Thông tin trên được đón nhận với thái độ không giống nhau. Vui mừng nhất có lẽ là các quan chức cao cấp trong ngành thể dục thể thao mà nhiều năm qua đã đeo đuổi mơước này vì nhiều lý do trong đó có cả lợi chung lẫn lợi riêng. Họ có niềm hãnh diện khi đã vượt qua một đối thủ cũng rất thiết tha với việc đăng cai ASIAD 18 và càng tự tin hơn là đã từng tổ chức thành công SEA Games 22 dù đây là một cuộc chơi khu trú trong 11 nước có trình độ thi đấu thể thao thuộc vào hạng thấp nhất thế giới, cũng như tổ chức thành công Đại hội Thể thao châu Á trong nhà năm 2009. Họ nhân danh tinh thần hội nhập và uy tín quốc gia để củng cố lòng tin rằng Việt Nam sẽ thành công với ASIAD 2019, bất chấp điều kiện nội tại của đất nước.
Các nhà tổ chức có thể viện dẫn lý do chúng ta dự kiến tổ chức một ASIAD “siêu tiết kiệm” để bảo vệ quan điểm của mình. Đúng là khoản tiền hơn 3.000 tỉ đồng (tương đương 150 triệu USD) là quá nhỏ không chỉ so với chi phí của các kỳ đại hội thể thao châu Á được tổ chức trước đó, mà còn chẳng là bao nhiêu so với những khoản lỗ hàng tỉ USD của những Vinashin, Vinalines, nhưng “tiền nào của nấy”, chất lượng của một đại hội thể thao tầm cỡ châu lục sẽ ra sao với khoản chi phí hứa hẹn ấy. Không khéo uy tín quốc gia bị tổn thương vì hiện nay nội lực chưa đủ cho một sân chơi lớn có đến 44 nước tham dự và nguồn nhân lực phục vụ có khi cả chục nghìn người. Và khi đứng trước “sự đã rồi”, chắc chắn ngân sách lại sẽ phải gồng mình gánh chi phí phát sinh, ngay cả khi không có tiêu cực, cho các công trình phục vụ ASIAD 2019.
Ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, cho biết gói đầu tư 150 triệu USD sẽ được chi chủ yếu cho việc xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất, một phần sẽ dành cho chi phí cán bộ và phục vụ công tác tổ chức.
Các dự án xây mới chỉ gồm trung tâm báo chí, sân xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình, xây trung tâm thi đấu quần vợt, sân bóng chày, trường đua ngựa và năm môn phối hợp, hockey trên cỏ, rugby… Cơ sở vật chất sẵn có sẽ được tu bổ và nâng cấp cho phù hợp với tiêu chuẩn.
Thế nhưng, dưới một góc độ khác, đa phần người dân có cách nhìn thực tế hơn đã rất băn khoăn về chủ trương của Nhà nước đăng cai ASIAD 18 khi mà từ nay đến năm 2019, khoảng thời gian hơn sáu năm liệu nền kinh tế có đủ sức vượt khó không trong tình hình nợ công lên đến hơn 50% GDP với một dự báo tốc độ phát triển không khả quan trong vài năm tới. Suy nghĩ bình thường là trước những thách thức này Nhà nước nên tập trung nhiều hơn cho các công trình vì quốc kế dân sinh, tạo thêm việc làm.
Đó là chưa kể, chúng ta sẽ phải đầu tư bao nhiêu tiền của để có được một đoàn vận động viên đủ sức tham dự với tư cách nước chủ nhà, khi mà thành tích cao nhất ở ASIAD vừa qua của Việt Nam chỉ vỏn vẹn có một huy chương vàng môn Karatedo.
Đứng trước những lo âu vừa nói, có lẽ chúng ta cũng nên nhìn lại các nước bạn đã phải chịu những áp lực nào khi đứng ra tổ chức ASIAD.
Thông tin gần đây nhất cho thấy dù đã đi được gần nửa chặng đường trong công tác chuẩn bị ASIAD 17 năm 2014 tại Incheon nhưng chủ nhà Hàn Quốc cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, ước tính ban đầu tổng chi phí cho ASIAD 2014 vào khoảng 1,62 tỉ USD nhưng đến nay đã tăng vượt 110%.
Tháng 4-2012, tờKorea Times cho biết chính quyền thành phố Incheon đang gánh món nợ hơn 2,66 tỉ USD phần lớn do công tác chuẩn bị ASIAD 2014. Từ đó dẫn đến nợ lương hàng ngàn cán bộ công chức và nhân viên hợp đồng.
Vượt chi phí là điều thường thấy nếu điểm qua các kỳ ASIAD gần đây. Như ASIAD 2010 tại Quảng Châu, Trung Quốc. Sau khi giành quyền đăng cai, ASIAD 2010 phải chịu áp lực rất lớn từ người dân Trung Quốc khi cho rằng tổng chi phí sẽ ngốn đến 200 tỉ nhân dân tệ (khoảng 24 tỉ USD). Quá trình chuẩn bị cho ASIAD 2010 liên tục có những phát sinh về chi phí. Khi công tác chuẩn bị đi vào hoàn tất trước ngày khai mạc khoảng một tháng, chủ tịch thành phố Quảng Châu Wan Qingliang tổ chức họp báo và công bố con số chính thức đã lên đến 122,6 tỉ NDT (khoảng 18,37 tỉ USD).
Trước đó, kỳ ASIAD 2006 diễn ra tại Doha (Qatar) cũng ngốn của nước chủ nhà khoảng 2,8 tỉ USD cho công tác chuẩn bị. Xin đừng quên là trong quá khứ đã hai lần kế hoạch tổ chức ASIAD bị “xù” mà lý do sâu xa nhất là khủng hoảng kinh tế. Cụ thể, Hàn Quốc (ASIAD 1970) và Pakistan (1978) đã hủy bỏ kế hoạch đăng cai. Nhưng rất may, cả hai lần đều được Thái Lan ứng cứu khi nhận tổ chức thay Hàn Quốc và Pakistan.
Chẳng phải chỉ có đa phần người dân bình thường lo lắng mà ngay cả những người trong ngành cũng có chung tâm trạng. Mới đây, trả lời báo chí, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục Thể thao) Nguyễn Hồng Minh, người đã nhiều năm gắn bó với công tác hoạch định, tham mưu các đề án phát triển thể thao của nước nhà, đã bày tỏ tâm trạng băn khoăn sau sự kiện Việt Nam được trao quyền đăng cai ASIAD 2019.
Trước đây, vào thời điểm ngành thể thao xây dựng đề án đăng cai ASIAD 2019, ông Minh là một trong những người đã có những phản biện về kế hoạch xin đăng cai của Việt Nam. Chính ông là người đề xuất lùi thêm bốn hoặc tám năm để nền kinh tế phục hồi giúp chúng ta có thể chuẩn bị tốt nhất cho việc đăng cai sự kiện thể thao lớn.
Ông đặt câu hỏi vì sao Đài Loan lại bỏ cuộc? Vì sao UAE vốn có tiềm lực tài chính dồi dào đã xin rút lui phút chót? Trước đó, nhiều quốc gia khác như Malaysia cũng xin thôi. Rõ ràng là các quốc gia và vùng lãnh thổ này đã nhìn thấy những khó khăn trước mắt của nền kinh tế nên họ không dám mạo hiểm đầu tư cho một kỳ ASIAD rất tốn kém. Đó là lý do mà cuộc đua còn lại chỉ còn hai ứng viên là Indonesia và Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, Việt Nam rất quyết tâm đăng cai và đã được chính thức trao quyền tổ chức, thì chẳng khác nào đang ngồi trên lưng cọp. Chúng ta buộc phải thực hiện đúng cam kết với Hội đồng Olympic châu Á là sẽ tổ chức thành công. Tuy nhiên tất cả vẫn ở phía trước, chưa thể nói được điều gì lúc này.
Cuối cùng, những thông tin sau đây lại càng làm cho chúng ta không yên tâm khi đứng ra tổ chức các cuộc tranh tài quy mô lớn. Mexico từng phải mất 30 năm để trả nợ sau khi tổ chức Olympic 1968. Tám năm sau lần tổ chức Olympic ở Hy Lạp năm 2004 đã trở thành gánh nặng và là một trong những nguyên nhân khiến quốc gia này sau đó bị vỡ nợ.
Như vậy có thể thấy, hầu như các quốc gia đều có những phát sinh trong quá trình tổ chức và nếu không tính toán một cách thực tế nhất, chúng ta sẽ rơi vào cảnh khó khăn những năm sau đó.
Ngọc Anh