HĐND TP.HCM đã tán thành giải pháp sẽ thu phí xe ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm cho giai đoạn 2021-2025.
Kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX chiều ngày 11-7 đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn Thành phố.
Đây được xem là đề án quan trọng, có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như cuộc sống của người dân Thành phố.
HĐND Thành phố đánh giá phát triển giao thông công cộng phải kết hợp đi đôi với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Phát triển vận tải hành khách công cộng là điều kiện để kiểm soát việc sử dụng xe cá nhân. Trong đó phát triển vận tải hành khách khối lượng lớn (netro, monorail,…) là điều kiện đảm bảo phát triển vận tải hành khách công cộng bền vững.
HĐND Thành phố cho rằng các giải pháp hành chính và kinh tế cần được kết hợp hài hoà và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (xe ô tô, mô tô, gắn máy), thực hiện từng bước, có lộ trình và có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.
Và việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng như bãi đỗ xe, kết nối các phương thức khác,…
Ngoài ra, HĐND Thành phố đánh giá các giải pháp hành chính và kinh tế cần được kết hợp hài hoà và triển khai một cách toàn diện, đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân (xe ô tô, mô tô, gắn máy). Từ đó thực hiện từng bước, có lộ trình và có sự đồng thuận của người dân trong quá trình thực hiện.
Tại kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa IX, UBND TP.HCM trình đề án phát triển giao thông công cộng và kiểm soát xe cá nhân với tổng kinh phí gần 393.800 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 tập trung phát triển xe buýt và thực hiện một số giải pháp, trong đó có giải pháp đột phá là thu phí ô tô vào khu vực trung tâm TP.HCM.
Đây sẽ là cơ sở triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe mô tô và xe gắn máy 2-3 bánh tại trung tâm.
Tuy nhiên, việc kiểm soát sử dụng xe cá nhân chỉ thực hiện khi đạt các điều kiện về hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, dịch vụ hỗ trợ giao thông công cộng…
Theo HĐND TP.HCM, các giải pháp cho vấn đề này là thu phí xe ô tô lưu thông vào trong khu vực trung tâm trong giai đoạn 2021-2025. Việc phân vùng kiểm soát khí thải kết hợp với thu phí ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021-2030 cũng được đặt ra.
Ngoài ra, Thành phố cũng tổ chức quy hoạch phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng tại các khu vực phát triển đô thị mới, các đầu mối giao thông vận tải khối lượng lớn giai đoạn 2021-2030.
HĐND Thành phố đã giao UBND Thành phố tổ chức triển khai tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia lưu thông trên địa bàn Thành phố.
Cụ thể, UBND Thành phố cần nghiên cứu, xác định chỉ tiêu về tỉ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại đối với các phương tiện vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 và 2030 sát với tình hình thực tế, khả thi; cải thiện được tình hình giao thông hiện nay… Thường trực HĐND Thành phố sẽ giám sát chặt quá trình thực hiện Nghị quyết này.
Theo lãnh đạo TP.HCM, trong những năm qua, Thành phố từng bước đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu đi lại. Mạng lưới đường vành đai, xuyên tâm, đô thị được nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới. Chất lượng dịch vụ giao thông công cộng từng bước phát triển qua đầu tư phương tiện, hợp lý hóa luồng tuyến, thực hiện chính sách trợ giá vé xe buýt cho người dân sử dụng…
Tuy nhiên, TP.HCM đang đứng trước những khó khăn về giao thông đô thị, đặc biệt là phương tiện cá nhân tăng nhanh, vận tải hành khách công cộng chỉ mới đảm nhận đạt tỷ lệ thấp nhu cầu. Tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ô nhiễm môi trường không khí và tiếng ồn do hoạt động giao thông vận tải, cũng như việc gia tăng các loại phương tiện giao thông cơ giới có chất lượng khí thải kém đang ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân đô thị.
Tháng 7-2019, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất xây 34 trạm thu phí tại các quận 1, 3 và giáp ranh hai quận 5 và 10; vành đai thu phí với các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám – Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – Tôn Đức Thắng. Cách này sẽ tạo thành vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố, và một số trục giao thông chính bên ngoài thường xuyên kẹt xe.
Dự kiến, việc thu phí chỉ áp dụng đối với ô tô đi vào trung tâm, không thu chiều ra; không thu phí xe máy.