Do nhu cầu công việc tôi từng được đặt chân lên nhiều quốc gia, lãnh thổ ở năm châu, nơi nào lúc nào cũng gây cho tôi nhiều ấn tượng và gợi lên lắm cảm nghĩ. Chuyến thăm và làm việc tại đất nước Ecuador cách đây hơn 35 năm là một chuyến đi lưu lại nhiều kỷ niệm bởi hành trình xa xôi cách trở, mà khi đến tận nơi tôi lại chứng kiến những cảnh tượng quen thuộc đến diệu kỳ.
Một dải phân cách thanh mảnh hình tam giác bằng đá hoa cương màu sáng chia đôi quảng trường lớn lát đá màu xẫm hơn. Cạnh bên này có dòng chữ sơn màu đỏ: Vĩ tuyến 0,0.0 Nam, cạnh kia ghi Vĩ tuyến 0,0.0 Bắc. Dải phân cách này vật chất hóa con đường chỉ có trong tưởng tượng của loài người: đường xích đạo. Anh nhiếp ảnh chuyên phục vụ khách lữ hành bảo tôi đứng dạng chân, một chân đặt lên bên trái dải phân cách ấy, một chân đặt bên phải, mặt nhìn thẳng về hướng Tây.
Anh cũng xoạc chân giống như tôi, cùng một trục, rồi hướng ống kính cho thật đúng tâm, bấm máy. Anh vốn có nhiều kinh nghiệm, bấm máy tại chỗ này sẽ đạt được nhiều tấm hình đẹp nhất. Vậy là trong tấm ảnh, sau lưng tôi sẽ hiện lên đài kỷ niệm sừng sững như một tòa nhà cao hơn 30m, tâm tòa nhà nằm đúng trên đường xích đạo, trên nóc mái bằng của tòa nhà ấy đặt một đài quan sát thiên văn. Anh nói:
– Như vậy là trong có mỗi một khoảnh khắc mà bạn đã cùng lúc đặt chân trên cả hai bán cầu. Phía trái bạn thuộc bán cầu Bắc, phía phải bạn là bán cầu Nam. Bạn xứng đáng là một Hiệp sĩ dòng Del Intinan.
Người ta mời tôi quay người lại 1800, bước vài chục bước đến gần chân đài kỷ niệm. Một cụ già trong bộ trang phục truyền thống của người dân bản địa chờ sẵn ở đây từ lúc nào, trịnh trọng xướng lên mấy câu rồi hai tay nâng ngang mày trân trọng trao cho tôi tấm giấy đã chuẩn bị, viết tay bằng kiểu chữ gothic cổ kính.
Đấy là tấm bằng chứng nhận Hiệp sĩ Seneor Phan Quang đã đặt chân đến Mitad del Mundo (Trung tâm Thế giới) tại vĩ độ 0,0.0, kinh độ 78027’8’’Đông, độ cao 2.483m so với mặt biển. Do đạt chiến tích ấy tôi xứng đáng được phong hàm Hiệp sĩ. Phía dưới tấm bằng ấy có đến 3 vị chức sắc cùng ký tên.
Phóng tầm mắt ra xa, tôi chợt nhìn thấy một ngọn núi hùng vĩ chóp phủ tuyết trắng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời. Băng tuyết vĩnh cửu ngay trên con xích đạo suốt năm chang chang hơi nóng mặt trời, quả là kỳ quan. Đấy là núi lửa Cayambe cao 1.580m. Các nhà khoa học khẳng định đỉnh núi Cayambe này mới là nơi xa trung tâm trái đất nhất chứ không phải ngọn Everest trên dãy Hymalaya như mọi người vẫn tưởng.
Bởi hành tinh của chúng ta, theo lời khẳng định của nhà bác học Newton cách đây những mấy trăm năm, không phải là một quả cầu tròn lý tưởng. Nó có hình một quả cam hơi dẹt, khúc giữa phình ra do tác động của lực ly tâm trong quá trình trái đất không ngừng xoay tựa một con quay xoay không ngừng quanh cái trục bất chấp thời gian; do đó tính từ tâm trái đất vùng có con đường xích đạo đi qua là nơi xa nhất, nơi đây lại có nền đất cao nhất tính từ trung tâm, đỉnh ngọn núi nhô lên từ nền đất cao ấy mặc nhiên cao hơn những ngọn núi cao ở các vĩ độ khác.
Nhằm xác minh lý thuyết ấy trong thực tế, năm 1736, mấy nước phát triển ở châu Âu cử một đoàn khoa học do nhà vật lý lỗi lạc người Pháp La Condomine dẫn đầu vượt đại dương sang tận địa điểm này, cách thủ đô Quito chừng 15km về phía Bắc, làm công việc quan trắc. Đoàn có nhiệm vụ đo đạc và tính toán chính xác độ dài chu vi trái đất tại đường xích đạo cùng những thông số liên quan đến hành tinh của chúng ta.
Cùng lúc, một đoàn khoa học khác do nhà toán học Pierre Louis Moreau de Maupertuis cũng là người Pháp lãnh đạo được phái lên miền Bắc cực với nhiệm vụ đo đạc chu vi trái đất theo hướng Bắc – Nam tại kinh độ 10. Chiều dài của kinh tuyến 1 ngắn hơn chiều dài của vĩ tuyến 0 khá nhiều, chứng minh lý thuyết Newton là chính xác.
Đường xích đạo từ bấy được loài người cùng ước lệ là dài 4.000km (con số trên thực tế có xê xích ít nhiều), và con số tròn ấy rồi sẽ được dùng làm cơ sở để chia nhỏ ra mà xác lập nên hệ đo lường tính theo đơn vị mét phổ biến trên phần lớn thế giới ngày nay, bao gồm nước Việt Nam, gọi là “hệ mét”.
Đài kỷ niệm, cũng như thị trấn Mitad del Mundo nơi tôi đang đứng hôm nay, được chính phủ nước sở tại xây cất lên nhằm kỷ niệm 250 năm Ngày Đoàn thám hiểm do La Condamine dẫn đầu hoàn thành việc đo đạc. Hai bên con đường lớn dẫn tới đài tưởng niệm, tượng các nhà bác học tham gia chuyến khảo sát được trang trọng đặt lên trên những bệ cao xây bằng cẩm thạch.
Tôi nghĩ vui mà chưa dám nói với ai lúc này: việc lập các tượng đài chắc cũng nhằm làm nhẹ bớt “cái tội” quốc gia diện tích không lớn, dân số không đông này dám chiếm đoạt tên đường xích đạo của cả thế giới làm quốc hiệu riêng của mình: Equador, Ecuador, Equateur… hiểu theo tiếng Tây Ban Nha hay tiếng Anh, tiếng Pháp… đều có nghĩa là Xích đạo.
Ecuador là một quốc gia nằm kẹt giữa Thái Bình Dương mênh mông và đất nước Brazil khổng lồ. Tôi dùng từ “chiếm đoạt” bởi đường xích đạo đâu có phải chỉ đi ngang qua địa phận một nước mà thôi. Riêng ở lục địa châu Mỹ, ngoài Equador còn có các nước Colombia và Brazil, sang châu Phi có Sao Tomé, Gabon, Congo, Zaire, Uganda, Kenya, Somali, đến châu Á có các đảo Sumatra, Borneo thuộc Indonesia, rồi quần đảo Moluques… Dù sao, từ Thái Bình Dương tiến vào đất liền thuận với chiều quay của trái đất, nơi đặt chân đầu tiên của xích đạo lên mặt đất đúng là thuộc lãnh thổ đất nước Ecuador.
Quần thể tôn vinh di sản văn hóa phi vật thể Mitad del Mundo được nước sở tại lập nên với tham vọng nơi đây sẽ trở thành một kỳ quan thu hút khách du lịch toàn cầu. Cái mà tôi gọi là Đài kỷ niệm trên thực tế là cả một Viện Bảo tàng hoàn chỉnh, tọa lạc trong mấy tầng lầu thuộc phần dưới của Đài của công trình kiến trúc có sứ mệnh lưu giữ di sản nền văn minh Incas và tái hiện các sinh hoạt của những người dân bản địa thuở xa xưa ngày nay thế giới hay gọi bằng một cái tên chung chung là người Indiens nhưng lại bao gồm nhiều sắc tộc như người Mestizos, người Jaluq-Coaque…
Đường xích đạo chạy qua trung tâm tòa nhà ấy, tiếp tục đi thẳng để xuyên qua tâm một ngôi Nhà thờ lớn cũng vừa mới xây dựng ở phía sau, vào cổng chính ra cổng hậu, rồi đi tiếp nữa để ngăn đôi một đấu trường thể thao mà diện tích chiếm cân đối hai phần bắc, nam của địa cầu, mỗi bên một nửa.
Tôi mường tượng con đường xích đạo “phi vật thể”, tức là vô hình, tại khu liên hợp thể thao này bỗng dưng trở thành “vật thể” – đó là cái vạch quen thuộc vốn phân đôi các sân đá bóng tròn mà tất cả mọi người chúng ta vẫn nhìn thấy ở khắp mọi nơi; hai bên cái vạch có nơi chỉ mới được kẻ bằng nước vôi pha loảng ấy có hai đội bóng đá tạm đứng yên trong khoảnh khắc, mắt lăm lăm nhìn ông trọng tài chính, chờ đến lúc ông đưa một tay đưa lên cao, tay kia cầm cái còi cho vào miệng thổi tuýt một tiếng, để cùng lộn xộn băng ngang qua cái vạch hiện hữu rành rành ra đấy chứ đâu phải vô hình, khởi đầu cuộc tranh tài.
– Nếu cần sắp xếp một trận đấu giao hữu giữa Đội tuyển bóng đá Nam bán cầu với Đội tuyển bóng đá Bắc bán cầu thì không có sân cỏ nào trên thế giới thích hợp hơn sân vận động này – anh Rodrigo Santillan, Chủ tịch Hội Nhà báo Equador hào hứng nói với tôi.
– Trở ngại lớn có thể là rồi sẽ khó tìm cho ra thật nhiều fan cuồng nhiệt đến từ nhiều quốc gia khác nhau cổ vũ hai đội bóng. Tốt nhất là nên dành chỗ này làm địa điểm mở Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Nam – tôi cũng cười, đáp lời anh.
***
Chuyến đi của tôi sang Ecuador năm ấy có mục đích dự Hội nghị thường niên mở rộng Ban Chấp hành Tổ chức quốc tế các nhà báo, ta quen gọi tắt theo tiếng Pháp là OIJ. Dạo ấy đang buổi thịnh trào của tổ chức báo chí quốc tế với sự tham gia của các hội đoàn và nghiệp đoàn báo chí truyền thông thuộc hơn 100 quốc gia trên năm châu lục, có sự bảo trợ của Tổ chức UNESCO. “Đoàn nhà báo Việt Nam” gọi là đoàn mà chỉ có mỗi một thành viên.
Từ Hà Nội tôi phải bay sang Moscou sớm hơn các đoàn khác để còn có đủ thời gian đến Đại sứ quán Ecuador làm thủ tục xin visa nhập cảnh rồi tham gia chuyến bay chung cùng nhiều đoàn nhà báo đến từ nhiều nước châu Á, châu Âu từ Moscou sang La Havana nước Cộng hòa Cuba, từ đây chuyển sang tàu một hãng hàng không khác bay về miền Nam, quá cảnh thủ đô Lima nước Peru, ngủ qua đêm ở sân bay, trước khi đổi chuyến bay lần nữa mới tới được thủ đô Quito nước Ecuador gần đường xích đạo.
Lúc máy bay đáp xuống phi trường mang tên tướng Mariscal Sucre vào khoảng 2 giờ chiều, dù đang giữa mùa hè mà nơi đây nắng nhạt gió mát như ngày đầu thu ở Hà Nội. Tôi cảm thấy người như lâng lâng, hai chân bước trên sàn phẳng lỳ của nhà ga hàng không mà cứ chông chênh thế nào ấy, và ngỡ là tại mình ngồi quá lâu trên mấy chuyến máy bay.
Hóa ra thực tế không phải vậy. Nguyên cớ là thành phố Quito này nằm trên sườn núi lửa Pichincha ở độ cao gần 3.000m so với mặt biển. Ở độ cao này không khí loảng. Những ai chưa quen với môi trường, chỉ cần bước nhanh chân một quãng đường ngắn đã cảm thấy như sắp hụt hơi.
Tuy vậy, đỉnh núi Cayambe nằm gần đường xích đạo mà tôi nhìn thấy xa xa kia chưa phải là ngọn núi cao nhất nước Equador. Còn có đỉnh Chimborazo, cũng vốn là một hỏa diệm sơn đã ngưng hoạt động từ thuở nào, cao những 6.270m. Những quả núi lửa tưởng đã vĩnh viễn yên giấc ấy nghe nói thi thoảng vẫn có thể trở mình vô nguyên cớ, khạc lửa ra gây nên bao tai họa cho cư dân trong vùng.
Cách đây chưa lâu, ngồi ở Hà Nội, tôi được nhìn thấy qua tivi cảnh thành phố Quito mịt mù sau khi những đợt gió cuốn bụi đỏ ngầu do núi lửa gần đấy phun trào tạt về thành phố, đến nỗi sân bay thủ đô phải tạm ngưng hoạt động, xe hơi xe máy chạy giữa ban ngày phải bật sáng hết cỡ các đèn pha.
Người châu Âu lần đầu biết đến xứ sở này là vào giữa thế kỷ XVI, sau kỳ công của Christophe Colomb (Colombo) phát hiện ra lục địa mới gồm 3 phần rõ rệt Bắc, Trung, Nam. Các nhà hàng hải cắm quốc kỳ Tây Ban Nha lên đường xích đạo, rồi bất chấp cái giá tính bằng vô vàn máu và nước mắt của những người dân bản địa, họ cùng một số nước khác, hoặc đồng minh hoặc đối thủ, cùng nhanh tay áp đặt nền văn minh châu Âu lên miền Trung và Nam châu Mỹ, lập nên cái gọi là “kỷ nguyên Tây Ban Nha” trong lịch sử châu lục này. Atahualpa, vị hoàng đế cuối cùng của người bản địa đa sắc tộc, đa văn hóa vẫn được người châu Âu, châu Mỹ hiện đại gọi chung chung là “thổ dân da đỏ” cố kháng cự nhưng bất thành, bị đạo quân viễn chinh Tây Ban Nha bắt sống, trói vào cột đá rồi thiêu chết bằng những bó củi khô, chấm dứt một vương triều gắn với nền văn minh rực rỡ một thời.
Lịch sử vùng đất này được các học giả người phương Tây khẳng định một cách mơ hồ rằng cư dân nguyên thủy ở nơi nay được gọi là Cộng hòa Equador vốn có gốc gác từ châu Á vượt qua biển cả sang đây di trú một thời xa xưa nào đó. Các bộ tộc đến đây đầu tiên rồi sẽ dần dà hợp nhất với nhau thành những cộng đồng sinh sống trên vùng đất nay thuộc địa giới thành phố Quito – các nhà sử gọi ấy là thời “Vương quốc Quito”.
Trước các đợt sóng ồ ạt của những người đến từ châu Âu, nền văn minh bản địa nhanh chóng lụi tàn. Thống kê dân số cho biết, tại nước Equador ngày nay, phân loại theo nhân chủng học người Indiens chiếm khoảng 39% dân số, người Mestizos 41%, người da đen gốc Phi cùng những người lai 2-3 dòng máu chiếm khoảng 10%. Người da trắng chưa tới 1/10 dân số, vậy mà ngôn ngữ chính thức của quốc gia này lại là tiếng Tây Ban Nha.
Biên giới nước Cộng hòa Equador ngày nay tựa lưng vào triền núi Andes kéo dài từ vùng xích đạo xuống tận cùng phía Nam châu Mỹ dọc theo bờ Đông Thái Bình Dương. Vùng đồng bằng chính nằm gần bờ biển, phía Tây các triền núi cao. Gần đường xích đạo có một con sông nhiều khúc dòng nước rộng mênh mông và dài tới 2.000km tính từ thượng nguồn.
Tên của nó là Rio Negro – Sông Đen, chắc bởi do các rừng cây nhiệt đới hai bên bờ thường xuyên tỏa bóng xuống khiến cho mặt nước sông từ cao nhìn xuống lúc nào cũng thấy đen ngòm. Tôi nghĩ, chắc câu chuyện này cũng tương tự trường hợp các ông Tây đặt tên Sông Đà ở nước ta.
Mấy thế kỷ trước, khi những người Pháp đầu tiên đặt chân đến miền Tây Bắc Việt Nam, họ đã dựa mặt nước con sông thường xuyên in bóng những rừng cây cổ thụ mà gọi nó bằng cái tên đầy cảm tính là Sông Đen (Rivière Noire) trong khi nước sông Đà quanh năm vẫn trong veo trừ những ngày lũ lụt.
Phần phía Tây của nước Equador thuộc lưu vực sông Amazon. Khu rừng nhiệt đới Amazon rộng mênh mông trải lên địa phận 3 nước Colombia, Equador và Brazil, rừng liền hun hút lớn nhất thế giơi, rộng hơn diện tích cả nước Việt Nam ta. Vùng biên giới 3 nước ấy là căn cứ của các đường dây ma túy lớn, trong đó có tập đoàn do tên trùm Medellin khét tiếng cầm đầu từng chi phối chính trường nhiều nước ở Trung Mỹ trong một thời gian dài. Trùm ma túy Medellin là nhân vật nguyên mẫu cho văn hào Gabriel Marquez viết nên thiên phóng sự tài hoa Nhật ký một cuộc bắt cóc (1996).
Nước Cộng hòa Equador, ngoài phần đất liền, còn có một cụm đảo nằm ven bờ Thái Bình Dương gọi là quần đảo Galapagos. Nơi đây là một Khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều quần thể sinh vật có một không hai trên thế giới. Galapagos trong thực tế là tên gọi một giống rùa khổng lồ sống tại quần đảo này từ thời nguyên thủy.
Những 1990, các nhà khoa học ước lượng nơi đây vẫn còn khoảng một vạn con rùa giống ấy. Tuổi thọ của chúng có thể đến 150 năm, và thân chúng cân nặng chừng 2,5 tạ một con. Lại có loài con chim cánh cộc cormoran – gọi là chim nhưng không biết bay, chỉ có thể di chuyển lạch bạch trên mặt đất bằng đôi chân ngắn cũn cỡn.
Hóa ra vùng xích đạo này đâu có thua kém gì các miền Bắc và Nam cực, nơi có những con chim cánh cụt penguin độc đáo hiện đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do biến đổi khí hậu toàn cầu quá nhanh. Cùng với loài chim cánh cụt cormoran, nơi đây còn có giống hải âu có đôi cánh cực lớn, trên địa cầu chỉ tồn tại duy nhất tại quần đảo này.
Năm 1835, nhà bác học người Anh Charles Darwin đã đích thân đến quần đảo Galapagos nghiên cứu, sưu tầm tư liệu nhằm hoàn thành công trình khoa học bất hủ của ông: Nguồn gốc muôn loài. Người ta bảo sở dĩ những con chim cộc ở Galapagos không biết bay vì thức ăn ở đảo này lúc nào và đâu đâu cũng quá dồi dào, chim chẳng cần bay vẫn kiếm đủ sống, đã thế chim chẳng phải lo ngại có kẻ thù nào bất chợt tấn công vì vậy chúng chẳng bay vút lên không trung làm gì, lười biếng lâu ngày trở thành những con chim không biết bay – thêm một số bằng chứng nữa minh chứng quy luật thích ứng của muôn loài vào môi trường sống tự nhiên, cũng như sự tự thân biến đổi của các loài sinh vật do tác động của môi trường ở mỗi nơi.
Quan sát quần đảo này, nhà bác học Newton đi đến kết luận: có nhiều loài động vật ngày nay nhìn khác hẳn nhau nhưng xưa vốn cùng chung một tổ, sở dĩ chúng trở thành khác biệt vì đã sống trong những môi trường hoàn toàn khác nhau.
Thức ăn truyền thống của người dân Equador là ngô, giống như gạo “hạt ngọc nhà trời” của người dân nước ta. Tôi ngạc nhiên và thú vị khi nhìn thấy, tại bữa tiệc trọng thể do Ngài Thị trưởng thủ đô Quito chiêu đãi các đoàn nhà báo nước ngoài đến từ nhiều châu lục, trước khi đi vào các món chính mỗi thực khách được mời nếm một bắp ngô non mới luộc nằm vắt ngang trên chiếc đĩa sứ lớn cùng một con dao và một cái nĩa bằng kim loại quen thuộc của người châu Âu.
Thấy bắp ngô non bốc hơi thơm lựng, sốt dẻo mượt mà ngon lành quá, tôi tuôn nước bọt, những muốn vớ luôn cái bắp dễ thương ấy cho vào miệng ngoạm một miếng, thế nhưng khi nhìn qua các bàn khác thấy các vị thực khách ai nấy đều trang trọng cầm con dao cắt tỉa các hạt ngô ra đĩa rồi mới dùng cái nĩa xúc mấy hạt ngô non bé tí đưa vào miệng gật gù thưởng thức, tôi e nếu mình gặm ngồm ngoàm sẽ mang tiếng thiếu văn minh ẩm thực chăng, thôi đành nuốt nước bọt nhặt từng hạt ngô non y như họ!
Qua các nẻo đường trên đất nước Ecuador, thi thoảng tôi nhìn thấy các bà phụ nữ đứng tuổi đầu đội cái mũ jipijapa truyền thống đang khom lưng cần mẫn thu hoạch bông vải trên những cánh đồng chuyên canh bát ngát trồng bông dệt vải.
Cạnh các cánh đồng bông hoặc các nương ngô chưa tới mùa thu hoạch, chốc chốc đoàn xe chở các nhà báo chúng tôi lại gặp ở ven đường xa lộ một người nghệ sĩ hát rong. Đầu đội cái mũ rộng vành, mình khoác chiếc pancha rộng thênh thang dài tận gót chân, tay ôm cây đàn ghi ta, anh lặng lẽ nhìn dõi theo đoàn xe cho đến khi khuất bóng.
Không rõ anh ta mang cây đàn từ nhà đến đây chơi là do máu nghệ sĩ hay nhằm kiếm tiền sinh sống – bởi nhìn xung quanh, tuyệt nhiên không thấy nơi đâu có đông người tụ hội. Có thể do chúng tôi gặp anh lúc này hơi quá sớm hoặc là quá muộn so với “giờ tác nghiệp hằng ngày” của người nghệ sĩ dân gian chăng.
Người bản địa được cho vốn gốc gác người châu Á – nếu ta tin lời các nhà cổ dân tộc học – rời lục địa phía Đông sang đây lập nghiệp từ bao giờ? Họ đã phải vượt qua những đại dương nào? Hay là họ đi bộ từ phía Nam lên miền cực Bắc rồi theo các con đường phủ đầy băng tuyết vượt qua eo biển Goering đến châu Mỹ rồi lần hồi đi về phía Nam tân lục địa này, tránh cái rét thấu xương vùng Bắc cực?
Câu hỏi chẳng chút liên quan đến công việc của mình ấy cứ ám ảnh đầu óc tôi trong những ngày lưu trú tại Equador, một câu hỏi mà các nhà sử học, dân tộc học, khảo cổ học uyên bác trên thế giới vẫn chưa tìm ra lời giải đáp đủ sức thuyết phục.
Tôi càng nghĩ ngợi miên man sau lần tham dự đêm hội dân gian do các nghệ sĩ quốc gia Ecuador trình diễn ngoài trời mừng đoàn khách quốc tế. Dưới ánh sáng của ngọn lửa bập bùng từa tựa ánh lửa trại của các hướng đạo sinh thời trước, Đoàn nghệ thuật trình diễn một liên khúc ca nhạc – vũ đạo. Khán giả chúng tôi dễ dàng nhận ra màn trình diễn tái hiện sinh hoạt dân gian của người dân quê ở xứ này.
Khởi đầu từ việc vỡ hoang làm đất, rồi gieo hạt hái bông (bông vải là cây trồng phổ biến nhất ở Ecuador), đến các động tác như kéo sợi, dệt vải…, cuối cùng kết thúc bằng việc toàn dân mở hội tế tạ ơn trời đất đã ban cho một năm được mùa, qua cảnh tượng tất cả mọi thành viên trong đoàn nghệ thuật cùng trào ra hát cả nhảy múa, đông vui như hội! Tự nhiên, tôi liên tưởng tới những điệu múa chất phác đại thể như “Vui sản xuất”, “Mừng được mùa” ở nước ta mấy chục năm trước, trong kháng chiến chống Pháp và khi miền Bắc vừa lập lại hòa bình.
Vẫn chưa hết. Kết thúc chưng trình nghệ thuật còn có cảnh chơi đèn thăng thiên (còn gọi đèn trời) giống hệt như ở nước ta. Những ngọn đèn nhỏ đốt bằng dầu thực vật cùng một lúc sáng lên dưới những chiếc dù nhỏ làm bằng vải thưa hoặc giấy mỏng; hơi nóng từ ngọn đèn sẽ tạo nên lực đẩy nâng những cái dù mong manh ấy bay dần lên cao trên bầu trời đêm, ở đó nhờ có ngọn gió đêm lồng lộng tiếp thêm lực đẩy, thế là các bóng dù xanh đỏ đủ màu ấy tiếp tục lượn lờ, ngay cả khi một số cây đèn cạn hết dầu đã tắt ngấm không ai rõ từ lúc nào.
Cũng có một vài ngọn đèn không may do cái dù không chịu mở cánh, đành phải sớm từ từ hạ xuống đất, hay là những chiếc dù chẳng may dính phải lửa từ ngọn đèn rồi bốc cháy trên lưng chừng trời… Ôi, sao mà giống như in cảnh những người dân ở vùng quê nước ta ngày trước mở hội chơi đèn thăng thiên tôi từng được nhìn thấy thuở nào, khi còn là một cậu bé ngốc nghêch cứ ngước đầu chăm chăm nhìn lên bầu trời, mồm há hốc ngạc nhiên và thích thú.
Có đúng là tổ tiên những người dân xứ này có dòng máu họ hàng với máu tiên tổ người dân Việt? Tôi bâng khuâng tự hỏi, khi ngắm nhìn cảnh những ánh đèn đỏ chuệnh choạng chiếc thấp chiếc cao lửng lờ giống những ngôi sao trên bầu trời của một xứ sở xa vời lần đầu trong đời tôi được ghé chân. Mỗi lần có một ngọn đèn tắt đột ngột do gặp sự cố, khiến chiếc dù rớt xuống đất sớm hơn mong đợi, những người dự hội lại xuýt xoa tiếc rẻ. Tôi nói với anh bạn nước chủ nhà, Chủ tịch Hội Nhà báo Ecuador Rodrigo Santillan: “Chắc là anh và tôi, người Ecuador và người Việt Nam, chúng mình từng là bà con họ hàng ruột thịt với nhau một thuở xa xưa nào đó…”.