Người nhạc sĩ nổi tiếng với những bản tình ca dịu dàng, trong sáng, thoảng nỗi buồn man mác Tiếng sóng, Hơi thở mùa xuân, Vẫn hát lời tình yêu, Cho em một ngày… lại có bề ngoài hơi trái ngược với những gì ông viết. Với những người mới gặp hoặc tiếp xúc qua, Dương Thụ thường cho cảm giác khó tính, khó gần. Nhưng sâu trong con người ấy lại là những khao khát sẻ chia.
Cuộc trò chuyện của DNSGCT với nhạc sĩ Dương Thụ vào thời điểm, như ông nói, “đang rất bận”: trở lại Sài Gòn sau chương trình Điều còn mãi, ông lại đang bắt tay chuẩn bị cho chương trình riêng đầu tiên của mình tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào đầu tháng 11 tới đây. Thế nhưng khi đã “vào mạch chuyện”, thì ông say sưa, nhiệt thành, đôi khi quên cả thời gian.
Xã hội này văn minh hơn chúng ta nghĩ
Điều hành sinh hoạt văn hóa ở Cà phê thứ Bảy, chỉ đạo nghệ thuật và đạo diễn chương trình hòa nhạc Điều còn mãi, giờ đây lại đang chuẩn bị cho chương trình tác giả, tác phẩm đầu tiên của mình – Những câu chuyện kể của tôi – vào 9, 10-11 tại Hà Nội, mở đầu cho series chương trình Cửa sổ âm nhạc mà ông dự định tổ chức hằng năm. Nhiều người không nghĩ ông đã sắp bước sang tuổi 70. Điều gì khiến ông làm nhiều, làm hăng đến như vậy?
Tôi là người chỉ cảm thấy mình tồn tại khi làm việc. Tôi không biết sống như nhiều người khác, đối với họ không chỉ có công việc, mà còn nhiều thứ khác nữa. Điều đó hay lắm. Thật sung sướng khi chúng ta có đời sống phong phú như thế. Nhưng biết làm sao bây giờ.
Trong những cuộc vui chung, mình là một người tẻ nhạt nên khi rượu bia chẳng ai nhớ đến mình, lại không biết chơi bất cứ môn thể thao nào dù đó chỉ là môn không cần đến cơ bắp như đánh cờ chẳng hạn. Nhảy đầm thì càng không, mình đi giải trí tại các phòng trà thì sợ phải nghe nhạc, đi chơi tung tẩy đây đó thì không biết cách chuyện trò vui vẻ, không thuộc một chuyện tiếu lâm nào, người ta đùa mà cứ tưởng thật, điều này thật khó chịu với những ai “trót dại” đi với tôi một lần. Vì lẽ đó mọi người chỉ nhớ đến tôi khi có việc. Và như thế cứ công việc suốt chứ chả cứ Cà phê thứ Bảy, hay Điều còn mãi.
Không ít người ngạc nhiên là đến bây giờ nhạc sĩ Dương Thụ mới quyết định tự làm show riêng đầu tiên của mình. Vì sao phải đợi lâu thế?
Tôi viết rất nhiều, thu đĩa cũng rất nhiều. Các cô Hồng Nhung, Thanh Lam, mỗi người thu của tôi hàng ba bốn chục bài, chưa kể Mỹ Linh khi hát với ban nhạc Anh Em, trong những album quan trọng nhất, nếu không bài của tôi thì phần lớn là lời của tôi.
Còn Bằng Kiều, Nguyên Thảo, Trần Thu Hà nữa… Thế mà mấy ông bạn của tôi cứ trách “Nhạc cậu nghe cũng được đấy, nhưng sao viết được có một hai bài, lười thế”, chẳng là họ chỉ nghe có bài Tiếng sóng và Hơi thở mùa xuân! Sản xuất gần 20 album, nhưng chẳng giữ cho mình cái nào. Thu xong ở phòng thu, nghe, cảm động, xong. Không bao giờ tìm cách nghe lại nhạc của mình. Đấy là lý do vì sao mấy chục năm nay chẳng thấy “sô chậu” nào của Dương Thụ. Còn bây giờ làm vì tôi thấy mình đã có điều kiện làm chương trình tử tế.
Điều còn mãi đã sang năm thứ tư và công chúng có vẻ hưởng ứng. Tôi muốn làm thêm những chương trình định kỳ khác cho âm nhạc nghiêm túc nói chung và cho âm nhạc của các bậc đàn anh và bạn bè cùng thế hệ.
Trước tiên là chương trình Cửa sổ âm nhạc, mà “cửa sổ” đầu tiên là đêm nhạc để quy tụ cái “gia đình âm nhạc” của tôi đang thất tán ở nhiều nơi về cùng làm với mình. Tôi muốn sống với thứ âm nhạc mà tôi được hiểu từ tấm bé. Tôi muốn chia sẻ điều đó với các bạn trẻ.
Tại sao ông lại chọn năm nay, một năm khó khăn về kinh tế, để tổ chức một live show, chắc là sẽ tốn kém, khi quy tụ cả một “dàn sao”: Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn…?
Điều còn mãi làm cách đây bốn năm, và bây giờ nó còn được chào đón hơn những năm đầu. Điều này cho tôi một cách nhìn khác về xã hội. Năm nay bắt đầu làm Cửa sổ âm nhạc, vì tôi cảm thấy thế một cách tự nhiên, chứ không phải là một quyết định cảm tính.
Cảm nhận của một con người hành động, biết gắn mình với thực tại đời sống xã hội khác với cảm nhận của một con người tư biện và lý thuyết. Tôi nhìn thấy một xã hội mới đang có dấu hiệu hình thành. Xã hội này sẽ văn minh và có văn hóa hơn là chúng ta nghĩ. Khủng hoảng kinh tế đánh bại nhiều đại gia và nhiều tập đoàn kinh doanh lừa lọc, nhưng một lớp trẻ mới đã trưởng thành lên từ đấy. Họ không có đủ tiền mua một căn hộ sang trọng, nhưng có đủ tiền mua đàn piano cho con học, đủ tiền và đủ văn hóa để mua vé vào xem các chương trình âm nhạc nghiêm túc. Chỉ có điều chúng ta có nghiêm túc không hay thôi.
Giữ quan điểm “mỗi nhà tài trợ tham gia vào các hoạt động văn hóa cũng như một cách khẳng định giá trị thương hiệu của họ hơn là việc bỏ tiền đơn thuần”, ông có thấy đó là một yêu cầu cao quá so với văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay không?
Không chỉ cao mà thậm chí còn vô lý đối với rất nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nhưng tôi thường không chọn cái tỷ lệ đám đông khi nói đến văn hóa. Tôi chọn số ít. Số ít này mới là đại diện cho những gì ta sẽ có trong tương lai. Hàng nghìn doanh nghiệp ngoảnh mặt trước các yêu cầu của văn hóa nhưng cũng có hàng chục doanh nghiệp biết được và có cùng quan điểm này. Vấn đề là chúng ta có làm cho họ tin tưởng hay không, hay là chỉ giả danh văn hóa cao để tìm cách ăn cắp tiền của họ. Hàng chục doanh nghiệp, thế là quá đủ. Bây giờ thì hãy làm đi, hãy chứng tỏ đi.
Lần này, tự đứng ra đầu tư và tổ chức chương trình riêng của mình, ở góc độ nào đó, ông cũng là một “doanh nhân”, kinh doanh âm nhạc của mình. Ông có chịu áp lực vì điều đó không? Ông nghĩ thế nào về nghề kinh doanh nghệ thuật nói chung? Kinh doanh nghệ thuật ở Việt Nam nói riêng?
Tôi vô cùng kinh ngạc khi có người nói rằng phần tiểu sử của tôi trong Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở) bằng tiếng Việt có ghi tôi là nhạc sĩ (thì đúng rồi) nhưng còn là doanh nhân, là nhà đầu tư!? Nghe ghê quá. Tôi không mở quán cà phê để đi bán cà phê. Hệ thống quán Cà phê thứ Bảy chỉ là một dự án của tôi mà Tập đoàn Trung Nguyên đầu tư về tài chính theo tinh thần hợp tác. Và đương nhiên tôi phải là Giám đốc Điều hành dự án này, một thứ chủ quán bất đắc dĩ. Bây giờ lại được bạn nói rằng tôi đang kinh doanh âm nhạc của mình, thế thì oai quá. Ngày xưa Balzac vĩ đại mở nhà xuất bản để kinh doanh sách và ông ấy đã vỡ mộng!
Thực chất tôi chỉ là người sản xuất âm nhạc và luôn luôn để người khác kinh doanh mình. Lần này, vì tôi thấy người khác kinh doanh mình ẩu quá nên “tự làm” lấy cho đảm bảo tính nghiêm túc trong nghệ thuật. Tôi khó tính và yêu cầu cao đối với cộng sự. Đây là chương trình với dụng ý làm mẫu để tìm nhà đầu tư trong tương lai. Nếu không có người đầu tư, hoặc làm không được thì chắc là chấm dứt ngay.
Còn nói về kinh doanh nghệ thuật thì đây lại là một câu chuyện khác. Ở Việt Nam ta phần lớn là kinh doanh nghệ thuật không chuyên nghiệp. Vẽ tranh đẹp, viết báo hay, sáng tác nhạc tuyệt vời, không có nghĩa sẽ làm chủ được một gallery, chủ một tờ báo, chủ một hãng sản xuất âm nhạc. Vẽ tranh và bán tranh, viết báo và làm báo để bán, viết nhạc và bán nhạc là những chuyện hoàn toàn khác nhau. Không hiểu được điều này thì sẽ phải “bán” luôn mình. Kinh doanh nghệ thuật là một nghề. Cần phải được đào tạo bài bản, cần phải có những phẩm chất và kỹ năng cần thiết, không dễ dàng như thế đâu.
Làm nghệ thuật là để đi tìm bạn
Đã có một số đêm nhạc Dương Thụ ở phòng trà TP.HCM, một live show Dương Thụ – Họa mi hót trong mưa do Đài truyền hình VTC tổ chức, và live show Dương Thụ – Im lặng trong chương trình Con đường âm nhạc của VTV3. Có khác gì giữa những “chân dung Dương Thụ” do người khác vẽ và “chân dung tự họa” lần này của ông?
Cái khác trước tiên là về nhạc mục: Lần này khoảng 60% tiết mục là những bài hát được diễn trên sân khấu lần đầu. Cái khác thứ hai là ê-kíp thực hiện: Những lần trước ban nhạc và ca sĩ tôi không thể quyết định vì tôi chỉ là khách mời. Lần này là “gia đình âm nhạc” của tôi, cái ê-kíp luôn sát cánh bên tôi và sẽ sát cánh trong các chương trình tới. Cái khác thứ ba là tôi tự biên tập, tự viết kịch bản và muốn thực sự kể câu chuyện của riêng mình. Tất cả sẽ khiến cho người nghe hiểu nhạc của tôi theo cái cách của tôi.
Vì thế cũng có thể có người nghe thất vọng vì thấy không hay như cách những người khác làm, nhưng cũng vì thế mà tôi có những người tri kỷ thật sự, nếu họ thích. Bá Nha – Tử Kỳ mà. Sự thấu hiểu của người nghe mình mang lại hạnh phúc, một hạnh phúc quá lớn của một kẻ làm nghệ thuật là để đi tìm bạn.
Các ca sĩ trong chương trình sắp tới của ông toàn những ngôi sao đẳng cấp và quen thuộc với âm nhạc của ông đến mức tôi nghĩ đó là giải pháp hoặc quá cực đoan, hoặc quá an toàn khi không ít ca sĩ trẻ khác mong muốn được hát trong chương trình này như một sự khẳng định và ghi nhận năng lực của họ từ những bậc cha chú như ông. Nếu nói ông “đóng khung” người cũ và định kiến với “người mới” thì có “oan uổng” không, thưa ông?
Tôi không dùng các ngôi sao đẳng cấp để an toàn cho mình. Điều đơn giản là những người gắn bó với tôi trong những năm tháng hoạt động âm nhạc, cái “gia đình âm nhạc” của tôi lại là chính họ.
Có rất nhiều cái tên khác nếu có, sẽ cực kỳ tốt để bán vé, nhưng… Dương Thụ thì mất tiêu. Tôi đã nói là tôi không kinh doanh mình mà. Còn các ca sĩ trẻ, nghe bạn nói nếu quả đúng như vậy thì mừng quá, ai muốn hát chương trình của tôi nhỉ? Tôi thấy các thần tượng âm nhạc Việt Nam, những nhà quán quân các game show âm nhạc chẳng ai lựa bài của tôi để hát cả.
Tôi có nghe một ca sĩ Sao Mai là cô Hà Linh hát Bài hát ru cho anh, ấn tượng lắm. Xin gặp được một lần, rồi sau đó mất hút. Gọi điện thoại chẳng bao giờ thấy nhấc máy. Vài năm trước tôi có làm đĩa cho giọng hát rất trong trẻo của giải Sao Mai là Khánh Linh, album Họa mi hót trong mưa. Nhưng khi cô ấy nổi tiếng là “họa mi” rồi thì muốn khẳng định mình với các nhạc sĩ khác. Cô ấy tìm đến nhạc “quái” của anh Ngọc Đại, rồi nhạc mới của Lê Minh Sơn, nghe đâu đang làm mới Trịnh Công Sơn và gần đây nhất có một live show để tri ân nhạc sĩ Thanh Tùng.
Các bạn trẻ toàn có ý tưởng lớn lao, đâu dễ gì gần gũi được họ. Nên bạn nói tôi “đóng khung” người cũ và định kiến với “người mới” là oan cho tôi đấy.
Sau Nguyên Thảo, hình như ông chưa có bất cứ một tài năng nào mới để giới thiệu với công chúng thì phải. Ông khó khăn trong việc tìm kiếm hay đã mệt mỏi với công việc này hoặc những gương mặt hiện nay ông không nhìn thấy ai “đủ tầm, đủ tâm” để theo nghề và đặc biệt là hát những nhạc phẩm của ông?
Tôi chưa bao giờ đào tạo ai để hát nhạc của mình cả, bạn hiểu nhầm đấy. Tất cả họ đến với tôi vì lý do khá đơn giản: Thích hát nhạc của chú Thụ, và thấy chú Thụ hiền lành nhưng làm nghệ thuật nghiêm túc nên cũng “OK”. Tôi từng một thời làm “giám đốc nghệ thuật” cho cô Hồng Nhung. Giúp cô ấy hát những bài của người khác mà tôi chọn lựa, đâu chỉ có bài của tôi. Mỹ Linh hay Nguyên Thảo cũng thế. Tôi chỉ có thể làm cho họ hiểu và yêu hơn những gì họ hát, biết cách bảo vệ những gì trong sáng nhất mà tâm hồn âm nhạc như của họ có được.
Tôi thiết nghĩ tác phẩm của mình đã là cái gì để mà huênh hoang là phải đủ tâm, đủ tầm mới hát được. Tôi viết nhạc tự nhiên, “hát” lên những gì có thật trong tâm hồn mình. Theo lý thuyết cặp, thì đã sinh ra Bá Nha thì phải có Tử Kỳ. Người sẽ đến với âm nhạc của mình đang ở đâu đó. Có cuộc hội ngộ cũng là “nhân duyên” cả, tìm kiếm cũng chẳng được. Biết vậy nên nhọc công làm gì cho nó mệt mỏi.
Sống ở TP.HCM đã lâu, hoạt động nghệ thuật chính ở TP.HCM, nhưng khi làm chương trình riêng đầu tiên, ông lại chỉ định làm ở Hà Nội?
Ê-kíp của tôi phần lớn ở ngoài ấy. Ban nhạc Anh Em và dàn nhạc thính phòng và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc Quốc gia, các ca sĩ Thanh Lam, Mỹ Linh, Trọng Tấn, Tùng Dương cùng với các nghệ sĩ solo Trần Thị Mơ (Cello), Xuân Huy (Violon), nhạc sĩ Quốc Trung, nghĩa là đông người lắm. Tôi rất muốn làm ở TP.HCM song phải “không vận” từng ấy người vào trong này thì gay đấy. Nếu có tài trợ mạnh chắc sẽ diễn cả ở hai nơi (mà ta gọi là “xuyên Việt” ấy mà) thế thì còn gì bằng. Thế thôi chẳng có ý riêng gì đâu. Hà Nội hay TP.HCM đâu cũng là người mình cả. Ở đâu tôi cũng có công chúng, dù là ít thôi.
Xin chân thành cảm ơn ông!