Trong những ngày nhiều tỉnh thành phải giãn cách xã hội vì Covid-19, không ít hình ảnh tình người giữa đại dịch bắt gặp được đâu đó khiến người ta nhớ đến câu hát “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”. Tác giả câu hát không còn, nhưng tấm lòng đôn hậu ấy vẫn ở lại, được làm xanh mãi qua những thế hệ ca sĩ nhờ ông mà thành danh và luôn cố gắng sống xứng đáng với những ca từ tưởng như ông viết cho riêng họ, trong đó có cô Bống – Hồng Nhung. Ca sĩ Hồng Nhung cũng là một trong những tình nguyện viên đăng ký tiêm vaccine Nano Covax của Việt Nam trong giai đoạn ba của thử nghiệm lâm sàng. Vậy là cô đã trả lời, theo cách của mình, câu hỏi cần một tấm lòng để làm gì…
Bống – Hồng Nhung, không may mắn như đứa trẻ bình thường hạnh phúc. Bố mẹ chia tay khi Bống vừa chào đời. Bé bằng cái chai, Bống chuồi vào cuộc đời rợn ngợp mênh mông, như con bống nhỏ bơi lạc giữa Hồ Tây thủ đô. Khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa. Lê Văn Viện, cha Bống, dịch giả tiếng Anh, nuôi con theo cách dân gian là nuôi bộ và mẹ ông đã tận tình… giải cứu con trai bằng cách thân chinh nuôi cháu. Bống còn được ông nội Lê Văn Ngoạn, họa sĩ lứa tài năng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương yêu chiều cưu mang, bởi con đầu cháu sớm (Bống là gái đầu, bố là “trai hoi” của ông nội). Bạn bè của cha Bống ai cũng sẵn lòng thương quý con Bống nhỏ nhoi – thiếu hơi mẹ từ thuở lọt lòng.
Bống kể có lần thu thanh ca khúc về mẹ của Trịnh Công Sơn, cả Sơn và Bống đều không cầm được nước mắt khi Bống nghẹn ngào hát: Trong khi con nằm mẹ bỏ con đi, mẹ bỏ con đi… Và ở Hà Nội, Bống lần đầu hát tiếng Anh bài Papa, cả cha Bống và bằng hữu đều rưng lệ.
Tính cách Bống hình thành trong khung cảnh Hà Nội thời bấy giờ, giao thoa giữa thời chiến và thời bình, những năm 70, 80 thế kỷ XX, ở số nhà 11 Điện Biên Phủ, êm đềm trong vòng tay yêu thương của ông bà nội, của cha và cả hệ thống bạn bè cha, đã tác thành Bống Hồng Nhung – một tính cách độc lập, biết giấu nỗi đau riêng, dưới vẻ ngoài mạnh mẽ, hài hước, và lịch lãm, nghiêng về tính dương. Lý do từ số phận riêng tư ấy đã đưa đẩy Bống theo cha vào Sài Gòn lập nghiệp hát từ tuổi 20, năm 1990, đủ xui khiến Bống – Hồng Nhung ca sĩ gặp gỡ định mệnh với Trịnh Công Sơn nhạc sĩ, như hạnh ngộ bất ngờ, đủ đong đầy cuộc cách tân hát nhạc Trịnh, sau Khánh Ly, của giọng hát Hồng Nhung. Với cách hát khác và giọt nước mắt khác (thơ Olga Bergon – Nga): Năm tháng đắng cay hơn/ Năm tháng ngọt ngào hơn/ Em mới hiểu bấy giờ anh có lý/ Hạnh phúc đã qua rồi/ Anh đã xa cách thế/ Em khóc khác xưa rồi/ Hát cũng khác xưa theo (Bằng Việt dịch).
Năm 1970, Hồng Nhung chào đời, thì vào thời điểm ấy, Trịnh Công Sơn (sinh năm 1939), đã huy hoàng lên ngôi thần tượng âm nhạc ở miền Nam, rực rỡ phát sáng qua chiếu tỏa đặc biệt của giọng hát Khánh Ly. Một giọng hát nghiêng về ánh sáng trầm alto, hơi khê khàn, váng vất liêu trai, chập chờn mê hoặc người nghe, chỉ riêng có ở Khánh Ly hát nhạc Trịnh. Và dường như duy nhất Khánh Ly, đã thấu suốt và đi hết đường biên vùng âm nhạc rộng rinh của Trịnh Công Sơn. Khánh Ly vừa chứng tỏ một quyền năng ca sĩ tối hậu, lại vừa biểu lộ sự tự nguyện đóng đinh câu rút mình trên cây thập giá nhạc Trịnh.
Tôi nhớ mãi khoảng thời gian giữa thập niên 1970, sau giải phóng miền Nam. Không gian Hà Nội tràn ngập hiện hữu bọn thanh niên đầu xanh tuổi trẻ chúng tôi, vừa tốt nghiệp đại học, đều bị choáng váng, ngây ngất bởi sự tân kỳ, chói chang, lộng lẫy, chưa từng nghe, từng biết, từ nhạc Trịnh, qua giọng hát mọng chín vẻ đẹp hoang hoải liêu trai, chứa chan hoan lạc buồn của Khánh Ly (Sơn Ca 7).
Tôi cùng bạn bè Hà thành đã nghe mê man, hát say đắm các ca khúc nhạc Trịnh, mà vừa chạm mặt, đã phải lòng. Âm nhạc Trịnh là cả một thế giới mới, chi chít ấn tượng tươi ròng, vừa thật lạ, lại thật quen. Với nỗi buồn sầu trong trời đất nổi cơn gió bụi, nỗi xót thương những tàn phai, niềm tiếc nuối vô bờ vẻ đẹp thoáng qua, vẫn gây mùi nhớ của tình đầu không thuận thảo, với Diễm xưa, Chiều một mình qua phố. Và Tuổi đá buồn, đóa hồng nhung héo môi hôn ngày chủ nhật. Đôi vai gầy thiếu nữ Huế ướt mềm ánh trăng, nhẹ lướt qua ngõ nhỏ gần Tỳ bà viện của đêm kinh thành Huế, ngan ngát đầy trời mưa bay… Và cùng nhạc Trịnh cất cánh lên cao, nghĩ ngợi vô vi, in dấu chân lên vườn địa đàng đầy gió và tiếng reo khe khẽ nắng thủy tinh. Cùng giấc mộng hôm nao em về, bàn chân buông lối ngỏ, đàn lên cung phím chờ, sầu lên đây hoang vu. Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng, hồn lẻ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn. Vậy đấy, nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly đã đi không chỉ cùng tuổi xanh chúng tôi. Và không chỉ trong không gian Hà Nội, kể từ sau năm 1975.
Tôi đã mang theo hành trang xa xứ của tuổi thiếu phụ, nhiều tình khúc nhạc Trịnh đẹp và buồn, cho đến ngày từ nước Nga về Sài Gòn định cư năm 1992. Và chứng kiến tận mắt, cuộc hạnh ngộ âm nhạc, giữa Trịnh Công Sơn nhạc sĩ và Hồng Nhung ca sĩ. Một hạnh ngộ đẹp bất ngờ. Giữa Sớm và Muộn, giữa Xanh và Chín.
Chính cuộc hạnh ngộ ấy đã làm lung lay thói quen nghe nhạc Trịnh cố hữu của tôi, đã thành hoài niệm chẳng tàn phai, về vùng nhạc đẹp đến không thể quên, gắn chặt với một trùng phùng – giữa nhạc Trịnh và giọng hát Khánh Ly.
Từ xa xứ trở về, do thân quen từ trước, Sơn và Bống Hồng Nhung đều muốn tôi nghe Hồng Nhung lần đầu hát Gọi nắng ở quán Nhạc sĩ, đường Nguyễn Văn Chiêm, bên hông Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thấy Trịnh Công Sơn ngồi ở chỗ thường quen, bên trái sân khấu, rưng rưng đợi nắng từ giọng hát Hồng Nhung. Đôi mắt mờ lệ sau cặp kính trắng. Quây quần quanh Sơn là những khuôn mặt và ly rượu bạn bè: Tôn Thất Lập, Thanh Tùng, Từ Huy, Trần Long Ẩn, và hai nhạc sĩ ưa xê dịch, mới bay từ Hà Nội vào: Hồng Đăng và Đàm Linh.
Chính là Trịnh Công Sơn đã “mắt xanh” phát hiện khuôn mặt âm nhạc của mình, được phản chiếu lung linh, tươi sáng, qua giọng hát Hồng Nhung, như qua mặt hồ trong, phảng phất gương hồ nổi tiếng Hà thành: Hồ Gươm, Hồ Tây, Trúc Bạch.
Sơn thấy mình xanh trở lại, như lá nõn mùa xuân trổ lộc. Lòng mềm dịu hẳn, trước giọng hát chín sớm của Hồng Nhung tuổi hai mươi. Có lẽ vì phải chín quá sớm, vượt thời gian, mà nó vừa mong manh, vừa mạnh mẽ, vừa khờ dại, vừa khôn ngoan, vừa khỏe khoắn, rắn rỏi, lại tinh tế nồng nàn, trong một phong thái biểu diễn trẻ trung hồn nhiên, già dặn kỹ thuật thanh nhạc sân khấu. Trịnh Công Sơn đã thật cảm động, viết liền ca khúc Bống Bồng ơi (sau là ca khúc Bống không là Bống và Thuở Bống là Người), riêng tặng cho tính cách âm nhạc và chất giọng soprano lảnh lót ngân rung của Hồng Nhung. Như lời ru êm của tình ái: Ru em ngồi yên đấy. Tôi tìm cuộc tình cho. Và như một thảng thốt ngạc nhiên trước sự trẻ lại của chính mình, trong giai điệu âu yếm, láy đi láy lại, thiết tha gọi một tia nắng: Nắng vàng, Em đi đâu mà vội/ Nắng vàng, Nắng vàng ơi/ Em đi đâu mà vội/ Lay nhẹ đóa hồng nhung/ Gió vàng gió vàng bay (ca khúc Bống Bồng ơi).
Dường như đã ngấp nghé nảy sinh lần nữa, một trùng phùng âm nhạc, giữa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một ca sĩ trẻ, sau Khánh Ly – với tuổi hai mươi yêu dấu của Hồng Nhung. Một tái sinh, mà Trịnh Công Sơn đã không thể ngờ.
Khi nghe những ca khúc như được dành riêng cho giọng hát Hồng Nhung, nói như Sơn, là “rất hạp” với tính cách âm nhạc của Hồng Nhung, từ khi mới hát nhạc Trịnh: Bống Bồng ơi, Đường xa vạn dặm, Còn ai có ai, Tôi ơi đừng tuyệt vọng, Em hãy ngủ đi… Và cả về sau nữa, như Tiến thoái lưỡng nan, Để gió cuốn đi, Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, Đóa hoa vô thường, Ru tình… người nghe nhạc Trịnh có thể thấm thía cảm nhận: chính cuộc hạnh ngộ âm nhạc với Hồng Nhung, từ thập niên 90 thế kỷ trước, đã đưa đến nguồn cảm hứng mới trào dâng trong sóng nhạc Trịnh Công Sơn. Không vỗ về những buồn đau quá khứ, mà rộn ràng niềm an nhiên với hiện tại. Không chỉ ngoảnh mặt đau đáu vào nội tâm, mà đã hướng ra ngoài cây đời tươi xanh.
- Xem thêm: Tuyển tập nhạc Sài Gòn: Vàng son rớt lại
Đặc biệt, Hồng Nhung đã đem cho Sơn một trực giác tươi lành về hy vọng, khi Hồng Nhung hát Tôi ơi đừng tuyệt vọng. Ấy là khi Sơn cảm được đủ đầy cái tinh thần của hy vọng và vỡ ra rằng: tuyệt vọng chính là tên gọi khác của hy vọng. Bống bé bỏng đã làm được điều đó cho Trịnh Công Sơn, và hình như tuyệt vọng của hố thẳm, lần đầu đã được chuyển hóa hồn nhiên thành hy vọng sáng tươi.
Và vì thế, đã thành duyên nợ. Trước khi đột ngột về Trời, ngày 1.4.2001, Trịnh Công Sơn đã kịp làm cử chỉ âm nhạc ấm áp cuối cùng cho Hồng Nhung hát nhạc Trịnh. Sơn đích thân biên tập, dàn dựng âm nhạc, chọn bài, chọn người hòa âm, chọn ban nhạc đệm, hát nền cho Hồng Nhung, chọn ảnh bìa CD Thuở Bống là Người. Nhất thiết phải là bạn bè: Trần Mạnh Tuấn, Bảo Phúc. Ảnh, phải là Dương Minh Long.
Sau nhiều lận đận, cuối tháng 2.2003, sau hai năm Sơn mất, CD Thuở Bống là Người mới ra mắt. Bìa CD ghi trang trọng: Biên tập: Trịnh Công Sơn – Hồng Nhung. Và ba tấm ảnh tuyệt đẹp của Dương Minh Long chụp Sơn và Bống tuổi 22: Sơn cười hiền hậu và Bống cười hồn nhiên. Dưới mỗi ảnh, Bống ghi chú: Người nghệ sĩ lớn mà tôi gặp năm 22 tuổi là người đàn ông nhỏ bé, rất hóm hỉnh và cười rất tươi. Ở tấm ảnh khác, trên vai Bống đặt mấy ngón tay Sơn mảnh khảnh, Bống ghi: Có sự bình yên dịu dàng từ cuộc gặp gỡ như cho tôi một đời sống mới, như câu chuyện cổ tích “Bống Bồng ơi”. Và ảnh cuối, là lời Bống tri ân: Anh sáng tác và tôi hát, với cảm hứng hồn nhiên. Với mỗi bài hát ấy, anh và tôi có mong muốn gì hơn, là có thể mang lại chút niềm vui cho mọi người.
Thuở Bống là Người thắm đượm niềm vui sống an nhiên, và nỗi buồn trong vắt. Ca khúc Trịnh Công Sơn, với ca từ đẹp và chín mọng trong giai điệu chất chứa tầng nghĩa đậm nhạt, gần xa, lớp lang chồng chất đan cài như… thơ siêu thực, đã được Hồng Nhung hát nhẹ êm cứ như không: Ru em, Xa dấu mặt trời, Cỏ xót xa đưa, Bên đời hiu quạnh, Cũng sẽ chìm trôi… Hồng Nhung, bằng cách nào đó, đã làm đầy được những khoảng trống vô ngôn, theo phong cách ca từ hàm ngôn đến… vô ngôn của Trịnh Công Sơn. Như đoạn ca từ của Cỏ xót xa đưa: Những ngày ngồi rủ tóc âm u/ Nghe tiền thân về chào bóng lạ/ Những mai hồng ngồi nhớ thiên thu. Kiểu ca từ đặc hiệu Trịnh Công Sơn này đòi người hát một nội lực thâm hậu, để hát vừa nhẹ như bấc, lại vừa chìm sâu đến đáy ca từ nặng như chì.
Năm 2021, đã tròn 20 năm Trịnh Công Sơn về cõi. Thân xác nhạc sĩ tài hoa đã khuất lấp tận cuối trời. Tiếng hát của Hồng Nhung và không chỉ thế hệ ca sĩ Hồng Nhung, đã hiện diện chói sáng sự ở lại còn xanh mãi của âm nhạc Trịnh Công Sơn giữa cõi đời này. Cùng cách nghĩ về cái sống cũng thật đôn hậu, thông thoáng và nhẹ nhõm đến vô thường của nhạc Trịnh: Sống trong đời sống/ Cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…
Chính vì thế, âm nhạc Trịnh Công Sơn đã ở lại mãi. Trong cõi. Cùng chúng ta.
Và, gió đã chẳng thể cuốn đi…
– Ảnh: Dương Minh Long