tăng cùng những đứa trẻ kém may mắn. Út xinh đẹp lắm nhưng em vẫn buồn. Tôi biết, Út muốn được là người cầm lân. Nhìn Út, nước mắt má và tôi chợt dâng lên mi. Rồi Út cũng thôi học tại đó. Lần này, má sợ em nhiễm những thói quen không tốt: nói cười một mình, giả vờ làm những động tác của các bạn mắc hội chứng Down… Vì thế, Út ở nhà với ba má cho đến tận bây giờ. Thế nhưng, sở thích xem lân của em vẫn còn đó, ngày nào nhà tôi cũng ồn ào tiếng “cắc tùng” từ các clip múa lân. Những thùng mì, nón lá, mền là những thứ luôn chất đầy bên giường ngủ của em. Ai cũng thương Út nên mọi người đều quý trọng những thứ của em.
Mỗi mùa thu qua, Út cứ lớn lên như bao người, nhưng suy nghĩ em vẫn đơn sơ. Tôi cũng lớn, nhưng suy nghĩ lại khác hẳn. Tôi chán ngấy những lời đề nghị dẫn đi xem lân của Út mỗi mùa trung thu về. Tôi còn phải theo bè bạn. Tôi sợ bị trêu chọc vì cứ phải đèo bòng Út bên mình. Cứ thế, tôi chọn bạn bè và bỏ mặc Út ở nhà ngóng đợi những con lân ngược xuôi khắp đường làng. Có đêm, tôi hứa sẽ về và dẫn Út đi xem lân. Nhưng rồi, tôi thất hứa. Tôi trở về khi trời đã khuya. Từ đằng xa, tôi thấy Út vẫn ngồi ở cổng chờ tôi. Lần đó, Út tỏ vẻ giận dỗi. Nhưng, cái giận hờn của em không bao giờ kéo dài lâu. Tính tình Út như thế, vô tình biến tôi thành kẻ vô tâm với em lúc nào chẳng hay.
Kể từ ngày vào thành phố, tôi thèm được dẫn Út đi xem lân đến lạ. Công việc bận rộn cuốn tôi chảy theo bộn bề của cuộc sống, tôi chẳng còn cơ hội đón trung thu bên gia đình. Tôi chỉ có thể gửi sự quan tâm cho Út qua tần sóng điện thoại. Rồi cách đây vài hôm, tôi gọi về cho má. Út nhắc khéo: “Má nói Hai nhớ về để dẫn con đi xem lân”. Tôi không lạ gì điều Út nhắn gửi, biết bao mùa lân qua, nhưng em vẫn nhắn tôi vỏn vẹn câu ấy. Đến đêm rằm, trăng treo chênh vênh như mời gọi mọi người chiêm ngắm. Bỗng, má gọi khi tôi đang lòng vòng trên phố, kẹt hẳn trong dòng người tấp nập xem hội trăng tròn. Tôi háo hức để nghe tiếng trống thùng thình ở quê, nghe tiếng Út đang vui cười ở đầu dây còn lại. Nhưng rồi, tôi chỉ nghe má nức nở: “Chiều ni hắn sốt, lại co giật như mấy bữa”.
- Xem thêm: Chúng ta cùng một mái nhà
Tôi lặng người, tay khẽ run như ngày bế Út chạy giữa đường làng. Khuôn mặt Út trong cơn co giật bất chợt hiện lên trong tâm trí. Gương mặt ấy làm sao tôi quên!
Tôi trân mắt nhìn đoàn lân đang hòa theo đoàn người hớn hở. Tôi như lạc lõng giữa đám đông. Nhìn ai nấy vui cười, nhưng sao khóe mắt tôi cay. Nhìn chiếc lá cô đơn rời cành cây trước mắt, tôi chợt nhủ thầm: “Út ráng đợi! Qua trung thu, Hai sẽ về nhảy lân cho mình Út xem. Hai vừa nhảy vừa trào nước mắt Út ơi!”.