Đọc câu thơ “con chuồn chuồn khiên nắng qua sông” của nhà thơ Hoàng Cầm. Tự dưng dấy lên một nỗi nhớ. Nhớ sông – Nhớ bến – Nhớ bãi bồi. Nhớ cánh chuồn chuồn ớt đỏ chót dễ thương năm nảo năm nao…
Trong các loài chuồn chuồn, lũ con nít chúng tôi vẫn ưu thích loại cánh đỏ. Đỏ mà không chói mắt. Nó không to như chuồn voi, chuồn đá, cắn đau. Cũng không nhỏ xíu như chuồn kim, khó nhìn, khó ngắm. Cắn lại không thấm tháp vào đâu.
Chưa hiểu cách ép cánh chuồn sao cho tươi, cho đẹp. Nên cứ bắt rồi thả. Ngày này qua ngày khác cứ rong ruổi bờ rậu, bờ rào, luống mè, luống cải, khi thì thi đua nhau bắt. Đứa nào cũng muốn lập “thành thích” xuất sắc để được cả bọn khen giỏi, khen tài. Ấy là đã mở cờ trong bụng. Khoái chí ra mặt, mẹ có mắng có la rầy rồi cũng chóng quên. Cũng đầu trần chân đất, cũng lấm lem mồ hôi, xốc xếch áo quần. Lại trốn, lại rủ bàn bè đi bắt chuồn.
Tôi dại cả tin. Thấy các anh chị bơi lội qua sông mà bỗng thèm.. Ước chi mình được như họ.
– Dễ ợt! Có khó khăn chi. Cho chuồn chuồn cắn rốn, vài ba ngày sau là đã thành thạo như dân vạn chài.
Không chút do dự. Vén áo khỏi rốn. Năn nỉ đàn anh “truyền chiêu tuyệt kỹ”. Chuồn chuồn to hơi đau. Nhưng chóng biết bơi. Nghe các anh bảo. Ham lắm! Không sợ! “Đau thì đau”. Không sợ thật. Lại nhăn mặt muốn khóc. Mấy anh, mấy chị cứ ngặt nghèo cười…
Sau này lớn lên chút xíu mới biết mình đã bị lừa. Biết bơi lội do mình tự tập tành lấy. Bị lừa mà không hề giận. Bởi mình vẫn còn cơ hội để lừa người khác. Lừa đàn em sau này. Vậy là huề.
Vận số đưa đẩy thế nào chẳng biết. Buổi thực hành đầu tiên của tôi về “bí quyết” bơi lội lại dành cho cô bé lối xóm tên Cúc – Sớm tối đều trông thấy mặt nhau.
Hôm ấy, trời đã xế chiều. Đang hụp lặn một mình giữa giòng sông. Cúc không để ý có người đang tắm. Vô tư như lá cỏ. Nhảy ào xuống nước. Không dám ra xa. Chỉ lui tới gần bờ. tôi cũng vô tư như bươm bướm chuồn chuồn bơi vô lại bến. Hai đứa đã trông thấy nhau. Và cả hai đều cũng vô tư như đám mây trăng trắng đang trôi chậm trên cao. Đồng reo lên một tiếng rõ to: A! Như gặp được niềm vui bất chợt. Mà quả là niềm vui thật. Vì từ giờ phút này có chuyện để mà nói, mà cười. Rồi để mà dỗi, mà hờn. Mà rơm rớm nước mắt định muốn bắt đền…
- Xem thêm: Cây trái mùa xưa
Cúc khen bơi giỏi, bơi tài. Tôi mừng hí hửng khoe:
– Mình có thể bơi qua bờ bên tê, rồi quay về, rồi lại qua vẫn không thấy đuối, thấy mệt.
– Có mẹo chi mà hay rứa?
– Mẹo chi mô! Cho chuồn chuồn cắn rốn đôi ba lần… Tôi thầm cười, bỏ lửng câu nói. Cúc hỏi lại
– Có đau không?
– Chỉ như kiến cắn.
Bỗng chú chuồn chuồn voi nhởn nhơ bay qua, nhẹ nhàng đậu lại đám bèo gần đó. Tôi đưa tay tóm được ngay. Nét mặt Cúc rạng ngời vui hẳn lên.
– Rứa là Cúc sẽ biết bơi như anh. Con T, con H không còn chê là ở nhà quê mà chưa lội được năm bảy lải tay. Quá tệ!
Không ngại, không ngần. Cúc vội leo lên bờ. Đưa chiếc bụng thon nhỏ rồi dục: – “Cho cắn lẹ đi”. Tôi chần chờ lưỡng lự, chút hối hận chen vào hồn. “Răng mình đành phải lừa Cúc? – Cô bạn thân thiết nhất”. Đôi ngả phân vân. Cúc lại hối thúc lần nữa. “Cho cắn lẹ đi!”. Hai cánh tay đã kẹp chặt cánh chuồn chuồn. Tôi đánh liều đưa miệng chuồn chuồn vào ngay rốn Cúc. Một tiếng “ái” nho nhỏ. Tôi nhìn vào mắt em. Cô bé gượng cười. Nhưng trong đôi mắt ấy đã thấy như rơm rớm chực khóc. Tôi nghoảnh đi chỗ khác. Lòng không dưng buồn buồn. Nao nao tồi tội chi lạ! Ai đời đi dối lừa người bạn gần gũi bên nhà..
– Mấy ngày thì Cúc lội được qua bên tê sông?
– Năm bữa nửa tháng là cùng. Chuyên tập thì sẽ nhanh chóng hơn.
Trả lời qua loa. Đêm hôm đó tôi thực sự lo. Trong giấc ngủ cử như văng vẳng bên tai tiếng trách hờn của em! Người ta đau muốn chết. Mà có lội được mô nờ! Không thèm nhìn mặt nữa!”. May mắn, đó chỉ là giấc mơ. Đến trưa hôm sau em qua nhà rủ đi tắm. Từ buổi ấy tôi trở thành “huấn luyện viên” bơi lội của riêng em. . “Vận động viên” chuyên cần, chăm chỉ, sáng ý. “Huấn luyện viên” lại nhiệt tâm, nhiệt tình. Không bao lâu Cúc đã bơi được một đoạn kha khá. Nhưng “huấn luyện viên” phải luôn theo dõi trông chừng…
Rồi năm tháng vô tình qua đi. Cả hai đánh rơi tuổi thơ bao giờ không hay biết. Cô bé không còn như trước. Tắm chung, tắm chạ. Lặn hụp níu kéo nhau dưới dòng nước mát xanh trong. Mình tôi vẫn mỗi ngày nô đùa vui chơi với bạn bè. Lạ lùng, vẫn thấy thiếu vắng thứ gì mơ mơ hồ hồ. Đôi khi quay quắt lững thững vô cớ đi tìm… Và cũng đôi khi nhặt lượm miểng sành, miếng ngói liệng thia lia trên sông nước. Rồi cũng vô cớ thương chúng đã chìm nghỉm dưới đáy sông. Sáng chiều vẫn gặp gỡ nhau. Em vẫn đằm thắm dịu dàng, cười nói chào hỏi. Có điều trong tôi vẫn ẩn chứa một nỗi niềm khang khác là lạ. Khoảng cách mỗi ngày như dài thêm ra chút nữa…
- Xem thêm: Khói đốt đồng thơm mùi ký ức
Mười mấy năm sau. Tôi trở về thăm lại bến nước sông xưa. Chẳng chút đổi thay chi mấy. Chỉ cây mưng to cao hơn, cành nhánh đầy đặng xanh tươi hơn. Chuỗi bỗng vẫn tim tím một màu nhắc gợi xuyến xao. Tôi bỗng bắt gặp chú chuồn vô tình hay cố ý lượn lờ ngang qua trước mặt. Nửa như trêu ghẹo, nửa như tiếc rẻ giùm tôi…
Chuồn ơi! Có bay về hướng đó – Nơi em đang vui sống bên một người. Thì nhắn gửi giúp tôi lời xin lỗi kèm theo một lời cảm ơn. Xin lỗi em vì đã lỡ dối em làm chiếc rốn tươm tướm đau. Và cảm ơn vì em chưa hề trách hờn cả lúc biết mình bị phỉnh. Mà chỉ có nụ cười hiền trao gởi. Tôi mang nợ nụ cười của em suốt cả đời người. E rằng không cách chi trả được. Riêng em, thì còn nhớ không một cánh chuồn?…