Cuộc đàm phán diễn ra vào tuần trước giữa 11 quốc gia còn lại trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đạt được đột phá lớn nào, nhưng đã cho thấy một quyết tâm trong việc hoàn tất thỏa thuận thương mại này.
Theo hãng tin CNBC, kể từ khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi TPP, các nước còn lại trong thỏa thuận, bao gồm Việt Nam, đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là hoàn tất một khung thỏa thuận mới trong thời gian đến tháng 11-2017 như thời hạn đã đề ra.
Bên lề cuộc gặp vào tuần trước của các trưởng đoàn đàm phán TPP, ông Kazuyoshi Umemoto, trưởng đoàn Nhật, nói rằng các nước còn lại trong TPP đã quyết định theo đuổi một khung thỏa thuận mới qua đó xác định xem có cần phải điều chỉnh các nguyên tắc về thương mại và đầu tư đã nêu trong thỏa thuận ban đầu hay không.
Theo thông tin từ báo chí Nhật, 11 trưởng đoàn đàm phán dự kiến sẽ gặp lại vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay. Trong cuộc gặp tuần trước, 11 nước cũng quyết định hạ thấp tiêu chuẩn ngặt nghèo để thỏa thuận được thực thi. Theo quy định ban đầu, thỏa thuận phải được phê chuẩn bởi sáu quốc gia, chiếm ít nhất 85% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của 12 nước thành viên ban đầu – một nhiệm vụ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ.
Hiện nay giữa 11 nước thành viên còn lại vẫn có một số vấn đề khác biệt, đặc biệt là Việt Nam và Malaysia muốn đàm phán lại các điều khoản ban đầu, đang là những trở ngại chính đối với một TPP mới.
Các nhà đàm phán cho rằng 11 nước sẽ đạt được bước tiến và trong quá trình thúc đẩy một thỏa thuận mới, TPP-11 có thể sẽ hy vọng các quốc gia khác ở châu Á – Thái Bình Dương tham gia.
Và cho dù các thành viên còn lại không được hưởng sự tiếp cận rộng mở hơn đối với thị trường Mỹ do sự rút lui của Mỹ, một thỏa thuận TPP-11 vẫn sẽ mang lại sự tiếp cận thị trường lớn hơn cho những nền kinh tế như Australia và Nhật Bản, và mang lại cho mỗi nước trong TPP-11 một cam kết tự do hóa thị trường. Điều này sẽ là lợi ích dài hạn của mỗi thành viên.
- N.N
Xem thêm: