Năm 2015, chị Hà Thị Quỳnh Trâm trở thành nữ Tổng giám đốc đầu tiên của Oriflame Việt Nam sau 13 năm gắn bó với công ty ở vị trí Giám đốc tài chính.
Từ đó đến nay, công ty đã tăng doanh số gấp nhiều lần và Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong tổng số hơn 60 thị trường của tập đoàn trên toàn cầu. Chúng tôi đã có buổi trò chuyện với chị Quỳnh Trâm về động lực của những thành công đáng tự hào này.
Sau hơn 10 đời Tổng giám đốc đều là các quý ông người Thụy Điển, Oriflame Việt Nam đã có nữ Tổng giám đốc đầu tiên. Xin chị chia sẻ đôi chút cảm xúc của mình về vinh dự này, đặc biệt là dấu ấn quan trọng trong năm kỷ niệm 50 năm thành lập tập đoàn.
Thật sự tôi chỉ cố gắng làm việc hết mình và chưa từng lên kế hoạch cho bước tiến vượt trội ngoài mong đợi. Nên khi được cất nhắc lên vị trí Tổng giám đốc, tôi không khỏi bất ngờ và hạnh phúc.
Ngoài ra, dù có đôi chút tự hào về những thành quả mình đã đạt được nhưng tôi vẫn phải nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố niềm tự hào này.
Năm mươi năm thành lập và phát triển của tập đoàn là cột mốc đẹp để nhìn lại những thăng trầm vừa qua, cũng là thời điểm để chúng tôi cùng nhau tạo nên những trang sử mới tại Việt Nam cũng như toàn thế giới.
Oriflame Việt Nam hiện đang đóng góp như thế nào trong bức tranh chung của Oriflame toàn cầu?
Trong bức tranh chung của tập đoàn, Oriflame Việt Nam đang được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng số 1 toàn cầu với mức tăng trưởng hơn ba con số.
Sự tăng trưởng đáng kể của Việt Nam sẽ kích thích sự phát triển của Oriflame trong khu vực Đông Nam Á, từ đó giúp tập đoàn có thể cân bằng cán cân thị trường theo các khu vực.
Đâu là những yếu tố đã làm nên thành công vượt bậc của Oriflame Việt Nam trong ba năm qua, thưa chị?
Tôi cho đó là nhờ sự đồng lòng cùng nỗ lực hết sức mình của cả tập thể đại gia đình Oriflame, của cả bản thân tôi và đội ngũ hơn một trăm ngàn cộng tác viên tại Việt Nam.
Tôi luôn cố gắng truyền cảm hứng cho mọi người, từ các bạn tư vấn viên đến nhân viên công ty. Dễ thấy rằng mỗi cá nhân phát triển thì doanh nghiệp phát triển, nên khi tất cả cùng đưa nhau tiến lên, vượt qua giới hạn bản thân thì thắng lợi sẽ đến.
Chị đánh giá cao vai trò của nhân viên, nhưng có lẽ vai trò của người lãnh đạo như chị cũng đặc biệt quan trọng trong thành công của Oriflame Việt Nam?
Theo tôi, người sếp đóng vai trò là chìa khóa của thành công, cũng là tấm gương để nhân viên nể phục và noi theo.
Vì vậy, tôi cũng luôn cố gắng hoàn thiện mình mỗi ngày và không ngại cùng nhân viên đi bán từng sản phẩm đơn lẻ.
Tôi thể hiện rõ tình yêu của mình với từng chai nước hoa, từng hộp phấn trang điểm đồng thời cũng tin tưởng tuyệt đối vào đường lối và chính sách của công ty.
Tôi tin rằng toàn thể nhân viên đều nhìn thấy những nỗ lực hằng ngày của người sếp, từ đó họ mới sẵn sàng chung tay cùng phát triển sự nghiệp Oriflame tại Việt Nam.
Xin chị chia sẻ nhiều hơn về quá trình phấn đấu trong 13 năm làm việc tại Oriflame Việt Nam với vị trí Giám đốc tài chính. Điều gì ở môi trường Oriflame Việt Nam đã “giữ chân” chị trong thời gian qua?
Môi trường Oriflame có rất nhiều điều để tôi học hỏi, nâng cao năng lực và hoàn thiện bản thân. Đây cũng là nơi mà tài năng được trọng dụng.
Với Oriflame, sự nỗ lực, kiên trì và lòng quyết tâm sẽ đem đến những thành quả ngoài mong đợi. Riêng tôi nắm bắt được cơ duyên trở thành Tổng giám đốc nhờ ham học hỏi, không ngừng nâng tầm bản thân và khát khao được dẫn dắt đội ngũ.
Ngay cả khi nhận được một công việc không phù hợp với niềm yêu thích, tôi vẫn luôn làm việc chăm chỉ, yêu thích công việc mình làm, thậm chí cả công việc tay chân.
Còn nhớ, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ Kế toán quốc tế tại Đại học Swinburne (Úc), tôi được một tập đoàn của Mỹ thử thách bằng công việc soạn thảo và in các loại tài liệu.
Dù có đôi chút e ngại nhưng tôi tự quyết tìm thấy niềm vui trong công việc nhàm chán này. Và thay vì chỉ hoàn thành 100 tập tài liệu mỗi ngày, tôi đặt mục tiêu hoàn thành gấp đôi, gấp ba vào những ngày sau.
Cứ như thế, chỉ vài tháng sau, tôi được nhận vào một lớp quản lý nhân sự đặc biệt của tập đoàn. Quan điểm của tôi là những thành công nhỏ sẽ tạo động lực để chúng ta tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn và hoàn thiện dần các kỹ năng.
Còn về Oriflame, tôi luôn cảm thấy tự hào về chất lượng những sản phẩm làm đẹp đến từ Thụy Điển cho tới câu chuyện đằng sau thương hiệu.
Tập đoàn chúng tôi hiện có đến gần 1.000 sản phẩm giúp khách hàng trong làm đẹp, trong đó có hơn 300 sản phẩm mới mỗi năm.
Những năm gần đây, sản phẩm Oriflame đến tay người dùng nhanh hơn, thuận lợi hơn nhờ mạng lưới bán hàng được mở rộng gấp nhiều lần. Ngoài ra, Oriflame còn mang đến cơ hội kinh doanh và tăng thêm thu nhập cho nhiều người.
Hơn thế nữa, Oriflame cũng luôn chú trọng đến các hoạt động cộng đồng, nhất là các hoạt động nhắm đến phụ nữ và trẻ em kém may mắn.
Oriflame đã phần nào khẳng định được mục tiêu và giá trị của mình khi đồng hành cùng các tổ chức phi chính phủ và tổ chức từ thiện uy tín, đặc biệt là World Childhood Foundation và Làng trẻ em SOS.
Mặt khác, Oriflame chọn chiến lược dài hạn mới là trở thành công ty phát triển bền vững vì chúng tôi thấu hiểu được sự hữu hạn của nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh mục tiêu về kinh doanh, chúng tôi cũng mong muốn bảo vệ môi trường và đóng góp cho một xã hội công bằng, phát triển thịnh vượng.
Với cương vị Chủ tịch của Hội các doanh nghiệp bán hàng trực tiếp thuộc AmCham Việt Nam, chị đánh giá ra sao về thực tế và xu hướng tương lai của thị trường bán hàng trực tiếp trên thế giới?
Ngành bán hàng trực tiếp thế giới rất tiềm năng do sự phát triển không ngừng của công nghệ.
Theo Euromonitor International, năm 2015 ngành bán hàng trực tiếp toàn cầu đã đạt doanh thu hơn 150 tỉ USD, trong đó ngành mỹ phẩm và chăm sóc cá nhân chiếm đến 29%.
Dự đoán, con số này sẽ tăng 5% trong giai đoạn 2015-2020. Đây là phương pháp bán hàng rất linh động và hiệu quả, đồng thời được pháp luật Việt Nam cho phép. Phần lớn doanh nghiệp tại các nước phát triển trên thế giới đều áp dụng phương pháp kinh doanh này.
Còn ngành bán hàng trực tiếp Việt Nam thì sao?
Ngành bán hàng trực tiếp ở Việt Nam gặp nhiều thách thức vì người tiêu dùng thường nhầm lẫn giữa mô hình bán hàng trực tiếp chân chính với mô hình bất chính.
Thực tế, bán hàng trực tiếp là hình thức kinh doanh mà người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không cần phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ.
Hình thức kinh doanh này chủ yếu tận dụng chiến lược tiếp thị truyền miệng hoặc lời chia sẻ từ người đã trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ.
Vì thế, sản phẩm trong ngành bán hàng trực tiếp phải có chất lượng tốt thì mới thuyết phục được người mua. Hơn nữa, giá cả sẽ có tính cạnh tranh vì doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong việc quảng cáo, thuê mặt bằng, kho bãi và vận chuyển hàng.
Bán hàng trực tiếp đã được công nhận là mô hình kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam và thực tế, mô hình này tạo cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho nhiều người.
Tại Oriflame, chúng tôi khuyến khích tinh thần khởi nghiệp kinh doanh với phương châm đúng và đủ – đúng quy tắc và đạo đức nghề nghiệp, đủ nỗ lực và cố gắng dài lâu.
Chúng tôi tạo cơ hội cho mọi người có thể khởi đầu công việc kinh doanh mà không cần phải có vốn, địa điểm, bằng cấp và có thể sắp xếp thời gian làm việc một cách chủ động.
Còn về mục tiêu và chiến lược kinh doanh của Oriflame thì sao, chị có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Oriflame sẽ tiếp tục thuyết phục khách hàng bằng sự chân thành. Đội ngũ hàng trăm ngàn cộng tác viên của công ty luôn lắng nghe và chia sẻ với khách hàng bằng tất cả sự chân thành và tâm huyết của mình.
Cùng với quyết tâm đưa thương hiệu Oriflame đến gần hơn với người tiêu dùng tại Việt Nam thì trong thời gian tới, Oriflame Việt Nam sẽ phát huy hết nội lực và giữ vững vị trí tăng trưởng hàng đầu tại Oriflame toàn cầu.
Cảm ơn chị về những thông tin trên.