Cùng với đó, sự lo ngại khi tổng cầu của nền kinh tế suy giảm, chỉ số CPI âm, tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cho dù lãi suất đã hạ rất nhanh… khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục giữ vị thế đứng ngoài quan sát thị trường.
Sự chuyển hướng một cách nhanh chóng theo chiều hướng giảm của lãi suất, sự “đổi dấu” của chỉ số CPI từ dương ở mức cao sang âm không tạo ra sự phấn khởi về cục diện cả nền kinh tế nói chung cũng như thị trường chứng khoán nói riêng. Ngược lại, sự thay đổi này chỉ mang lại sự thận trọng trước những diễn biến có thể nói là bất thường. Cảm thấy điều gì đó đáng để lo lắng nhưng không nắm bắt được một cách cụ thể là trạng thái tâm lý của nhiều nhà đầu tư, bởi vậy còn lựa chọn nào tốt hơn là việc đứng ngoài quan sát. Thực tế thị trường trong những năm qua cho thấy thà bỏ lỡ một con sóng còn hơn làm thiêu thân lao vào cuộc chơi quá mạo hiểm.
Với những số liệu mà các cơ quan quản lý đưa ra, rõ ràng để nền kinh tế thực sự chuyển động với sức sống mới cần có thời gian và những nỗ lực thực sự. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến cuối tháng 6 tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng gần 7% so cuối năm 2011, gấp trên hai lần GDP theo giá hiện hành. Như vậy cung tiền nhiều hơn hàng hóa và về nguyên lý thì lạm phát phải có chiều hướng tăng. Nhưng ngược lại, lạm phát thực tế xuống rất nhanh trong thời gian qua và tháng 6 đã giảm 0,26% so tháng 5. Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng nhưng tiền vẫn chưa vào được vòng quay của sản xuất và đời sống dân cư. Đầu ra cho sản xuất chưa được khơi thông khiến dòng vốn được “bơm ra” chưa thể phát huy hiệu quả như mong muốn.
Mặc dù đã có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa nhưng ngoài việc phải có độ trễ, dường như những liều thuốc được đưa ra còn chưa đủ liều. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6-2012 so với tháng 5-2012 giảm 0,26%. Theo nhận định của một số chuyên gia thì chỉ số giá này sẽ còn giảm trong vài tháng kế tiếp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ sáu tháng đầu năm cho thấy sức mua của người dân giảm sút so với mọi năm, chỉ tăng 6,5% – đây là yếu tố chính khiến cho chỉ số giá tiêu dùng giảm. Doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn với “hậu” của giai đoạn áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua, giai đoạn mà nhiều chuyên gia cho rằng nền kinh tế được chích đúng thuốc để chống lạm phát nhưng đáng tiếc là đã bị… quá liều gây sốc. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch năm 2012, có những dự đoán cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra thêm biện pháp để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Một thống kê cho thấy, trong bảy năm qua, tính từ năm 2005 đến nay, có bốn lần chỉ số CPI mang dấu âm, nhưng chỉ duy nhất một lần chứng khoán tăng trưởng cùng lúc. Đó là vào năm 2006, thời điểm Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO, khi đó các quỹ nước ngoài chuyên đầu tư vào chứng khoán Việt Nam được thành lập, đây là giai đoạn VN-Index tăng trưởng một cách ngoạn mục và đạt đỉnh cao 1.170 điểm vào tháng 3-2007.
Tuần giao dịch cuối tháng 6, VN-Index liên tục dịch chuyển đi ngang trong vùng chống đỡ 415-430 điểm. Nhìn chung, diễn biến thị trường không mấy tích cực khi mà thanh khoản toàn thị trường rơi xuống mức thấp nhất trong năm tháng qua. Điều khiến cho giới phân tích và các nhà đầu tư thực sự lo lắng là khối lượng giao dịch đã suy giảm liên tục trong tuần giao dịch từ 25 đến 29-6. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6, VN-Index hồi phục nhẹ nhưng thanh khoản lại suy kiệt. Nếu không tính đến khối lượng lớn giao dịch thỏa thuận của STB thì giao dịch khớp lệnh trên sàn HoSE phiên này chỉ có 29,5 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, tương đương giá trị gần 500 tỉ đồng. Nhiều phân tích cho rằng động lực tăng điểm của VN-Index trong phiên giao dịch cuối cùng của quý II là do động thái chốt NAV của các quỹ đầu tư. Nếu tình trạng suy giảm khối lượng giao dịch tiếp tục kéo dài sang tháng 7, khả năng sụt giảm của VN-Index là khá cao.
Ngày đầu tuần (2-7), thị trường rơi vào tình trạng ảm đạm, diễn biến giảm giá chế ngự bảng điện tử suốt phiên. Thanh khoản kiệt quệ, VN-Index mất ngưỡng 420 điểm. Chốt phiên, VN-Index mất hơn ba điểm, giảm xuống còn 419,3. Khối lượng giao dịch còn 38,6 triệu cổ phiếu với giá trị 620,4 tỉ đồng, trong đó có tới hơn 9 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thông qua phương thức thỏa thuận với giá trị 186 tỉ đồng.
Phiên giao dịch 2-7 cũng là ngày đầu tiên áp dụng lệnh thị trường (lệnh MP). Tuy nhiên, lệnh MP đã không thể hiện tác động trên bảng điện tử. Những thông tin trái chiều về việc giảm lãi suất nhưng tăng giá điện, nước khiến nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tác động của lệnh MP trong bối cảnh thanh khoản còn èo uột.
Song Hà