Theo báo cáo thống kê mới nhất của VAMA, thị trường ôtô Việt Nam tháng cận cuối năm đã có dấu hiệu tạo sóng trở lại khi tiêu thụ được 24.752 xe, tăng 13% so với tháng trước (nhưng vẫn còn kém so với tháng 11-2016).
Có thể nói sự điều chỉnh về giá cũng tạo nên những kịch tính mới cho cuộc cạnh tranh những vị trí dẫn đầu về doanh số trong tháng giữa các mẫu xe. Sau khi tiếp tục tấn công bằng cách thiết lập khung giá sàn mới, Toyota đã thành công khi mẫu xe lắp ráp nội địa Toyota Vios đạt kỷ lục doanh số trong tháng với 2.553 chiếc đã được bán ra, dẫn đầu danh sách best-seller. Mẫu bán tải Ford Ranger vẫn giữ vững phong độ với 1.369 chiếc bán được, chiếm giữ vị trí thứ 2, đẩy Toyota Innova xuống vị trí kế tiếp (1.199 chiếc được tiêu thụ). Sau khi được điều chỉnh giá cạnh tranh, hai mẫu Mazda 3 và CX-5 của Thaco đồng loạt chiếm giữ hai vị trí còn lại trong Top 5.
Sự tác động của việc giảm giá đến doanh số bán xe được thể hiện rõ nhất khi mẫu xe nhập khẩu từng chiếm lĩnh vị trí hàng đầu trong những tháng trước là Toyota Fortuner đã sụt giảm mạnh khi rơi xuống vị trí cuối cùng của Top 10 (bán được 398 chiếc). Điểm đặc biệt khác là trong danh sách Top 10 xe best-seller trong tháng 11 hoàn toàn vắng mặt những mẫu xe của Honda. Sau cú đột phá bất ngờ của CR-V trong tháng 9, doanh số bán xe của thương hiệu này đã bị giảm đến 30% so với tháng 10 và 46% so với cùng kỳ năm trước (chỉ đạt 707 xe). Cộng dồn doanh số của 11 tháng trong năm, toàn thị trường ôtô Việt Nam đạt doanh số 244. 873 xe, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016. Trong sự sụt giảm chung trên tất cả các phân khúc, chỉ có dòng xe nhập khẩu tăng nhẹ 9%. THACO vẫn nắm giữ vị trí dẫn đầu về thị phần trong tháng với 33,8%, theo sát là Toyota với 24,8%, vị trí thứ 3 thuộc về Ford với 11,1%, Isuzu chiếm vị trí thứ 4 với 4,8%, xếp trên GM với thị phần 4,0%. Thị trường được dự đoán sẽ có nhiều sôi động mạnh mẽ trong tháng cuối năm khi nhu cầu sắm xe đã bước vào cao điểm cùng với những nỗ lực đẩy mạnh việc bán hàng của doanh nghiệp để đạt chỉ tiêu doanh số cả năm.