Thuộc khu vực Nam Mỹ, Ecuador giáp với Colombia ở phía bắc, Peru ở phía đông và nam, còn phía tây là Thái Bình Dương. Có lẽ xưa kia những người Tây Ban Nha đã đến khai phá vùng đất này, đặt tên Ecuador theo đúng vị trí của đất nước vốn trải dài cả hai bên đường xích đạo. Thủ đô Quito có khoảng 2,2 triệu dân và là thành phố lớn thứ hai sau Guayaquil.
Ðể thu hút du khách quốc tế, Ecuador đã dỡ bỏ “hàng rào” visa đối với khách du lịch đến từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Thời gian tạm trú tối đa đến 90 ngày là quá đủ để du khách thoải mái tìm hiểu và khám phá nét đẹp của Ecuador.
Thành phố di sản đầu tiên của UNESCO
Đường từ sân bay Mariscal Sucre vào trung tâm dài chỉ khoảng tám cây số, đường sá khang trang vì giao thông được đầu tư từ lâu đã khá phát triển. Không có hiện tương xe cộ tràn lan gây tắc đường nên chúng tôi chỉ mất chừng mươi phút là đến được khách sạn đã đặt trước.
Quito nằm ở một vị trí khá đặc biệt trên dãy núi Andés nổi tiếng, khí hậu ở đây mát mẻ và trong lành. Thành phố được xây dựng trên bốn thung lũng nối liền nhau, xung quanh là các ngọn núi lửa bao bọc. Có ngọn núi lửa đã ngưng hoạt động, nhưng phần lớn còn đang ngủ, có thể thức giấc bất cứ lúc nào. Trong số đó, Ruco Pichincha và Guagua Pichincha là hai ngọn núi ngay bên cạnh thành phố vẫn đang âm ỉ hoạt động. Nằm ở độ cao 2.800m so với mực nước biển, Quito là thủ đô có độ cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau La Paz của Bolivia.
Lần đầu tới đây, chúng tôi có cảm giác hơi khó thở, có lẽ vì không khí loãng ở độ cao như vậy. Người hướng dẫn khuyên chúng tôi uống nhiều nước, tránh các loại đồ uống có cồn và caffeine để giảm những triệu chứng bất thường của cơ thể, phổ biến nhất là choáng váng và hơi nhức đầu. Nghe nói người dân địa phương thường dùng lá coca pha thành nước vừa để giải khát, vừa giúp cơ thể không bị phản ứng mạnh nếu có sự thay đổi của thời tiết. Chẳng hiểu tác dụng của “thần dược” ấy ra sao nhưng chúng tôi cũng thấy lạ khi biết có quy định rõ ràng là du khách quốc tế không được đem lá coca ra khỏi biên giới Ecuador.
Ðược xây dựng trên đống tro tàn của thành phố Inca cổ xưa, Quito còn lưu giữ được nhiều nét đặc sắc của văn hóa bản địa với khoảng 40 nhà thờ và tu viện, 17 quảng trường và hàng chục viện bảo tàng. Nơi đây đã trải qua thời kỳ phục hưng và tái thiết toàn diện trong suốt nhiều thập niên và được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đầu tiên, từ năm 1978. Năm 2008, nhân kỷ niệm 30 năm trở thành thành phố đầu tiên nhận được vinh dự đó, Quito còn được tạp chí Guardian của Anh bình chọn là một trong mười điểm du lịch an toàn, hấp dẫn nhất hành tinh.
Ngày nay, thủ đô của Ecuador được chia thành ba vùng rõ rệt: phố cổ nằm giữa trung tâm, phía bắc là khu tập trung nhiều danh lam thắng cảnh có sức hấp dẫn mạnh đối với du khách quốc tế, còn phía nam là “đại lộ núi lửa” với chín trong số mười đỉnh núi cao nhất của Ecuador chạy dài song song hai rặng núi, cũng là một thắng cảnh đẹp, hùng vĩ nhất.
Ðến thăm phố cổ, chúng tôi được hướng dẫn leo lên ngọn đồi Panecillo cao 3.035m để chiêm ngưỡng bức tượng Đức mẹ khổng lồ và cũng rất độc đáo. Người hướng dẫn tour cho biết đây là bức tượng Đức mẹ Maria duy nhất có đôi cánh thiên thần. Công trình kiến trúc tuyệt mỹ này được xây dựng bởi hơn 7.000 miếng nhôm to nhỏ, cao đến 45m.
Từ trên đỉnh đồi, chúng tôi thả tầm nhìn bao quát toàn cảnh thành phố và ngắm các ngọn núi lửa xung quanh. Tại đây có tuyến cáp treo Teleíerico đi sang đồi Loma Cruz. Cáp treo ở độ cao 4.000m này được ghi nhận là hệ thống cáp treo cao thứ hai thế giới. Thật thú vị khi ngồi trong cabin của cáp treo băng qua sáu miệng núi lửa. Khung cảnh bên dưới thật kỳ lạ, khó có thể diễn tả bằng từ ngữ. Ðiểm dừng của cáp treo là chân núi lửa Pichincha. Đứng ở nơi bốn bề núi lửa vây quanh, mây bay vần vũ trên đầu, cảm nhận được chút se lạnh ở trên cao, ngắm ánh nắng mặt trời lúc ẩn lúc hiện sau các kẽ mây… mới thấy con người nhỏ bé làm sao trước sự bao la của tạo hóa.
Nhà thờ San Francisco được xây dựng từ khoảng những năm 1570 để tưởng niệm San Francis – dòng họ đã định cư sớm nhất vùng này. Ðó cũng là lý do mà tên gốc của thành phố là San Francisco de Quito. Nhà thờ còn lưu giữ khá nhiều kiệt tác nghệ thuật, nổi bật là tác phẩm điêu khắc bằng gỗ đa sắc và mạ vàng “Virgin of Quito” của Legarda. Ngay trong phố cổ, nhà thờ Iglesia Companĩa de Jesus, được xem là nhà thờ đẹp nhất châu Mỹ.
Bảo tàng Quốc gia Banco Central là nơi trưng bày hầu hết những tác phẩm có giá trị nhất của Ecuador. Trong đó có bộ sưu tập các tác phẩm nghệ thuật nổi trội bằng gốm và vàng có từ thời đại trước khi Colombus phát hiện ra Nam Mỹ. Bên cạnh đó là vô số tác phẩm nghệ thuật đương đại có giá trị.
Bảo tàng Ciudad thì ngược lại, nhỏ hơn nhiều nhưng lại bao quát toàn bộ lịch sử đất nước Ecuador. Ðược xây dựng từ thế kỷ XVI, bảo tàng này lưu giữ đủ các hình ảnh, hiện vật liên quan đến đời sống văn hóa của cư dân bản địa, những mô hình phỏng theo các công trình trọng yếu phản ánh khá sinh động một Ecuador từ xa xưa đến hiện tại.
Tòa nhà giáo hội Compania là một kiệt tác kiến trúc Baroque, được đánh giá là nhà thờ đẹp nhất châu Mỹ với một kho tàng tác phẩm nghệ thuật khổng lồ. Các tác phẩm điêu khắc hiện diện khắp các mặt của tòa nhà, từ ngoài vào trong, khiến du khách nào cũng phải trầm trồ tán thưởng.
Vow là nhà thờ theo kiến trúc Gothic lớn nhất ở Tây bán cầu và mức độ độc đáo cũng rất đáng nể. Người ta nói rằng nhà thờ này vẫn chưa xây xong vì theo truyền thuyết, người dân nơi đây tin rằng nếu nhà thờ hoàn thành thì ngay sau đó sẽ là ngày tận thế.
Đi tìm vị trí chính xác của đường xích đạo
Mặc dù đường xích đạo chạy qua hàng trăm địa điểm trên thế giới, nhưng chỉ Ecuador là quốc gia duy nhất mang niềm tự hào về vị trí địa lý độc đáo này.
Năm 1736, đường xích đạo đã được phát hiện và lập bản đồ bởi một nhóm thám hiểm trắc địa người Pháp, dẫn đầu là Charles-Marie de La Comdamine. Ông đã trải qua mười năm ở Ecuador để lấy những số đo và đã chứng minh rằng Trái đất này không hoàn toàn là tròn trịa, mà phình ra tại đường xích đạo. Năm 1936, Chính phủ Ecuador đã xây dựng một tượng đài trong một công viên có tên là La Mitad del Mundo (Tâm của thế giới) để kỷ niệm 200 năm cuộc thám hiểm trắc địa đầu tiên của Viện Hàn lâm khoa học Pháp. Đến năm 1979, đài tưởng niệm được xây thêm một tòa tháp cao 30m và trên đỉnh tháp gắn một hình cầu cao khoảng 2,4m. Một đường màu vàng chạy trên mặt đất để đánh dấu vị trí chính xác của đường xích đạo.
Tuy nhiên, hệ thống định vị toàn cầu (GPS) hiện đại cho thấy đường xích đạo thực nằm cách vạch màu vàng khoảng 240m về phía bắc. Khi được hỏi về sự khác biệt, các nhân viên ở công viên cho biết rằng ở gần vùng đất mà đường xích đạo chạy qua là một khe núi và mặt đất nơi ấy không phù hợp để xây dựng đài tưởng niệm. Vì vậy, các nhà xây dựng phải chọn một vị trí khác gần đó.
Mỗi năm có khoảng nửa triệu khách du lịch tới đài tưởng niệm La Mitad del Mundo. Nhiều người dù đã biết về sự lệch vị trí nhưng vẫn viếng thăm và chụp ảnh đôi chân của họ đặt ở hai bên của đường vạch màu vàng tượng trưng cho đường xích đạo. Từ đài tưởng niệm này, chỉ mất hai phút chạy xe là đến Bảo tàng Mặt trời Intinan – một địa điểm cũng thu hút khá đông du khách. Người ta gắn một biển hiệu gần cổng của bảo tàng, ghi vị trí của khu vực là vĩ độ 0, được tính bằng GPS.
Các hướng dẫn viên ở bảo tàng thay nhau biểu diễn cho du khách xem các pha “ảo thuật” chỉ có trên đường xích đạo, chẳng hạn làm cân bằng những quả trứng, dễ dàng mở nắm tay đang nắm chặt của du khách hay làm nước chảy ngược chiều kim đồng hồ. Thực ra, đó chẳng phải là thủ thuật gì ghê gớm, mà do ở đường xích đạo, trọng tâm mọi vật rơi vuông góc với trục quay của Trái đất nên một quả trứng có thể đặt đứng dễ dàng trên đầu một mũi đinh, nước trong bồn cũng rơi thẳng đứng chứ không xoáy tròn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân giải thích vì sao các loại gió mùa, bão… đều hình thành ở Bắc bán cầu hay Nam bán cầu, còn riêng vùng xích đạo thì luôn yên bình. Nơi đây đã được khảo sát từ 18 năm trước và mỗi năm đón đến hơn 10 ngàn du khách tham quan. Nếu xét theo công cụ đo đạc hiện đại thì nơi này có xác suất đúng nhiều hơn La Mitad del Mundo. Dù sao chăng nữa, nơi này có giá trị truyền thống, nơi kia có giá trị hiện đại nên du khách không có lý gì chỉ thăm một nơi.
Vài ngày thăm thú thủ đô Quito quả là quá ngắn ngủi và cũng chưa cho phép chúng tôi thăm hết được các danh thắng ở nơi này. Thôi đành phải hẹn gặp lại lần nữa vậy, Ecuador!